"Hòn đảo nhiệt độ" trong lòng TP.HCM

Thứ Ba, 09/07/2019 13:38

|

(CAO) Năm 2019 được dự báo là năm nắng nóng nhất trong lịch sử kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được quan trắc vào năm 1880. Tại Hà Nội và TP.HCM đã có những đợt nắng nóng kỷ lục hơn 40 độ C, thậm chí gần 50 độ C.

Đó là những đánh giá trong chương trình “Gặp gỡ Báo chí môi trường với chủ đề: Đô thị nóng và hiện tượng đảo nhiệt” do Trung tâm Nghiên cứu Vùng và Đô thị (CRUS) tổ chức vào chiều 8-7-2019.

Trong chương trình, tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga (Khoa môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM) đã đưa ra đánh giá về thực trạng gia tăng nhiệt độ báo động của TPHCM. Cụ thể, khu vực trung tâm TP đang như “một hòn đảo nhiệt độ” khi có nhiệt độ cao hơn những vùng xung quanh như Cần Giờ, Củ Chi… với nền nhiệt lên cực điểm gần 50 độ C.

Nguyên nhân là sự tăng trưởng về kinh tế mạnh mẽ ở TP, lượng người nhập cư đến TP ngày càng đông, kéo theo chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm diện tích mảng xanh bị thu hẹp để làm đất thổ cư, đất sản xuất... làm gia tăng nhiệt độ bề mặt của đô thị. Vì vậy, các khu vực trung tâm TP luôn có nhiệt độ cao hơn các khu vực ngoại ô, nông thôn.

Tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga chia sẻ về chủ đề “Tác động của đô thị hóa đến hiện tượng đảo nhiệt tại TPHCM”

Chính vì vậy, “hòn đảo nhiệt độ” này đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của trẻ em và người già, năng suất làm việc của người lao động cũng bị giảm sút, đồng thời kéo theo hệ lụy về kinh tế, dịch vụ, du lịch, y tế…

Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga đề ra những giải pháp cụ thể, như: xây dựng APP là hệ thống tích hợp quản lý dữ liệu, phân tích thông tin nhiệt độ đô thị tại TP để các cơ quan chức năng và người dân có thể theo dõi, giám sát mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nâng cao ý thức công cộng để bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống.

Ngoài ra, một số giải pháp tích cực khác như sử dụng xe đạp trong thành thị, đi lại bằng phương tiện công cộng để giảm lượng nhiệt độ thải ra ngoài…

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề: Đô thị nóng và hiện tượng đảo nhiệt

Tại hội thảo, thạc sĩ Phạm Trần Hải (Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM) cũng chia sẻ kinh nghiệm khi thực địa tại một số quốc gia trên thế giới về những giải pháp cho hiện tượng này.

Cụ thể, ở Singapore có hoạt động trồng cây xanh trên đường cao tốc, khu dân cư và những chính sách hỗ trợ tài chính cho việc tăng cường mái xanh, xây dựng TP trong vườn. Còn Hàn Quốc đã xây dựng mô hình mái xanh tại tòa nhà cao tầng, chung cư như trồng hoa, trồng rau sạch… Đây là những giải pháp rất thiết thực có thể thực hiện được ở TPHCM.

Thạc sĩ Phạm Trần Hải đưa ra những kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về giải pháp cho hiện tượng đảo nhiệt

Bình luận (0)

Lên đầu trang