Người dân nói gì về việc tạm dừng các khu vui chơi, cơ sở ăn uống?

Thứ Tư, 25/03/2020 12:11

|

(CATP) Căn cứ kết luận của Ban chỉ đạo (BCĐ) thành phố về phòng chống (PC) dịch Covid-19, ngay trong chiều 24-3, UBND TPHCM đã có công văn (CV) khẩn gửi tới các sở ban ngành nhằm yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động đối với các khu vui chơi giải trí, nhà hàng , quán beer club, cơ sở kinh doanh (CSKD) ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên…. bắt đầu từ 18 chiều cùng ngày. 

Quyết định này dù bất ngờ và gây ra một số khó khăn nhất định cho người dân nhưng trong tình thế nguy cấp, đây được xem là hành động cấp thiết, được đông đảo người dân đồng lòng hưởng ứng.

Tranh thủ... bán sát giờ "G"

Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa ký quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, CSKD dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP kể từ 18h ngày 24-3-2020 đến hết ngày 31-3-2020. Mục đích đóng cửa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Một quán ăn trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) treo thông báo tạm dừng hoạt động trong chiều 24-3

UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Công thương cùng các sở, ngành liên qua cùng 24 quận, huyện theo dõi, kiểm tra việc chấp hành chỉ đạo của thành phố.

Trước đó, ngày 14-3, UBND TPHCM đã yêu cầu ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu... kể từ 18 giờ ngày 15-3 đến hết ngày 31-3.

Ngay khi thông tin vừa được công bố, nhiều chủ nhà hàng, chủ CSKD các hoạt động trên đều tỏ ra bất ngờ, xen lẫn sự lo lắng vì những thiệt hại sẽ phải hứng lấy trong những ngày đóng cửa sắp tới. Tuy nhiên, đây được coi là động thái quyết liệt và cần thiết của thành phố khi dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Ngay sau khi CV khẩn của TP được ban hành trong chiều 24-3, đồng loạt tại nhiều quận, huyện của TP đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm giám sát chặt chẽ tình hình KD, buôn bán tại các địa điểm nằm trong diện yêu cầu tạm dừng hoạt động của thành phố.

Các quán karaoke cũng đồng loạt đóng cửa ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND TPHCM

Ghi nhận tại phố nhậu Phạm Văn Đồng (đoạn qua các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức) nhiều quán xá ngay khi vừa chuẩn bị mở bán đã nhanh chóng thu xếp, dọn dẹp bàn ghế trở lại theo yêu cầu chung của thành phố. Tuy vậy, vẫn còn có nhiều cơ sở vẫn cố tình nán lại đến sát giờ “G” để gỡ gạc được chút nào hay chút đấy.

Anh Tuấn, quản lý một chuỗi nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) bày tỏ, việc đóng cửa quán đột ngột cũng gây ra nhiều khó khăn, nhất là cho các anh chị em làm việc tại quán có hoàn cảnh khó khăn, không kịp tìm việc làm mới giữa lúc kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh đem lại.

“Trước mắt quán sẽ hỗ trợ 1 phần tiền nhỏ để thể hiện sự quan tâm và động viên. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tìm phương án thay đổi kinh doanh hoặc sẽ thu hẹp số công suất hoạt động để có thể tiếp tục kinh doanh” – anh Tuấn tâm sự.

Lực lượng chức năng Q.Phú Nhuận có mặt tại các CSKD để tuyên truyền và nhắc nhở tới các chủ cơ sở 

Còn tại khu vực ăn uống tại “làng đại học” (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức), tình trạng khẩn trương thủ dọn cũng được triển khai. Tuy nhiên, nhiều chủ quán vẫn cố gắng náng lại hoặc tìm cách hạn chế quy mô phục vụ để tiếp tục được hoạt động. Tuy vậy, lực lượng chức năng đã có lên phương án để kiểm tra cũng như xử lý nghiêm nếu các cơ sở kinh doanh vẫn tiếp tục tái phạm.

Nhân viên tại 1 tiệm cắt tóc ở đường 419 (Q.9) đang tranh thủ dọn dẹp trước khi lệnh cấm có hiệu lực 

Tại các tiệm cắt tóc nằm trên đường Hồ Bán Kiện (Q.10), lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt, nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm túc quy định đã được ban hành.

Anh Lý Thế Vinh, chủ tiệm cắt tóc trên đường Hồ Bá Kiện chia sẻ, ngay từ sau Tết nguyên đán tình hình kinh doanh tại cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn nên đã tính tới chuyện tạm ngưng hoạt động. “Chấp hành nghiêm mọi yêu cầu của chính quyền nhằm phòng chống dịch bệnh dù khó khăn thì cũng phải chấp hành” – anh Vinh bày tỏ.

Tranh thủ kiếm tiền đến trước giờ "G"

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, trong chiều 24-3, nhiều chuỗi nhà hàng, quán cà phê, trà sữa trên đường Phan Xích Long cũng đồng loạt đóng cửa theo yêu cầu của thành phố. Nhiều nhân viên đang làm thêm cũng như làm chính tại các chuỗi nhà hàng, quán ăn, quán karaoke dù sắp tới sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng vẫn tỏ ra lạc quan, cùng chung tay với thành phố đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.

Nặng ghánh âu lo

Đến thời điểm hiện tại, việc phải tạm dừng mọi hoạt động KD đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Các chủ nhà hàng, chủ các CSKD nằm trong diện đề cập dù muốn hay không đều phải chấp hành. Nhưng dẫu vậy, nhiều nỗi lo vẫn trở thành ghánh nặng với các chủ cơ sở kinh doanh trong những ngày sắp tới.

Chiều 24-3, sau khi nhận được văn bản khẩn của UBND TP, anh Trí, chủ 1 quán cà phê trên đường Thủ Khoa Huân (P.Bến Thành, Q.1) buộc phải nhanh chóng thu xếp, đóng cửa quán.

Cầm trên tay tờ văn bản do lực lượng chức năng phường cung cấp, vị chủ quán khéo léo tới tận bàn tuyên truyền cho khách uống nước về chủ trương mới của TP. Trước khi rời đi, anh Trí không quên nhắc khéo khách nhớ quay lại ủng hộ sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ.

Anh Trí, chủ quán cà phê trên đường Thủ Khoa Huân (Q.1) cầm trên tay tờ văn bản tuyên truyền cho khách uống nước về chủ trương mới của TP

Tâm sự với phóng viên, anh Trí hoàn toàn đồng tình với chủ trương của TP trong cuộc chiến cam go với dịch Covid-19. Tuy vậy, những nỗi lo không hề nhỏ cũng đè nặng lên đôi vai ông chủ quán.

“Tiền thuê mặt bằng giữa quận 1 không phải rẻ nên việc phải đóng cửa suốt thời gian dài sẽ là đón dáng không nhẹ vào tiềm lực kinh tế của những cửa hàng nhỏ và vừa như chúng tôi. Cũng mong lãnh đạo TP, lãnh đạo quận huyện tìm cách hỗ trợ phần nào với chúng tôi” – anh Trí chia sẻ.

Việc thực hiện nghiêm chủ trương của TP dù khiến nhiều chủ CSKD gặp khó khăn nhưng cần thiết trong điều kiện dịch bệnh bùng phát mạnh

Cũng rơi vào tình cảnh như vị chủ quán ở Q.1, anh Thế Sang, chủ 1 quán cà phê trên đường Dân Chủ (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) cũng có những nỗi lo riêng giữa mùa dịch bệnh.

Anh Sang bày tỏ, dù quán chưa nằm trong diện phải tạm dừng hoạt động nhưng anh vẫn chủ động làm theo chủ trương mới của thành phố. Sự chủ động của anh Sang được xem là hành động tốt giữa lúc tình hình dịch bệnh đang leo thang song nỗi lo chi phí trả lương cho nhân viên, tiền mặt bằng cũng đè nặng lên vai chàng trai trẻ.

Nhân viên tại quán cà phê ở Thủ Đức chuẩn bị thu dọn theo chủ trương mới

“Trước mắt tôi vẫn sẽ trả lương đủ cho nhân viên cũng như đổi hình thức hoạt động từ phục vụ tại chỗ sang bán online, bán mang đi. Nhưng giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, cũng mong chính quyền, chủ nhà cũng có cách tháo gỡ, hỗ trợ cho bà con kinh doanh như chúng tôi” – anh Sang nói.

Còn tại Hóc Môn, giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, gây nhiều thiệt hại cho đời sống kinh tế của người dân, anh Tân Minh, chủ của một khu nhà trọ đã quyết định giảm tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên như một sự động viên, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Gia đình anh Tân Minh treo thông báo giảm giá phòng bắt đầu từ đầu tháng để hỗ trợ sinh viên, người lao động nghèo
Thông điệp ý nghĩa được gia đình anh gửi gắm tới bà con xóm trọ giữa mùa dịch bệnh

Chia sẻ với phóng viên Báo CATP, ngay sau khi nhận được tin nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, quán ăn trên địa bàn TP phải đóng cửa tạm thời tránh dịch, anh Minh và vợ đã quyết định giảm giá tiền phòng trọ nhằm hỗ trợ phần nào bà con đang thuê trọ tại nhà mình.

“Phần tiền mình giảm tuy không nhiều nhưng cũng rất cần thiết để hỗ trợ anh chị em công nhân đang thuê trọ. Giữa lúc dịch bệnh hoành hành chúng tay hãy cùng chung tay và bảo bọc lẫn nhau” – anh Minh tâm sự.

Dù khó khăn nhưng cần thiết

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND Q.Tân Phú cho biết, trước khi thành phố chính thức ra công văn yêu cầu vào chiều 24-3, Q.Tân Phú đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhằm kiểm soát việc tụ tập đông người cũng như hoạt động tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, mát –xa…

“Ngay trong chiều 24-3, Ủy ban nhân quận đã ban hành công văn khẩn gửi đến các phòng chức năng của quận nhằm quán triệt, thực hiện nghiêm theo Công văn số 1049/UBND-TH của UBND TP. Ngoài ra, lãnh đạo quận sẽ cùng các đơn vị chuyên trách, chủ công là Phòng Kinh tế của quận xây dựng nhanh kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các địa điểm nằm trong diện liệt kê của thành phố, đảm bảo an toàn” – bà Đang thông tin.

Còn tại P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), do đã có sự chuẩn bị từ trước nên ngay khi nhận được công văn khẩn tử lãnh đạo thành phố, toàn bộ các bộ phận nghiệp vụ của phường phối hợp cùng quận đã tổ chức giám sát, kiểm tra mọi hoạt động của các cơ sở kinh doanh có lệnh tạm dừng hoạt động. “Ngoài việc đẩy mạnh xử lý, phường cũng sẽ tổ chức tăng cường tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thúc, cùng chung tay với các cấp thành phố trong nhiệm vụ đẩy lùi dịch Covid-19” – một cán bộ P.Phạm Ngũ Lão chia sẻ.

Chung cư đầu tiên lắp hệ thống khử khuẩn vi-rút

Vừa qua, tại chung cư New Sài Gòn (X.Phước Kiểng, H.Nhà Bè), Ban quan trị (BQT) và cư dân sau khi thống nhân đã tiến hành lắp đặt hệ thống khử khuẩn vi-rút bằng cảm biến hồng ngoại tại các cổng ra vào của chung cư.

Buồng khử khuẩn dành cho xe máy ra vào chung cư

Ông Vĩnh Nhi, đại diện BQT chung cư cho biết, hệ thống bao gồm 1 buồng phun khử khuẩn dành cho xe máy và 1 vòi phun ngoài trời dành cho xe hơi. Toàn bộ mọi khâu vận hành đều được tự động hóa thông qua cảm biến hồng ngoại.

Hệ thống hoạt động dựa trên con mắt cảm ứng hồng ngoại

Điều đặc biệt, hệ thống buồng khử khuẩn này lại được các cư dân tại chung cư nghiên tự nghiên cứu và đưa vào sử dụng. Các đơn vị kiểm định y tế TP đã kiểm tra và đưa ra nhận xét tốt đối với hệ thống thông minh này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang