Khi tay ngang 'chơi' thú dữ

Thứ Sáu, 11/09/2015 09:16  | Tây Phương (tổng hợp)

|

(CAO) Những loài động vật tưởng chừng có thể dễ dàng thuần hóa, nhưng đôi khi có những tai nạn khủng khiếp xảy ra mà không ai ngờ được.

Những vụ thú dữ tấn công người thê thảm

Sáng 23-8-2015 vừa qua, khi đang đứng ngoài rào sắt cùng đoàn khách tham quan tại khu sinh thái Trại Bò (xã Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An), chị Trần Thị Yến (20 tuổi) bất ngờ bị một con hổ trắng với chân ra ngoài cửa chuồng lôi tay chị vào sát phía trong và dùng mồm ngoạm cắn.

Chị Trần Thị Yến tại bệnh viện sáng 7-9. Ảnh: VNE

Phát hiện sự việc trên, những người đi cùng vội chạy đến vừa dùng gậy ném vào con hổ vừa lôi chị Yến ra ngoài nhưng không được. Khoảng 1 phút sau, bị ném gậy vào mặt, con hổ mới chịu thả chị Yến ra nhưng lúc này cánh tay chị Yến đã bị cắt đứt rời quá khuỷu tay.

Vụ việc khiến người ta nhớ lại vụ việc một chú voi tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) quật chết người nuôi thú đã huấn luyện mình nhiều năm. Sự việc xảy ra vào cuối năm 2013, trong lúc mang sơn vào sơn lại chuồng bất ngờ anh Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long), nhân viên huấn luyện thú đã bị một con voi nặng khoảng hai tấn dùng vòi quật văng vào bể nước, chấn thương nặng dẫn đến tử vong.

Năm 2009, cũng tại khu du lịch này, một nhóm nhân viên vườn thú mang cây xanh vào sân chơi của cọp để trồng. Thấy cây cối xao động, một con cọp hoảng loạn phóng qua vách ngăn cao khoảng 3m, tấn công nhóm nhân viên trên. Hậu quả, anh Nguyễn Công Danh (47 tuổi) thiệt mạng.

Theo ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR, ở Việt Nam hiện chưa có trường lớp đào tạo những người chăm sóc, thuần hóa hay huấn luyện thú dữ. Hầu hết những người đang “sống” với thú dữ ở các vườn thú hiện nay học ngành thú y. Không ít người chăm sóc, huấn luyện thú chỉ bằng kinh nghiệm “học lõm” được.

Tay ngang “chơi” thú dữ

Không chỉ du khách mới bị thú dữ bị nhốt trong chuồng bất ngờ tấn công, mà ngay cả những gia chủ nuôi chúng cũng ôm họa "nuôi ong tay áo". Để chứng tỏ “đẳng cấp”, sự sành điệu,... không ít người đã rước về cả những con thú chưa được thuần chủng, phớt lờ những nguy cơ đe dọa tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình… và đã có không ít vụ thú dữ nuôi trong nhà tấn công chủ thê thảm.

Vụ tai nạn thương tâm bé trai 3 tuổi bị gấu nuôi cắn đứt lìa bàn tay ở căn biệt thự thuộc khu vực ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn TP.HCM vẫn còn gây chấn động dư luận. Ngày 11-1-2015, cháu bé con chủ căn biệt thự chơi một mình ở sân vườn trong khuôn viên nhà. Khi không ai để ý, cháu bé đã thò cánh tay phải vào lỗ thủng nhỏ tại chuồng đang nuôi gấu thì bị gấu cắn, kéo cánh tay vào phía trong lồng, rồi cắn đứt lìa bàn tay phải.

Khu vườn căn biệt thư của vị đại gia nuôi gấu gây tai nạn có diện tích khá rộng. Ảnh: Kiến thức

Đây không phải là lần đầu tiên người nhà (đa phần là trẻ em) bị gấu nuôi trong gia đình cắn. Hồi cuối tháng 4-2014, một bé trai 28 tháng tuổi ở Quảng Ninh từng bị gấu nuôi cắn lìa tay trái. Năm 2013, một bé trai 5 tuổi ở Phú Thọ cũng bị gấu nuôi nhà bác cắn đứt hai tay.

Hay mới đây nhất, vào chiều 8-7-2015, anh Nguyễn Tấn Đ. (43 tuổi, ngụ Long An) phát hiện con khỉ đang nuôi bị đứt dây nhởn nhơ leo trèo trong vườn nên đã dí tóm con khỉ. Tuy nhiên khi anh Đ. vừa tiếp xúc thì con khỉ này nổi điên ôm lấy ông chủ rồi nhai ngấu nghiến 2 bàn tay của ông. Ngoài ra, trước khi bung chạy, con khỉ còn cắn thêm một nhát vào bụng ông chủ.

Anh Đ. được gia đình chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bị đứt gân hai tay, vết thương sưng vù và đau đớn. Ảnh: Kim Phát

Trước đó anh Hồ Phạm T. (24 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã nhập viện trong tình trạng cổ tay trái bị khỉ cắn nát bấy, đứt động mạch và toàn bộ gân gấp cẳng tay. Theo anh T., anh nuôi con khỉ đuôi lợn này được 8 năm. Bình thường con khỉ rất hiền nhưng khi thấy anh thường xuyên ẵm một đứa cháu sơ sinh nên nó nổi cơn ghen và tấn công anh.

Tháng 4-2015 vừa qua, một bé gái tên Q., 4 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước cũng bị con khỉ của người cậu tặng cho cắn gây thương tích, nhiễm trùng nặng, phải nhập bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) điều trị.

Cẩn trọng khi nuôi

Không chỉ riêng các loại thú hoang dã mà cả các động vật đã thuần chủng qua nhiều thế hệ như chó, mèo cũng có thể tấn công người, nhất là trẻ em.

Công tác tại viện Nhi Đồng 1 TP.HCM hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt và phẫu thuật tạo hình từng chứng kiến nhiều ca bệnh nhi bị chó, mèo nuôi trong nhà cắn dẫn đến tổn thương nghiêm trọng, nhất là ở vùng đầu, mặt cổ, thậm chí đe dọa tính mạng. Mỗi năm tại khoa Răng – hàm – mặt cũng ghi nhận cả 30 trường hợp như vậy.

Nhiều trẻ em bị chó nhà cắn nát mặt
Chỉ tính riêng TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, số người bị súc vật nghi dại cắn phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh tại thành phố là 16.410 người, trong đó có 7.750 phụ nữ và 3.621 trẻ em.

Về ảnh hưởng của thú dữ nuôi tại nhà đối với sức khỏe con người, các bác sĩ cho rằng, ngoài bị thương tổn thể xác khi bị chúng tấn công còn bị tổn thương nghiêm trọng cả về tinh thần, nhất là khi nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, còn nhiều nguy cơ về lây bệnh truyền nhiễm từ các con vật nuôi này.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, một chuyên mua bán các loại thú nuôi tại TP.HCM khuyên mọi người không nên nuôi các loại thú dữ hoặc có nọc độc tại nhà, nhất là những gia đình có trẻ con. Trong trường hợp muốn nuôi vì một lý do nào đó, gia chủ cần tìm hiểu thật rõ về đặc tính của con vật, đồng thời có những biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh sự tiếp xúc quá gần với con người.

Bên cạnh đó, để thú giảm bớt tính hung dữ, người nuôi cần đặt chúng ở nơi rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh, tránh trêu chọc chúng. Với những hộ có trẻ em không nên nuôi các loại thú dữ hoặc có nọc độc tại nhà.

Theo thạc sỹ Nguyễn Khương - Bộ NN&PTNT, các loài động vật hoang dã như hổ, gấu, khỉ, vượn… và một số loài bò sát vốn sống trong môi trường hoang dã tự nhiên nên khi bị bắt, nuôi nhốt trong không gian chật chội, sự hung dữ và nguy hiểm của chúng sẽ tăng lên. Ngay cả với loài chó nhà, nếu bị nhốt, xích, bỏ đói thường xuyên, khi bị kích động chúng rất dễ tấn công con người.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, tránh tình trạng nuôi thú dữ trong các gia đình phát triển đến mức khó kiểm soát, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp cụ thể về vấn đề này, siết chặt các quy định về nuôi, nhốt động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, đồng thời giám sát chặt chẽ những địa điểm đã được cấp phép, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nuôi thú dữ khi chưa đủ điều kiện…

Bình luận (0)

Lên đầu trang