Kiểu lập vi bằng khó hiểu của một nhân viên thừa phát lại

Thứ Hai, 17/08/2020 13:25  | Hải Văn

|

(CATP) Chị Kha Ngọc Kim C. (SN 1983, ngụ số 280 Trần Văn Kiểu, P11Q6, TPHCM) phản ánh, gia đình chị vừa bị một nhân viên của Văn phòng thừa phát lại (VPTPL) huyện Bình Chánh, TPHCM, đến lập vi bằng không khách quan trung thực, không đúng bản chất sự việc. Không những vậy, ngôn ngữ dùng trong vi bằng có chỗ vô lý, gây ảnh hưởng xấu đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình chị.

Chị C. cho biết, chị và anh Nguyễn Thành T. (SN 1975, địa chỉ KP.3B, P.Thới Hòa, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) kết hôn vào tháng 10-2013. Hai người có một đứa con gái chung là cháu N.P.L (SN 2014). Do mâu thuẫn về quan điểm, bất hòa buộc chị phải làm đơn ly hôn. 

Từ tháng 4-2018 đến nay, chị sống ly thân, đồng thời mẹ con chị về nhà cha mẹ ruột mình là ông Kha Tấn Quốc và bà Lê Thị Tuyết Lý ở. Từ khi đưa con về nhà cha mẹ ruột sinh sống, chị và gia đình luôn tạo điều kiện tối đa cho anh T. đến thăm con, tuy nhiên, con chị không muốn gặp cha, bản thân chị cũng không đủ can đảm giao con cho anh T. nuôi. Bên cạnh ly hôn, chị còn giành quyền nuôi con.

Vụ "tranh chấp ly hôn và nuôi con" của chị đã trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm và một lần phúc thẩm. Lần sơ thẩm thứ nhất, TAND TX.Bến Cát cho đôi bên được ly hôn, tuy nhiên Tòa tước quyền nuôi con của chị, mặc cho chị là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con từ nhỏ đến giờ. Chị kháng cáo lên trên.

Tòa phúc thẩm tỉnh Bình Dương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của TAND TX.Bến Cát, trong đó có việc Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, yêu cầu Tòa Bến Cát xét xử lại. Ngày 30-6-2020, TAND TX.Bến Cát xét xử sơ thẩm lần 2, đồng ý cho đôi bên ly hôn nhưng vẫn giữ quyết định giao quyền nuôi con cho anh T. Không đồng ý với bản án sơ thẩm lần 2, chị C. tiếp tục kháng cáo.

Đáng nói, trong quá trình tiếp cận chứng cứ cho phiên sơ thẩm lần 2, anh T. không đưa ra bất cứ vi bằng nào. Tuy nhiên, hôm ra Tòa, anh này bất ngờ đưa ra 2 vi bằng gồm: vi bằng số 3515/2019/VB-TPL.HBC và số 3516/2019/VB-TPL.HBC đều được lập vào ngày 15-9-2019 do ông Lê Văn Tùng - nhân viên VPTPL huyện Bình Chánh lập.

Cháu L. từ chối theo cha khi ông T. đến thăm, tặng quà cho con

Theo chị C., 2 vi bằng mà ông Tùng lập có nhiều vấn đề bất cập, không khách quan trung thực với bản chất sự việc và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi hôm ông Tùng đến lập vi bằng, gia đình chị và công an phường có ý kiến: sự việc ở nhà chị "không cần lập vi bằng", ý kiến này không được ông Tùng ghi nhận vào vi bằng. Quá trình lập vi bằng, ông Tùng tự tiện sử dụng nhiều hình ảnh trong gia đình chị như: hình ảnh con gái, người thân và các tài sản khác mà không có sự đồng ý của chị và gia đình, đây cũng là điều không phù hợp với pháp luật.

Cả hai vi bằng đều ghi nội dung: "Trước khi tiến hành lập vi bằng, tôi đã giải thích cho các bên nghe giá trị pháp lý của vi bằng". Chị C. cho biết, cả 2 vi bằng trên là do ông T. yêu cầu lập chứ chị và gia đình chị không có nhu cầu mời ông Tùng đến lập. Hai vi bằng này chỉ duy nhất ông T. ký tên, điểm chỉ, tuy nhiên ông Tùng "phù phép" thành "các bên" là điều vô lý.

Phóng viên đã chuyển những thắc mắc của chị C. đến VPTPL huyện Bình Chánh. Ngày 12-8-2020, văn phòng này có văn bản trả lời phóng viên với nội dung: theo trình bày của ông Tùng, ông thực hiện lập vi bằng theo yêu cầu của ông T. về việc thăm con nên ông không phải tuân theo mệnh lệnh của bất cứ ai khi làm nhiệm vụ. Việc dừng không lập vi bằng (nếu có) cũng chỉ thực hiện khi có yêu cầu của ông T.

Đối với cụm từ "các bên", VPTPL huyện Bình Chánh giải thích, cụm từ này được hiểu là bên yêu cầu lập vi bằng và bên lập vi bằng (thừa phát lại) cùng ghi nhận (hoặc một bên hay nhiều bên tham gia khác) và cũng phù hợp với các biểu mẫu liên quan đến việc lập vi bằng.

Chị C. bức xúc, ông Tùng được ông T. thuê đến lập vi bằng, đó là chuyện của các ông ấy. Tuy nhiên, việc ông Tùng lập vi bằng có liên quan đến tôi và các thành viên trong gia đình và nhất là con gái tôi mà không hỏi ý kiến tôi là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ông ta không ghi nhận trung thực bản chất sự việc là vi phạm Khoản 2, Điều 26, Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại quy định "Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, việc ghi nhận phải khách quan, trung thực".

Ông ta giải thích "các bên" ở đây bao gồm bên yêu cầu lập (ông T.) và bên lập (thừa phát lại), điều này cũng vô lý, bởi không ai đi lập vi bằng mà tự giải thích cho bản thân mình hiểu cả, giải thích như vậy là ngụy biện và có dấu hiệu thêm bớt cho đương sự, vi phạm Nghị định 61.

Ngày 29-7-2020, Viện KSND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 15/QĐ-KNPT-P9 (gọi tắt là Kháng nghị số 15) kháng nghị phúc thẩm bản án của TAND TX.Bến Cát chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị C. với anh T. của Tòa sơ thẩm là có căn cứ.

Về con chung: Kháng nghị số 15 của VKSND tỉnh Bình Dương xét thấy: "Tòa án cấp sơ thẩm tuyên giao con chung cho ông Nguyễn Thành T. nuôi dưỡng. Ông T. không yêu cầu bà C. phải cấp dưỡng nuôi con là chưa đánh giá đầy đủ chứng cứ cũng như chưa xem xét toàn diện con chung cháu N.P.L. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào vi bằng 3515 và 3516 lập cùng ngày 15-9-2019 để xác định việc ông Quốc, bà Lý gây khó khăn cho ông T. khi đến thăm cháu L. là không có căn cứ.

Nội dung vi bằng số 3515 cho thấy cháu L. khóc không muốn gặp và đi cùng ông T. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định và giao con chung cho ông T. nuôi dưỡng sẽ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của con chung. Phía ông T. chưa cung cấp các tài liệu, bằng chứng thể hiện việc nuôi dạy của chị C. ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Cháu L. là con gái và còn nhỏ nên việc giao cho người mẹ nuôi dưỡng là phù hợp theo quy định tại Điều 81, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

Được biết, hiện chị C. đang làm các thủ tục để khiếu nại, khởi kiện ra tòa về việc lập vi bằng của ông Tùng, đồng thời kháng cáo bản án sơ thẩm lần 2 của TAND TX.Bến Cát.

Bình luận (0)

Lên đầu trang