Đến với Trường Sa, chúng tôi càng tin tưởng, tự hào trước những điều nhìn thấy. Đó còn là những bài học “sống” mà khi trở về đất liền, chúng tôi có thêm động lực làm tốt phần việc của mình để xứng đáng là người con của Tổ quốc Việt Nam.
Tự hào là lính đảo
Trường Sa mùa này rất nóng do thời tiết đang bước qua giai đoạn chuyển mùa. Thế nhưng, vừa đặt chân đến xã đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã được các anh cán bộ, chiến sĩ đứng hiên ngang giữa nắng gió chờ, chào đón nhiệt tình.
Những nụ cười nở trên gương mặt rám đen. Một cán bộ nhìn chúng tôi cười: “Ở đây chừng một tháng là da người nào cũng ngăm đen, rám nắng. Cứ nhìn màu da là có thể đo được thời gian công tác của mọi người ở đây”.
Song Tử Tây là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Theo chân các anh, chúng tôi vào khu vực cột mốc làm lễ chào cờ. Thời tiết khắc nghiệt của buổi trưa nắng gió, cộng với nhiệt từ nền xi măng bốc lên nóng hổi khiến đoàn từ đất liền ra chưa thích nghi kịp.
Cán bộ chiến sĩ thực hiện nghi thức diễu binh trên đảo Song Tử Tây.- Ảnh: Trung Oanh
Ở giữa sân, các anh cán bộ, chiến sĩ đứng nghiêm trang, hát vang bài quốc ca rồi tiến hành nghi thức diễu binh.
Sau buổi chào cờ, chúng tôi được nghe về những kết quả công tác trong thời gian qua của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên xã đảo. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cư dân trên đảo vẫn trồng được những luống rau xanh tươi tốt, chăn nuôi gia súc, gia cầm để bổ sung dưỡng chất cho bữa ăn thêm phong phú, đủ đầy.
Dẫn chúng tôi ra luống rau vừa gieo, anh Đặng Anh Tòng – Bí thư đoàn đảo Song Tử Tây khoe: “Mấy luống rau này được hơn một tháng rồi, còn luống cải này đã trồng hai tháng, có thể thu hoạch được rồi. Tuy thời gian trồng trên đảo có lâu hơn đất liền một chút nhưng cơ bản rau vẫn xanh, tươi tốt, ăn rất giòn và ngon”.
Đoàn hành trình dành cả buổi chiều để thăm đảo Song Tử Tây, đến sáng hôm sau thì khởi hành đến Đá Thị (một trong những hòn đảo chìm của quần đảo Trường Sa). Nhìn từ xa, Đá Thị nổi lên giữa biển cả mênh mông như lời khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Sau khi tham quan một vòng trên đảo, chúng tôi có dịp trò chuyện với em Nguyễn Thanh Long (SN 1995).
Long tâm sự: “Em nhận nhiệm vụ ra đây công tác từ tháng 7-2015. Lúc đầu mới ra, vẫn chưa quen cuộc sống nên còn bỡ ngỡ lắm, giờ em đã hoàn toàn thích nghi được với nơi này rồi. Ở đây, em được huấn luyện nhiều kỹ năng chiến đấu, được bồi dưỡng kiến thức và được sự quan tâm của nhà nước. Gần 10 tháng ở đảo, em được nhiều đơn vị đoàn thể ra thăm hỏi, động viên nên rất vững tâm công tác”.
Trẻ em trên đảo Trường Sa - Ảnh: Trung Oanh
Nghe Long trò chuyện, đại tá Nguyễn Đình Tổng (Chủ nhiệm Khoa A8 – Bệnh viện Quân y 175) động viên: “Trong thời gian công tác tại đây, em hãy cố gắng rèn luyện kỹ năng, trao dồi, học hỏi thêm từ chỉ huy, đồng đội tốt để khi hoàn thành nhiệm vụ mình có nền tảng kiến thức vững chắc, có thể tự tin, sống tốt và cống hiến cho đất nước. Các em chính là niềm tự hào của Tổ quốc khi được sống ở đây, ngày đêm đứng canh giữ vùng biển này”.
“Khó khăn gian khổ đến mấy tụi em cũng không ngại đâu. Vì trước khi đi tụi em đã được rèn luyện những kỹ năng, kiến thức để sinh sống, công tác trên vùng biển rồi. Em chỉ mong đoàn công tác đến thăm nhiều hơn, để tụi em có nhiều cơ hội trò chuyện, giao lưu với mọi người thôi”, một chiến sĩ trên Nhà dàn DK1 tâm sự.
Hỏi em có nhớ nhà lắm không, em tâm sự: “Nói không thì là không đúng, nhưng trước khi đi cả nhà em đã động viên tinh thần, ủng hộ em rất nhiều. Ba em nói, là công dân sống trên đất nước này, nếu có cơ hội thì phải ra sức cống hiến cho Tổ quốc để cuộc đời mình xứng đáng và ý nghĩa hơn. Em lấy lời dạy của ba làm động lực nên rất tự hào khi được ở đây công tác”.
Cảm ơn Trường Sa
Sau khi thăm các xã đảo của Trường Sa, chúng tôi vô cùng xúc động và khâm phục các anh – những người lính đảo ngày đêm canh giữ biển đảo. Chính các anh đã cho chúng tôi những cơ hội được nhìn thấy, được cảm nhận nghị lực kiên cường, tinh thần vượt khó để chúng tôi vững tin hơn khi về đất liền công tác.
“Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia chuyến hành trình về Trường Sa. Khi chưa ra đây, tôi có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, ra đây rồi, tận mắt nhìn thấy, tôi rất tin tưởng biển đảo sẽ mãi luôn là mảnh đất kiên trung của Tổ quốc. Trò chuyện với các em, tôi thấy bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ ở đây rất cao, rất đáng khâm phục, xứng đáng là tấm gương cho các em ở đất liền phấn đấu, học hỏi”, đại tá Hồ Văn Lâm – Chủ nhiệm hậu cần Trường Sĩ quan Lục quân 2 chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Đình Tổng trò chuyện cùng chiến sĩ Nguyễn Thanh Long trên đảo Đá Thị- Ảnh: Trung Oanh
Tham gia chuyến hành trình công tác, có nhạc sĩ Hoàng Vũ Minh Tâm (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM). Sau khi thăm 9 điểm đảo và nhà dàn DK1/7, anh Tâm tự tin nói: “Lúc trước, tôi chỉ biết thông tin về các quần đảo Trường Sa qua những trang mạng xã hội. Mà mạng xã hội thì có nhiều thông tin trái chiều, không chính xác mà mình thì không biết kiểm chứng ở đâu cho đúng. Nay có dịp ra đây, được nắm tình hình thực tế, tôi rất tự hào, yên tâm. Tôi tự tin khẳng định với tinh thần của các anh chiến sĩ, với sự kiên cố của xã đảo như ngày hôm nay thì không ai có thể xâm phạm chủ quyền của chúng ta được”.
Ngoài cán bộ chiến sĩ công tác trên đảo, điều làm chúng tôi không thể quên là những cư dân đang sinh sống tại đây. Trò chuyện với mọi người, chúng tôi cảm nhận niềm tin, sức mạnh bên trong mỗi người rất đáng khâm phục.
“Những đứa trẻ tại các điểm đảo dù nhỏ hay lớn đều rất tự tin, khả năng giao tiếp tốt và thân thiện với mọi người. Rất khác với những gì tôi nghĩ khi chưa đến đây. Nhìn thấy cuộc sống của dân đảo, tôi cảm nhận được cuộc sống này có ý nghĩa rất nhiều. Về đất liền, tôi nhất định sẽ kể cho con mình nghe những bài học đó để con có thêm kiến thức, nền tảng phấn đấu trong cuộc sống hơn”, anh Lê Quốc Việt – Giám đốc khách hàng cá nhân VIB (quận 5, TP HCM) cho biết.
Một gia đình trên đảo Trường Sa chụp chung với các cán bộ - Ảnh: Trung Oanh
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Trung ương đoàn, trưởng đoàn hành trình cho biết: “Trước khi tham gia chuyến hành trình lần này, tôi cứ nghĩ đoàn công tác ra động viên các anh cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo. Nhưng khi đến nơi, trò chuyện cùng lính đảo, tôi càng tự hào, vững tin về khả năng, tinh thần của các anh. Khi trở về, tôi lại thấy các anh mới chính là người động viên ngược lại cho đoàn hành trình.
Các anh là những tấm gương tiêu biểu, những minh chứng sống hùng hồn để mỗi người khi trở về có thể phấn đấu làm việc. Thực ra, yêu nước chẳng ở đâu xa, chỉ cần mỗi người hoàn thành thật tốt công việc của mình ở tại cương vị đó, điều đó sẽ giúp đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tiến bộ hơn”.
Thật vậy, trong chuyến hành trình này, khi tàu nhổ neo, quân và dân trên đảo Trường Sa đều ra đưa tiễn, và ôm những cái ôm thắm thiết thay lời chia tay. Khi tàu khởi hành, tất cả đồng loạt hô vang “Trường Sa yêu đất liền!”.
Tàu cập bến ở Trường Sa - Ảnh: Trung Oanh
Câu nói chân tình, súc tích khiến tất cả thành viên trên tàu đều ứa nước mắt, nghẹn ngào và hô vang đáp lại: “Đất liền cảm ơn Trường Sa”. Những cái vẫy tay cứ xa dần, từng câu hát cứ nhỏ dần đưa đoàn công tác trở về đất liền để lại trong mỗi con người nhiều cảm xúc. Sau chuyến hành trình, chúng tôi đều tâm niệm về lời hứa sẽ phấn đấu học tập, làm việc thật tốt nhiệm vụ của mình như lời hứa về tình cảm của các anh lính đảo, xứng đáng là người con của Tổ quốc Việt Nam.
Tặng quà ở đảo Len Đao - Ảnh: Trung Oanh