(CAO) Nhập học gần 2 tuần, cũng là từng ấy thời gian 125 em học sinh (HS) đang sống tại ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) phải dậy từ 4, 5 giờ sáng để băng rừng, vượt biển đến trường tìm con chữ.
Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều em vẫn cố gắng phấn đấu, vượt lên nghịch cảnh, trở thành những học sinh khá, giỏi khiến nhiều người cảm phục.
ĐI BỘ 10KM ĐẾN TRƯỜNG
Để tiếp cận con chữ, mỗi ngày Ngô Kim Thanh (6 tuổi, học sinh lớp 1 tại Phân hiệu Trường Tiểu học – Mầm non Thiềng Liềng, ngôi trường duy nhất tại ấp đảo) phải đi bộ 10km. “5 giờ sáng con thức dậy, rồi dì út dẫn con ra tới bìa rừng, tới đó con tiếp tục đi bộ đến trường. Con không biết đi bao xa, nhưng lúc đến trường là 6 giờ rưỡi hoặc 7 giờ. Sau đó con ăn sáng rồi vào lớp học. Chiều thì con tự đi bộ về, không ai rước hết, về đến nhà thì trời cũng tối luôn”, Thanh kể lại quá trình đến trường của mình. Khi được hỏi, dì út con bao nhiêu tuổi, Thanh nhoẻn miệng cười: “Dạ, dì con 13 tuổi”.
Vậy là, từ khi nhập học, hai dì cháu lại dắt tay nhau băng qua cánh rừng 3km để kịp giờ đến lớp. Đến bìa rừng thì người dì quay về nhà phụ việc tiếp gia đình, còn cháu tiếp tục đi 2km nữa để đến trường tìm con chữ. Những hôm mưa dầm, nước dâng lên ngập đường, dì phải cõng cháu vượt rừng để đến lớp, khi ấy con đường đến trường càng gian nan bội phần.
Để đến lớp, Ngô Kim Thanh đi bộ mỗi ngày hơn 10km
Khi chúng tôi hỏi đi bộ vậy có mệt không, có muốn nghỉ học không, thì mắt Thanh khẳng định: “Đi học vui lắm, con không muốn nghỉ học đâu. Ngày nào con cũng tự dậy sớm để đến trường. Dì út dẫn con đi vài bữa cho quen đường, hôm sau con tự đi luôn, không cần ai dẫn nữa”.
Trong khi đó, em Lê Thị Na Vy (học sinh lớp 5) nhà tận trong rừng sâu. Mỗi ngày, Na Vy phải thức từ 4 giờ 30 sáng để để anh hai đưa đến lớp bằng vỏ lãi. “Dù thể trạng không tốt, hè này phải hóa trị mấy lần để ổn định sức khỏe, thế nhưng Na Vy rất ham học, năm nào cũng đạt học sinh giỏi”, thầy Lê Văn Phụng (Tổ trưởng phụ trách Phân hiệu trường) cho biết. Hỏi về ước mơ sau này, Na Vy hồn nhiên: “Con thích đi học để sau này làm cô giáo, quay về đây dạy học cho học sinh tại ấp đảo này”.
“Do nhà xa quá, nên nhiều em khi học xong buổi sáng mà về thì chiều không đến lớp nữa. Mấy năm trước, tôi và các thầy cô khác bàn nhau nấu cơm, tạo chỗ ngủ trưa cho các em để các em ở lại ăn uống, nghỉ ngơi và chiều học tiếp. Chỉ cần nồi cơm trắng, ít cá khô và tô canh chua là có một bữa hoành tráng rồi. Nhờ vậy, có hôm giữ lại được hơn 20 em ở lại, giảm hẳn tình trạng nghỉ nửa buổi”, cô Phạm Thị Tuyết Loan (SN 1964, giáo viên tại Phân hiệu Trường) chia sẻ.
Dù mang bệnh, nhưng Na Vy vẫn cố gắng phấn đấu, trở thành học sinh giỏi nhiều năm liền
TRƯỜNG KHÔNG ĐỒNG PHỤC!
Hiện tại, Phân hiệu trường có tổng cộng 63 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 5. Nhiều học sinh nhất là lớp 3, có 21 HS, ít nhất là lớp 4, chỉ có 5 HS đang theo học. “Sỉ số HS không đều giữa các lớp vì ấp đảo này có bao nhiêu em đến trình độ nào thì dạy theo trình độ đó. Chỉ mong các em đến lớp đều đặn, không bỏ học nửa chừng thì coi như chúng tôi đã thành công lắm rồi”, thầy Phụng chia sẻ.
Khi hỏi về những thiếu thốn tại đây, thầy Phụng cho biết: “Các em ở đây không có quy định đồng phục, vì gia đình nào cũng khó khăn, cho con đến lớp được là tốt rồi, chúng tôi chỉ khuyến khích các gia đình cho con em mặc áo trắng đến trường thôi. Từ ngày nhập học đến nay, nhiều em chưa có đồ thể dục nữa. Ở đây, cái gì cũng thiếu, chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ về trang phục, phương tiện đi lại để các em không bỏ học”.
Thầy Phụng chia sẻ mong muốn học sinh có đồng phục thể dục trong năm học mới
Rạng sáng 12-9-2017, một trận mưa giông lớn đã khiến la phông trường bị bong ra, rơi xuống nền gạch. Các thầy cô đã dùng bàn ghế ngăn khu vực này để không cho học sinh qua lại, tránh nguy hiểm. Ngay sáng cùng ngày, chúng tôi cùng thầy, cô trường Tiểu học Thạnh An về khảo sát thì thấy la phông đã hư hỏng nặng. Đồng thời, nước biển ngấm vào các trụ sắt khiến nhiều cây cột bị bong tróc lớp xi măng bên ngoài, tạo nhiều vết nứt lớn, trông rất nguy hiểm, cần sửa chữa gấp.
Ngoài 63 HS theo học cấp tiểu học tại Phân hiệu này thì còn 62 HS có khẩu tại ấp đảo đang học cấp 2, 3 phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị, ngồi đò biển ra xã đảo Thạnh An hoặc đến huyện Cần Giờ đi học. “Ở đây, do quá trình đi lại quá khó khăn nên nhiều cha mẹ không đủ tiền cho con đi đò đến trường cũng phải nghỉ học. Mỗi em HS học xong cấp 1 mà đi học thì cũng mất gần 2 triệu tiền đò mỗi năm, đây là số tiền khá lớn cho một gia đình khó khăn. Nhất là các hộ sống trong các cánh rừng”, ông Nguyễn Văn Yến – Trưởng ấp đảo Thiềng Liềng cho biết.
Lớp học của Trường Tiểu học – Mầm non Thiềng Liềng
Trận mưa giông rạng sáng 12-9-2017 khiến la phông trường bị hư hỏng nặng, nhiều cột trường bị rạng nứt, tróc xi măng, cần sữa chữa gấp