(CATP) Là tổ chức chức Công đoàn (CĐ) trong lực lượng vũ trang, CĐ Công an nhân dân (CAND) luôn xác định rõ, ngoài việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ, mà cốt lõi là công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong CAND, công tác CĐ trong CAND còn phải góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND - lực lượng trọng yếu, thanh bảo kiếm của Đảng, Nhà nước, lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT). Thông qua các hoạt động phối hợp đã khẳng định vai trò của tổ chức CĐ trong lực lượng vũ trang, khơi dậy và phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi đoàn viên, NLĐ trong phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Hơn 2.000 buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm tại các KCN, KCX
Với gần 25.000 đoàn viên, có 24 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó CĐ CA tỉnh, thành phố là 21), 565 CĐ cơ sở. Để thực hiện tốt trách nhiệm của tổ chức CĐ, đặc biệt là quy chế phối hợp giữa Bộ CA và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT, Công đoàn CAND đã xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với 21 LĐLĐ tỉnh, thành phố nơi có tổ chức CĐ CAND đóng quân và 18 CĐ ngành Trung ương và tương đương trong việc góp phần thực hiện công tác bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào "Vì an ninh Tổ quốc", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phong trào "Dân vận khéo"...
Trong quá trình phối hợp đã lựa chọn được những việc trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện, tạo được dấu ấn trong phối hợp hoạt động, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ giữa CĐ ngành Trung ương với LĐLĐ tỉnh, thành phố, các CĐ ngành trung ương góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND cũng như các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, Bộ, ban, ngành. Từ việc thực hiện chế độ thông tin hai chiều, cung cấp tình hình đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ), phối hợp kết nối các đơn vị chức năng, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác an ninh công nhân. Tổ chức hơn 2.000 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy cho CNLĐ tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở các tỉnh, thành phố; tổ chức hỗ trợ các lực lượng trong CAND thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trong CNLĐ, công tác nắm tình hình về ANTT. Nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả được lan tỏa như mô hình CLB tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ; tặng móc khóa an ninh; tặng bảo hiểm xã hội cho nữ CA xã... Với các mô hình này đã hỗ trợ lực lượng chức năng thu nhiều tin tức liên quan đến ANTT trong CNLĐ, qua đó kịp thời hỗ trợ giải quyết, hiệu quả nhiều vụ việc.
Kết nối các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen", "lừa chốt gộp sổ bảo hiểm xã hội một lần qua mạng xã hội", "lừa đảo tuyển dụng lao động" cho CNLĐ ở các KCN, KCX và người dân trên địa bàn. Đặc biệt khi lực lượng CAND triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, CĐ CA nhiều đơn vị, địa phương đã tích cực đảm nhận nhiều phần việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Đề án 06, trong đó điển hình là các hoạt động hỗ trợ cấp căn cước công dân cho CNLĐ tại các KCN.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu tại Đại hội Công đoàn CAND lần thứ VI (nhiệm kỳ 2023 - 2028)
Dự báo tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường cũng như tình hình kinh tế - xã hội nước ta tuy ổn định nhưng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, sẽ tác động trực tiếp đến an sinh xã hội và ANTT. Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hòa bình", trong đó chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động gây rối ANTT, gây bạo loạn... Các vấn đề bức xúc trong xã hội và việc xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ ngoài tổ chức CĐ ở các doanh nghiệp với nhiều dạng thức trá hình, tạo nên những nguy cơ gây mất ANTT trong các khu vực tập trung đông CNLĐ, nếu không được giải quyết có hiệu quả sẽ dẫn đến biểu tình, khiếu kiện đông người, đình công, lãn công gia tăng. Việc tăng cường quan hệ phối hợp giữa CĐ CAND với LĐLĐ tỉnh, thành phố trong thực hiện tốt quy chế phối hợp của Bộ CA và Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trong CNLĐ, góp phần xây dựng các phong trào "Vì an ninh Tổ quốc", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phong trào "Dân vận khéo" là rất cần thiết.
Hàng năm, chương trình "CĐ CAND đồng hành cùng lực lượng CA xã, bà con nhân dân vùng biên giới, vùng trọng điểm vui xuân đón Tết", đã tổ chức các hoạt động chia sẻ, thăm hỏi lực lượng CA xã, bà con nhân dân, người có công, CNLĐ tại các tỉnh biên giới, địa bàn trọng điểm như: Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Huế, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu, Thái Nguyên... Đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ bà con nhân dân khó khăn trong mùa dịch, bị thiên tai bão lũ... với nguồn lực huy động hàng chục tỷ đồng. Hoạt động tổ chức trên các địa bàn, luôn có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của LĐLĐ địa phương.
Công tác phối hợp trong giai đoạn mới
Các hoạt động phối hợp cần bám sát và cụ thể hóa Nghị quyết số 02/NQ-TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới"; Quyết định số 90-QĐ/TW ngày 06/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy CATW với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về lãnh đạo công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong CA tỉnh, thành phố; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 về tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; Quy chế phối hợp số 04 ngày 25/4/2023 của Bộ CA và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT.
Tăng cường chế độ thông tin hai chiều về tình hình đoàn viên, hoạt động công tác CĐ của ngành và địa phương để biết tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, CNLĐ, kịp thời hỗ trợ giải quyết các chế độ, chính sách; Chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là tội phạm lừa đảo công nghệ cao, tệ nạn xã hội; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ cháy, chữa cháy... Đặc biệt là tuyên truyền cho đoàn viên, CNLĐ trong các KCN, KCX, các doanh nghiệp nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất ANTT tại địa phương. Đồng thời, thành lập các tổ nhóm tuyên truyền pháp luật, các nhóm đấu tranh phản bác quan điểm sái thù địch trên không gian mạng. Song song đó đẩy mạnh công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ cả về vật chất lẫn tinh thần. Chia sẻ phúc lợi cho đoàn viên. Tạo điều kiện cho đoàn viên CĐ của hai bên tham gia vào các chương trình phúc lợi, các hoạt động nâng cao tay nghề, văn, thể, mỹ. Biểu dương, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" để lan tỏa trong hệ thống CĐ.
Được thực hiện trên cơ sở chủ trương của Bộ CA tăng cường lực lượng về cơ sở, xây dựng lực lượng CA 4 cấp với tinh thần: "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", CĐ CAND đã triển khai mô hình "Đồng hành cùng lực lượng CA xã” nhằm quan tâm, chia sẻ với những vất vả, khó khăn của lực lượng CA xã, để đồng hành, động viên lực lượng trực tiếp tại cơ sở, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Được biết, Bộ CA đã tăng cường lực lượng về cơ sở, trong đó có gần 500 địa bàn vùng biên giới khó khăn. Ngoài ra còn có mô hình "Con nuôi CĐ" (nhận đỡ đầu con em cán bộ, chiến sỹ công tác xa nhà có hoàn cảnh khó khăn, con đoàn viên CĐ, người dân có hoàn cảnh khó khăn). Chăm lo xây dựng lực lượng CA xã, tăng cường mối đoàn kết quân dân. Đây cũng chính là cách củng cố, tăng cường hạt nhân của phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" từ cơ sở.