Hơn ngàn tấn cá chết trắng sông, ngư dân trắng tay

Thứ Tư, 17/02/2016 12:33  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hơn 1.000 tấn cá điêu hồng, lăng nha, mè vinh, rô phi, chình…chết đột ngột đã đẩy người nuôi cá từ bến đò số 10 – 18 thuộc địa bàn 2 huyện Phú Tân (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) lâm cảnh điêu đứng, nợ nần.

Đang lo lắng vì khoản nợ cũng như chưa an tâm tái sản xuất, ông Trần Văn Dũng (59 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) buồn bã kể: “Sáng ngày 4 - 2, bè nào cá cũng nổi dày đặc mặt nước. Lúc ấy, tôi đem 1 cái máy đạp nước, 2 bình oxi, 3 mô tơ để thổi vì nghĩ cá nực nước nhưng càng làm thì cá chết càng nhanh. Đến 5 giờ cùng ngày, cá nổi trên mặt nước càng thưa lại nào ngờ lặn xuống kiểm tra thì cá chết dày cả mét.

Số cá này đã bán cho thương lái với giá 29.000 đồng/kg và qua Tết bắt ai ngờ lại xảy ra cớ sự này. Phải biết cá bị ngộ độc thì lúc đầu đã vớt lên thả vào nước sạch hoặc vận chuyển đi nơi khác là ổn rồi. Ngoài cá trong bè thì lịch, tôm, cá lăng… ngoài sông vẫn nhào đầu và nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Giờ đây tiền thức ăn và vay ngân hàng là 1 tỷ đồng mà không biết đến bao giờ mới trả được”.

Là một trong những hộ chịu thiệt hại nặng nhất trong vụ cá chết trên sông Cái Vừng, ông Huỳnh Văn Hiên (47 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) cho biết: “Tổng lượng cá nuôi của gia đình sắp xuất bán trên 220 tấn. Ngày cá có biểu hiện bất thường thì tôi huy động 60 lao động cứu vớt nhưng chỉ cứu được trên 20 tấn, ước thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng, trong đó 8 tỷ là vốn đầu tư. Nuôi cá từ năm 1995 đến nay và hàng năm chỉ hao hụt chưa đầy 1%, còn giờ thì mất trắng. Số tiền dành dụm làm ăn mấy mươi năm đã mất sạch trong tích tắc”.

Số cá chết được vớt lên- Ảnh: Nguyễn Nhân 

Thời điểm có chết một phần người dân đổ thẳng ra sông hoặc bán giá rẻ như cho. Ông Nguyễn Văn Nhàn (54 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân) nuôi cá trên 20 năm nay, cho biết: “Nhà nuôi 5 bè cá gồm các loại như: lăng nha, mè, cá giống. Sáng ngày 5-2, cá tôi bắt đầu chết như những hộ gần đó. Mặc dù huy động 6 máy bơm và bình oxi để can thiệp vẫn không ăn thua gì. Tổng lượng cá thịt chết là khoảng 40 tấn và 150.000 con cá giống, ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Cá chết vớt ướp đá rồi chỉ bán được giá từ 2.000 – 4.000 đồng/kg, trong khi trước đó thương lái hỏi mua giá 97.000 đồng/kg”.

Cho rằng có nhà máy nào đó đã xả chất độc ra sông làm thiệt hại đến cá nuôi, ông Nguyễn Thanh Ngân (46 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) có 22 tấn cà mè vinh, he và 160.000 cá giống 2 tháng tuổi trôi lềnh bềnh trên mặt sông ngày 5 – 2, nói: “Giờ đây tiền thức ăn, tiền vay thì gia đình nợ ngân hàng, đại lý thức ăn trên 300 triệu đồng. Ngoài chuyện nợ nần chúng tôi lo lắng không thể tái sản xuất khi chưa tìm được nguyên nhân. Chúng tôi đang nghi ngờ trong khu vực từ bến đò số 10 – 18 có cơ sở xả thải, bởi từ số 9 trở lại thì cá vẫn sống bình thường”.

Nếu sớm biết cơ sở xả thải hoặc dòng sông nhiễm độc thì người dân đã hạn chế được lượng cá bị hao hụt. Ông Đỗ Trung Lai (54 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) có gần 20 tấn cá giống cho biết: “Ngày 4-2, hay tin cá trên bến đò số 10 chết thì đã tăng cường máy đạp, bình oxi và đến trưa ngày 5-2 thì cá ngửa bụng, chết khoảng 70%, tức tốc cứu vớt và đưa số cá còn lại đến bến đò số 8 thì 5 tấn xót lại bình thường và gởi lên bến đò số 6 nuôi thì đến nay vẫn phát triển tốt”.

Nhiều ngư dân có cá nuôi bị thiệt hại từ ngày 4 đến 6-2 nghi ngờ Công ty cổ phần Toàn Cầu đóng gần bến đò số 11 (thuộc xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) xả nước thải trong quá trình chế biến gạo đồ hoặc xúc rửa bồn đã tuồn nước thải ra sông và kèm theo chất độc hại làm cá chết hàng loạt. Thế nhưng đến nay cơ quan chức năng An Giang, Đồng Tháp vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.

Làng cá bè Cái Vừng đìu hiu sau đợt cá chết - Ảnh: Nguyễn Nhân 

Điều người dân mong mỏi là sớm tìm ra thủ phạm làm hơn 1.000 tấn cả chết đột ngột. Bởi ngoài việc thiệt hại trước mắt thì nó còn tìm ẩn nguy hại do đây cũng chính là nguồn nước người dân sử dụng trong sinh hoạt. Đặc biệt tái sản xuất về sau.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp An Giang và Đồng Tháp, tổng lượng cá nuôi bè trên sông Cái Vừng thuộc 2 huyện Phú Tân và Hồng Ngự bị thiệt hại vào thời điểm giáp Tết Bính Thân là 1.119 tấn, trong đó An Giang 655 tấn, Đồng Tháp 464 tấn, ước thiệt hại khoảng hơn 40 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang