Không lẽ bó tay với nạn câu cá, "xiệt điện" trái phép?

Thứ Năm, 19/10/2023 08:40

|

(CATP) Nhan nhản những người mang đồ nghề bắt cá ngay giữa thanh thiên bạch nhật, dù hai bên bờ kênh đều có biển cấm đánh bắt cá. Nhân chứng, vật chứng có đủ, nhưng hiếm khi họ bị xử phạt, tịch thu, tiêu hủy phương tiện. Cá biệt có vài vụ bị xử lý, nhưng ngay hôm sau những người này lại tái diễn hành vi vi phạm.

Thấy món lợi nhỏ trước mắt mà quên cái hại lâu dài là thái độ không hề lạ ở một số người. Đi dọc những kênh quan trọng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo môi trường, chính quyền TPHCM cho thả xuống rất nhiều loại cá lớn, nhỏ với mong muốn giữ gìn cảnh quan sông nước và nguồn lợi thủy sản, thế nhưng có nhiều "cần thủ” ung dung ngồi trên bờ câu cá gần vị trí gắn bảng cấm. Dưới kênh là ghe máy của một số người chở dụng cụ đánh cá theo lối "xiệt điện", tận diệt, hủy hoại không thương tiếc những loài thủy sinh có ích. Thật khó hiểu khi cả xã hội chung tay, vất vả bảo vệ, song có nguy cơ hiệu quả bị hủy hoại chỉ do số ít cá nhân cố tình làm ngược lại.

"Cần thủ” câu cá trái phép tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phía địa bàn P2, Q.Phú Nhuận, thời gian qua chính quyền địa phương đã đặt biển cấm câu cá, đậu xe, tụ tập buôn bán, ghi rõ số điện thoại của UBND phường và Công an phường để người dân trình báo. Khi mặt trời còn chói chang, nhiều thanh niên lẫn một số người lớn tuổi thiếu ý thức, thản nhiên đến đây câu cá. Phía bờ kênh đối diện thuộc P.Tân Định (Q1), chính quyền địa phương cũng đặt biển cấm với nội dung tương tự.

Điều khó hiểu là tình trạng vi phạm ngang nhiên, giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng chính quyền địa phương lại chưa kiên quyết xử lý để chấm dứt tình trạng câu cá trái phép, đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt như vậy. Từng có người bị phạt hơn 100 triệu đồng do khai thác trái phép sản vật trong khu bảo tồn thiên nhiên. Vài đối tượng bị khởi tố vì vận chuyển số lượng lớn trứng vích trái phép. Nhiều trường hợp khác "khoe" hình chế biến món ăn từ chồn hương trên mạng xã hội và bị phạt nặng. Tuy nhiên, con số bị xử lý theo pháp luật vẫn còn khiêm tốn so với tỉ lệ săn bắn, đánh bắt, chặt hạ trái phép động thực vật tại những khu vực cần được bảo vệ.

Biển cấm đánh bắt cá, đậu xe, bán hàng rong của UBND phường 2, Q.Phú Nhuận
Biển cấm phía bờ P.Tân Định, Q1

Nên chăng cần tổ chức một buổi tọa đàm trực tuyến từ cấp thành phố đến cơ sở, nhằm đánh giá toàn diện những gì chưa làm được, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý, ấn định thời gian hoàn thành. Bởi những chuyện như trên sẽ vẫn phải mệt mỏi nhắc đi nhắc lại một khi các kế hoạch, phương án chỉ dừng lại ở động tác phổ biến văn bản, tuyên truyền, vận động mà không xử lý nghiêm ở khâu cuối.

Bình luận (0)

Lên đầu trang