(CAO) Liên quan đến vụ phá rừng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra bước đầu của lực lượng chức năng phát hiện 7 gốc bị chặt với hơn 8,3m3 gỗ, kết quả này dường như chưa sát với thực tế phóng viên ghi nhận.
Sau khi Báo Công an TP.HCM có nhiều bài phản ánh về tình trạng phá rừng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum – một trong những thủ phủ trồng sâm Ngọc Linh, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông và UBND xã Đăk Na đã vào hiện trường kiểm tra.
Hiện trường vụ phá rừng tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông
Đoàn kiểm tra xác định hiện trường phá rừng nằm tại tiểu khu 206, được giao quản lý bảo vệ cho 2 hộ gia đình gồm ông A Vã và A Dâng (xã Đắk Na). Tại hiện trường có 7 gốc cây gỗ bị chặt hạ, được xẻ thành 11 lóng và hộp, khối lượng hơn 8,3m3. Lực chức năng xác định gỗ bị phá thuộc chủng loại kháo, sao cát, dầu, dẻ trắng, từ nhóm III đến nhóm VII.
Đoàn kiểm tra không phát hiện được đối tượng khai thác gỗ; không có người đến nhận là chủ của số gỗ trên.
Những cây cổ thụ cả người ôm không xuể cũng bị cưa hạ
Tại buổi làm việc với UBND huyện Tu Mơ Rông, phóng viên nhận thấy vị trí và kết quả kiểm tra chưa sát với những gì được chứng kiến ở hiện trường, nên đã cung cấp thêm những hình ảnh và các điểm đã từng ghi nhận.
Ông Nguyễn Khắc Sương – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cảm ơn những hình ảnh và vị trí phá rừng được phóng viên cung cấp thêm, và hứa sẽ cho lực lượng mở rộng phạm vi kiểm tra.
Lực lượng chức năng sẽ cho mở rộng phạm vi kiểm tra
Trước đó, Báo Công an TP.HCM có phản ánh, tại khu vực rừng xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nhiều cây gỗ tự nhiên cổ thụ bị các đối tượng cưa hạ la liệt. Tại hiện trường còn nhiều lóng, hộp gỗ mà các đối tượng chưa kịp vận chuyển đi.
(CAO) Nhiều cây gỗ có tuổi thọ hàng trăm năm, đường kính cả người ôm đã bị các đối tượng cắt hạ. Hiện trường vụ phá rừng quy mô này được chúng tôi phát hiện tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.