(CAO) Họ sống ẩn hiện trên ốc đảo giữa lòng hồ thủy điện Sê San. Ngày bơi thuyền kiếm con cá, con tôm. Đêm, họ trú ngụ trên những chiếc nhà nổi ngay giữa lòng hồ. Và cứ như vậy, hàng chục hộ dân nghèo ở các tỉnh An Giang, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế…đã hội tụ về đây để hình thành nên ngôi làng nổi ốc đảo trên cao nguyên.
Sau gần chục năm sống “lênh đênh” trên dòng sông Sê San, Tết Mậu Tuất 2018, 26 hộ dân ở làng chày này được nhận tin vui là có đất, có tiền để làm nhà trên bờ.
Hiện làng chài có 26 hộ với khoảng 75 nhân khẩu, chủ yếu là những người miền tây như Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thừa Thiên – Huế di cư lên lòng hồ thủy điện Sê San thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) và Ia Tươi (huyện Ia H’Drai, Kon Tum) làm ăn.
Vào dịp chúng tôi ghé làng chài cách đây không lâu, chị Trần Thị Tý (36 tuổi, cư dân làng chài) tâm sự: "Vì tương lai của mấy đứa con nên chúng tôi mới bỏ quê lên đây. Mặc dù bị gọi là xứ khỉ ho cò gáy nhưng được cái dễ kiếm tiền hơn. Hiện sống ở ốc đảo, nhưng con tôi và các đứa trẻ ở đây đều được đến trường".
Nói về mơ ước trong tương lai, chị Tý không chút suy nghĩ cho biết ngay: "Giờ không còn ai xua đuổi chúng tôi, xã Ia Tươi cũng cho chúng tôi đăng ký tạm trú, có người đã được nhập khẩu. Chúng tôi giờ chỉ mơ ước có một mảnh đất để xây nhà, tránh gió bão cho những đứa nhỏ yên tâm học hành. Đời bố mẹ chúng khổ quá nhiều rồi nên phải tha hương, chỉ mong con cháu sau này ổn định nơi miền đất mới".
Ước mơ của chị Trần Thị Lý nay đã thành hiện thực. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chính quyền địa phương của tỉnh Kon Tum cấp đất, tiền để cho tất cả 26 hộ được lên bờ sinh sống.
Ông Chế Hồng Quyền- Chủ tịch UBND xã Ia Tươi cho biết: “Mỗi hộ dân làng chài sẽ được cấp 400m2 đất ở và 50 triệu đồng để có chi phí dựng nhà. Còn hộ nào có nhu cầu thì có thể khai khẩn đất đai gần đó để canh tác, làm ăn. Trước đó, UBND huyện Ia H’Drai cũng đã cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cấp giống cá, thức ăn cho bà con nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Sê San…”.
Nhận được tin vui vào những ngày Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Triều (cư dân đầu tiên của làng chài) phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi đã mong mỏi được lên bờ hơn chục năm rồi. Giờ được hỗ trợ đất và tiền xây nhà trên bờ, hi vọng cuộc sống sẽ không còn lênh đênh. Lên bờ rồi vẫn tập trung vào nuôi cá lồng và phát triển thêm các cây trồng trên bờ để phát triển kinh tế”.
Còn ông Đinh Văn Thân (cư dân làng chài) tươi cười: "Tết này gia đình tôi sẽ làm móng nhà, dự kiến hoàn thành ngôi nhà mới trong vòng 1 tháng. Lên bờ rồi, không chỉ thuận tiện mọi việc mà tương lai con cái chúng tôi cũng sẽ sang trang mới. Trước mắt nhất là không phải chèo thuyền chở con đến trường. Đúng là 1 cái Tết vui chưa từng có đối với làng chài trên núi!".
Ông Nguyễn Văn Triều người "sáng lập" ra làng chài
Một góc làng chài trên ốc đảo
Sắp tới những đứa trẻ của "ốc đảo" sẽ không còn phải lênh đênh với bố mẹ trên lòng hồ
Từ Tết này, cuộc sống của cư dân trên lòng hồ sẽ sang trang mới
Ngoài thuyền, thì những chiếc ghe bằng máy chính là phương tiện đi lai nơi đây
Lên bờ nhưng công việc chính của cư dân nơi đây vẫn là bám lòng hồ khai thác, nuôi trồng thủy sản