Ký ức đau thương về tai nạn thảm khốc tại ga Bàu Cá cách đây 34 năm

Chủ Nhật, 10/01/2016 06:47

|

(CAO) Chuyến tàu định mệnh làm hơn 200 hành khách chết và bị thương năm ấy khởi hành từ ga Nha Trang chở theo hàng trăm hành khách và hàng hóa nông sản như khoai mì, cám, gạo, than củi... của khách mang về Sài Gòn tiêu thụ.

Đó là chuyến tàu hỏa tuyến Bắc – Nam mang số hiệu 183. Rạng sáng ngày 17-3-1982, tại một điểm khúc cua gần ga Bàu Cá (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tàu đã bị lật...

Quang cảnh ga Bàu Cá năm nào, giờ chỉ còn là những ký ức đau thương

Chuyện kể của nhân chứng hiếm hoi còn sót lại

Phải mất vài tháng sau, cung đường sắt nơi xảy ra tai nạn mới được ngành đường sắt sửa chữa, khắc phục xong. Đến năm 1992, ngành đường sắt bắt dầu di dời cung đường khúc cua này qua hướng khác cho tàu chạy an toàn hơn, cách vị trí cũ 500m. Cũng từ đó, ga Bàu Cá không còn tồn tại trên hệ thống đường sắt Việt Nam nữa. Dãy nhà ga cũ sau này được thanh lý bán lại làm nhà ở cho các công nhân đường sắt về hưu.

34 năm sau, chúng tôi đi tìm lại địa điểm đường rày này, nơi từng xảy ra một vụ tai nạn thảm thương nhất của lịch sử ngành đường sắt Việt Nam, dấu vết gần như đã xóa lấp đi hoàn toàn. Điểm nhận dạng chỉ là một cái miếu nhỏ do người dân địa phương dựng tưởng niệm và bên cạnh miếu có một cây trâm lớn tự mọc lên, che mát cả một khoảng đất rộng.

Tại vị trí tàu lật năm 1982, nay người dân dựng lên một ngôi miếu nhỏ để tưởng niệm và thờ cúng chung cho hàng trăm hành khách chết thảm

May mắn, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Thành Sơn (70 tuổi, nguyên quán ở TP Biên Hòa, Đồng Nai), từng làm nhân viên tuần tra cung đường ga Bàu Cá. Năm đoàn tàu gặp nạn, ông Sơn vừa xong ca trực và được thủ trưởng lệnh ra hiện trường cứu người, hỗ trợ các bộ phận khác điều tiết đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu khác qua ga Bàu Cá. Cảnh tượng hàng trăm người lớp chết, lớp bị thương nằm la liệt, tiếng la khóc, tiếng rên rĩ vẫn còn ám ảnh ông mãi đến tận bây giờ.

Ông Sơn bàng hoàng nhớ lại, khoảng 5 giờ sáng ngày 17-3-1982, lúc đó đột nhiên nghe tiếng tàu chạy rầm rầm trên đường sắt từ hướng Dầu Giây về rất nhanh rồi một tiếng “ầm ầm” kinh hoàng tựa như một tiếng bom nổ lớn. Toàn bộ đoàn tàu 11 toa đã bị bật tung rời xa đường ray, đầu máy tàu thì văng bay xa nằm gọn trên một gò cao 4m, chỉ còn lại 2 toa tàu công vụ còn nằm lại trên đường ray.

Ông Nguyễn Thành Sơn(70 tuổi), đang đứng ở vị trí xảy ra nạn nhân tai nạn đường sắt ngày 17-03-1982

Người dân sống cách xa hơn 1km cũng nghe tiếng động, không ai bảo ai vội vã lao tới hiện trường cứu người.

Hay tin có tại nạn đường sắt vừa xảy ra trên địa bàn, chính quyền địa phương huy động lực lượng du kích, dân quân và công an có mặt kịp thời chặn xe khách lưu thông trên quốc lộ 1A để chở người đi cấp cứu.

Người dân cùng với các lực lượng khiêng người bị thương lên xe, mỗi xe chở tới mấy chục người. Thời bao cấp khốn khó, phương tiện xe cộ còn thiếu thốn nên công tác cứu hộ cứu nạn kéo dài vài tiếng đồng hồ mới xong.

Xác những người đã chết thì tập kết xếp hàng dài trên một khu đất trống để cơ quan chức năng xác minh nhân thân. Người dân chỉ biết tận tình cứu nạn, giúp đỡ người bị thương chứ không có cảnh “hôi của”.

Ông Sơn bồi hồi nhớ lại: "Trong vụ tai nạn đó thì cả tổ lái tàu gồm lái tàu chính, phó lái, thực tập viên đều thiệt mạng. Đa số nạn nhân là những người đi tàu "lậu" (thời bao cấp người ta dùng cụm từ "dân buôn nhảy tàu") không có giấy tờ tùy thân nên khó xác định được danh tính".

Sau đó, hàng trăm nạn nhân vô danh được tập trung về chôn tại một mảnh đất rẫy gần giáo xứ Lộc Hòa, cách xa hiện trường 3 km. Hiện nay, tại mảnh đất chôn cất nạn nhân xấu số năm xưa giờ là khu nghĩa trang đường sắt xây cất đàng hoàng.

Nghĩa trang đường sắt (ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), nơi an nghĩ hàng trăm nạn nhân tại nạn thảm khốc ngày 17-03-1982

Sau khi về hưu, vì hoàn cảnh khó khăn ông Sơn được cơ quan cấp cho một miếng đất để xây căn nhà. Vị trí miếng đất lại là chính nơi mà năm 1982, người dân đem xác nạn nhân tập kết xếp lớp để chuẩn bị làm thủ tục nhân dạng rồi khâm liệm.

Lúc đó, vợ con ông, bà con dòng họ phản đối chuyện xây cất mái nhà ở nơi có nhiều oan hồn nhưng ông Sơn nghĩ mình sống hiền ở lành thì những người khuất mặt khuất mày đâu nỡ chọc phá. Khi ấy khu vực này rất vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Sau vụ tại nạn, ngay cả ban ngày người dân cũng không dám đi ngang qua đây, vậy mà ông lại dám cất nguyên một căn nhà để sống cùng nỗi ám ảnh.

Ông Sơn phân trần: "Với tôi, người sống thì cũng có người hiền người dữ, người chết thì cũng có người dữ người hiền, miễn sao mình cứ sống tử tế với người sống và kể cả người chết thì lòng mình sẽ bình an".

Công việc hiện tại của ông Sơn là tình nguyện nhận việc trong coi quét dọn ngôi miếu. Cứ mỗi sáng sớm và chiều tối ông đều ra thắp vài nén nhang để an ủi vong linh hàng trăm con người vắn số.

Nơi yên nghĩ ngàn thu của hàng trăm nạn nhân xấu số

Theo hướng dẫn của ông Sơn, tôi tìm đến khu đất nơi chôn cất nạn nhân xấu số năm xưa. Thật bất ngờ, người quản trang đang chăm sóc và bảo vệ khu nghĩa trang lại là một ông cụ 80 tuổi nhưng tướng mạo nhìn vẫn còn khỏe khoắn. Đó là ông Nguyễn Kim Hoạt, hiện đang sống ở giáo xứ Lộc Hòa thuộc xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Người quản trang già Nguyễn Kim Hoạt đang đứng bên cổng nghĩa trang

Năm ấy, ông Hoạt cũng có mặt hiện trường để cấp cứu nạn nhân và được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ đào huyệt chôn cất số người chết mà chưa có thân nhân đến nhận xác.

Ông Nguyễn Kim Hoạt nhớ lại, khoảng năm 1992, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mới cho xây dựng tường rào bao quanh khu đất và cái cổng, đặt tên là nghĩa trang ĐS 17-03-1982.

Từ đó mới nhận dạng ra được khu đất rẫy có cái nghĩa trang. Ban đầu nơi đây chỉ là bãi đất trống có hàng trăm ngôi mộ vô chủ, cỏ dại mọc um tùm. Nhìn thấy khu nghĩa trang hoang sơ nên suốt 23 năm qua, ông Hoạt tình nguyện làm công việc chăm sóc và quản lý hàng trăm mộ.

Hơn thế nữa, ông còn vận động người dân có rẫy gần đó phát dọn cỏ, vun tạo lại các nấm mồ, sơn quét vôi lại các tấm bia mộ và trồng cây kiểng xung quanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Kim Hoạt lặng lẽ làm công việc chăm sóc và bảo quan nghĩa trang

Khu nghĩa trang ĐS (đường sắt) hiện nằm cuối con đường tên suối Dinh thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa trên một diện tích đất rộng gần 800m2, xung quanh là đất rẫy trồng mì, trồng điều và trồng cây cao su của người dân địa phương.

Điều bất ngờ là phía trước nghĩa trang lại là cung đường sắt Bắc – Nam chạy ngang. Phần lớn những ngôi mộ tại đây chỉ được đánh dấu bằng một cục gạch thẻ, có dựng tấm bia nhỏ ghi chữ tắt “mộ VD” (vô danh).

Nhìn những ngôi mộ vô danh nằm thẳng dài, nối tiếp, lẻ loi và cô quạnh làm người lần đầu đi đến viếng nghĩa trang này không tranh khỏi giây phút xót xa, ngậm ngùi và chạnh lòng.

Người quản trang già tiết lộ rằng, ngoài những ngôi mộ được thân nhân tự tìm đến để bốc hài cốt đem về quê quán thì còn gần 100 ngôi mộ chưa xác định được danh tính nạn nhân.

Hiện tại, ở nghĩa trang đường sắt vẫn còn gần 100 ngôi mộ vô danh, chưa xác định được nhân thân, gốc tích quê quán ở đâu

Suốt 34 năm qua, như đã thành một quy luật bất thành văn, mỗi khi đoàn tàu Bắc - Nam chạy ngang qua khúc cung đường Bàu Cá và đi ngang khu nghĩa trang ĐS 17-3-1982 đều phải hú lên một tràng còi tàu kéo dài. Tiếng còi hú như là một lời chào, cũng có thể là một lời tiễn đưa hàng trăm nạn nhân tai nạn yên giấc ngàn thu.

Khách phương xa đến viếng nghĩa trang luôn có những xúc cảm ngậm ngùi, thương xót cho hàng trăm nạn nhân xấu số

Trong bóng ráng chiều của những ngày cuối năm, tôi đứng lặng im để lắng nghe một tiếng còi hú kéo dài da diết rồi nhỏ dần xa xa. Bỗng dưng tôi có thoáng chút bồi hồi, bởi chính tại nơi tôi đang đứng đã từng có hàng trăm kiếp con người xấu số nằm lại vĩnh viễn nơi đất khách quê người, đang mòn mỏi chờ người thân tìm đến để bốc cất hài cốt về quê hương xứ sở...

Bình luận (0)

Lên đầu trang