Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân: Hồi ức của người trong cuộc

Thứ Sáu, 16/02/2018 22:42

|

(CATP) Tiến tới kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân dân ta vào Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi đã tìm gặp một số nhân chứng lịch sử, nghe họ chia sẻ hồi ức về khí thế, tinh thần chiến đấu quật khởi của quân và dân ta trong trận chiến lịch sử này.

Hào khí quật khởi

Nhắc đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đại tá Lê Văn Thiện (tức Tám Vỹ, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM) hồi tưởng: “Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Ban bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là Ban An ninh T4) được chia thành 6 phân khu. Trong đó, Phân khu I gồm các địa bàn: Dầu Tiếng, Bến Cát (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi và Hóc Môn (Sài Gòn). Lúc đó ông Huỳnh Văn Bánh (tức Năm Tấn) là Trưởng ban An ninh Phân khu I, tôi là ủy viên, phụ trách tổ chức và điều động cán bộ.

Sơ đồ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 được ông Hào lưu giữ cẩn thận

Chiều 29 Tết, ông Bánh triệu tập gần 200 quân, gồm các anh em trinh sát vũ trang, trinh sát chính trị, bộ phận làm căn cước giả, giấy tờ giả... Sau khi sinh hoạt tư tưởng, ông Bánh phân nhỏ lực lượng, phát cho mỗi người một thẻ căn cước hoặc thẻ quân nhân rồi bắt phải học thuộc họ tên, đơn vị công tác giả của mình. Toàn bộ số cán bộ, trinh sát được triệu tập đều không biết chuyện gì xảy ra, nhưng ngầm hiểu đây là nhiệm vụ bí mật nên tuân thủ tuyệt đối.

Cũng chiều hôm đó, qua nhiều nguồn lực, Ban chỉ huy Phân khu I huy động được hơn bốn chục chị em bán rau củ quả tại chợ Bến Thành đến sinh hoạt ở một khu vực riêng, nhờ các tiểu thương này vận chuyển súng K45, thuốc nổ TNT vào nội thành cung cấp cho trinh sát khi lệnh tổng tấn công được phát động. Những người này mỗi ngày đều vào ra nội thành để bán rau và trái cây nên cảnh sát ngụy đã quen mặt, ít đề phòng. Các bà, các chị đều hăng hái tham gia. “Đội quân tóc dài” đã ngụy trang đưa thành công hơn 100 khẩu súng, hàng chục ký thuốc nổ TNT vào nội thành cất giấu tại các địa điểm bí mật, chờ quân giải phóng tiến vào sử dụng.

Ngày 30 Tết, các trinh sát vũ trang tìm cách vào nội thành. Trước đó, rất nhiều chị em ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Dương, Tây Ninh... được huy động, ăn mặc, trang điểm lộng lẫy, đóng giả nhân tình, vợ các sĩ quan cùng “chồng” du xuân vào nội thành bằng nhiều ngả đường, phương tiện khác nhau. Khi đã vào nội thành, số trinh sát này sẽ tìm đến các nhà dân được bố trí trước để trú ẩn, chờ nhận lệnh. Phân khu I có 100 mục tiêu cần tiêu diệt, đó là các tên ác ôn, phản động hoặc có nợ máu với nhân dân.

Đại tá Trần Bá Hào mô tả lại cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân và dân ta

Nhờ hóa trang và “diễn” tốt nên toàn bộ trinh sát vũ trang của Phân khu I đều vô nội thành trót lọt, tiêu diệt thành công hơn 30 mục tiêu. Số còn lại do đã về quê hoặc đi chơi Tết nên không có ở nhà. Vào thời khắc giao thừa, khi lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch nồng ấm, rền vang cũng chính là hiệu lệnh tổng tấn công và nổi dậy. Bầu trời Sài Gòn rung chuyển trong tiếng pháo tấn công của quân giải phóng, trong lúc không ít sĩ quan, quân lính Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn nghĩ là người dân đốt pháo đón giao thừa”.

Cuộc đồng tâm lớn của cả dân tộc

Mặc dù đã 93 tuổi nhưng đại tá Nguyễn Minh Hoàn (nguyên Phó giám đốc, Hiệu trưởng Trường Công an tỉnh Nghĩa Bình) vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông từ Quảng Ngãi vào TPHCM tham gia buổi giao lưu, họp mặt các nhân chứng lịch sử Công an nhân dân (CAND) tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, do Bộ Công an tổ chức ngày 15-12-2017.

Ông Hoàn hào hứng kể: “Trước Tết Mậu Thân, tôi là Ủy viên Ban An ninh Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy được bí mật, an toàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho các đơn vị, bộ phận tổ chức điều tra, nghiên cứu kỹ các mục tiêu cần chiếm đóng hoặc đánh phủ đầu để tạo tiếng vang. Đồng chí Võ Xuân Nghĩa (Thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ) cùng tôi và Huyện đội trưởng Huyện đội Tư Nghĩa được giao nhiệm vụ phụ trách mũi tấn công từ xã Nghĩa Trung, mở rộng ra khắp huyện này. Các mũi khác cũng đều do các đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy.

Đại tá Lê Văn Thiện kể lại những ký ức hào hùng trong trận đánh Tết Mậu Thân

Quảng Ngãi là một trong những chiến trường ác liệt trong giai đoạn 1965 - 1968. Trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, toàn thể quân dân Quảng Ngãi đều đồng tâm hiệp lực chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương. Khi các mũi tấn công chiếm đánh các mục tiêu hoặc chiến đấu xáp lá cà với địch, dân mình cũng góp sức bằng nhiều cách đánh phù hợp với khả năng, điều kiện của họ hoặc nổi trống, gõ mõ tạo khí thế đẩy lùi quân địch.

Trong cuộc tấn công này, có chỗ quân ta thắng, nhưng có chỗ mình thua, do địch kịp phản kích. Tại mũi tấn công xã Nghĩa Trung, đơn vị của chúng tôi đã chiến thắng và giữ được vị trí đến hơn 2 tháng. Mặc dù có những mất mát, hy sinh, nhưng tinh thần quân dân Quảng Ngãi và cả miền Nam nói chung sau Tết Mậu Thân không bi quan, vẫn tràn đầy niềm tin vào chiến thắng trong tương lai.

Cuộc tổng tấn công này đã khơi dậy được ý chí, quyết tâm lớn của cả dân tộc. Qua đây, quân ta có thể nhìn rõ được những mặt mạnh, mặt yếu của mình để khắc phục cho trận đánh sau. Với trận đánh Tết Mậu Thân, mặc dù quân dân ta chưa chiến thắng nhưng đã buộc địch phải thay đổi cái nhìn có lợi cho ta về chiến tranh tại Việt Nam”.

Thắng lợi về mặt chiến lược

Căn phòng nhỏ của đại tá Trần Bá Hào (nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) tràn ngập hình ảnh, tư liệu về cuộc đời hoạt động binh nghiệp của ông cùng đồng đội. Dù đã ngoài 90 nhưng ông còn khá nhanh nhẹn, quắc thước. Trên bức tường trong phòng ông có treo 2 tấm bản đồ chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và Đại thắng mùa xuân 1975 đã ố vàng, nhưng vẫn rõ từng mũi tấn công, địa danh, các con số. Với bộ não như đã được lập trình sẵn, ông diễn giải lưu loát khiến người nghe đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Theo ông Hào, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tính toán, chuẩn bị rất kỹ trước khi phát động cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đúng dịp Tết Mậu Thân. Phương châm của ta là táo bạo, bí mật, bất ngờ. Bằng chứng là trong tối 30 và sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, quân dân toàn miền Nam đã đồng loạt nổ súng đứng lên giành chính quyền, trước sự bất ngờ lớn của chính quyền Sài Gòn, Mỹ và đồng minh.

Ông Hào nhận định: “Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta không giành được chính quyền, nhưng đã thu được thắng lợi về mặt chiến lược. Đây là tiền đề quan trọng, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973, bàn về việc rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi này rất có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa xuân năm 1975 của quân dân ta”.

Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất

Nằm ngay đầu đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng, Q3), trước ngày 30-4-1975, tiệm phở Bình lọt thỏm giữa nhiều căn nhà của sĩ quan Mỹ, ngụy và trụ sở của các cơ quan viện trợ Mỹ. Với vị trí đắc địa này, cùng với việc chủ nhân là một chiến sĩ biệt động thành, từ năm 1966 tiệm phở Bình được chọn làm cơ sở liên lạc, tiếp nhận tài liệu cho cách mạng.

Thiếu tá Lê Việt Bình trả lời phỏng vấn

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tiệm phở Bình là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6. Tại nơi này, đúng 23 giờ kém 15 mùng 1 Tết (tức ngày 30-1-1968), Chính ủy Phân khu 6 Võ Văn Thạnh (bí danh Ba Thắng) đã trịnh trọng đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng, phổ biến “giờ G”, phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích tấn công các mục tiêu đầu não của địch ở Sài Gòn.

Hiện tiệm phở Bình vẫn mở cửa đón khách như 50 năm trước. Ông Ngô Văn Lập là con trai của ông Ngô Toại (tức Ngô Duy Ái, chủ tiệm phở Bình khi xưa) dẫn chúng tôi lên lầu 2 của tiệm để tham quan di tích cách mạng. Hồi Tết Mậu Thân, ông Lập mới 12 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in biến cố xảy ra với gia đình và đồng đội của cha vào thời điểm khốc liệt đó. Cậu bé Lập được cha giao giúp việc trong quán phở. Khách nào khi vào ăn phở mà nói đúng mật khẩu, ăn xong giả vờ ra phía sau đi vệ sinh thì được cậu đưa lên lầu gặp cha.

Ông Lập kể, trước Tết Mậu Thân chừng một tháng, ngày nào cũng có vài người đến nhà ông rồi ở lại. Cận Tết, số người lưu lại tiệm phở Bình lên tới cả trăm. Họ được sắp xếp ở trên các tầng lầu. Do là tiệm phở lớn, có mấy chi nhánh nên việc ông Toại tích trữ lương thực không hề bị nghi ngờ, theo dõi.

Tiệm phở Bình (quận 3), cơ sở cách mạng giữa lòng Sài Gòn

Chỉ 2 ngày sau khi lời hiệu triệu được phát đi, cơ sở phở Bình bị lộ. Ông Lập nhớ lại: “Rạng sáng mùng 3 Tết năm ấy, hàng trăm tên cảnh sát dã chiến, quân cảnh tiếp cận nhà tôi bằng cách đổ bộ lên sân thượng từ trực thăng. Tiếng còi hụ của xe cảnh sát, tiếng la hét của đám quân cảnh náo động cả góc phố. Lúc đó, trong nhà chỉ còn cha tôi, anh rể lớn Nguyễn Kim Bạch (mang hàm sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (VNCH), nhưng lại là cán bộ nội gián của ta) và một, hai chiến sĩ còn kẹt lại cùng với 7 cán bộ giao liên nữ. Tôi và anh trai còn nhỏ, bị chúng bắt quỳ gối sát tường. Một tên trong bọn chúng la lớn: “Ai có tên trong sổ gia đình thì bắt lên tổng nha, ai không có thì bắn bỏ tại chỗ”. Mẹ và chị tôi cũng bị chúng bắt lên tổng nha”.

Vợ và con gái ông Toại sau đó được thả vì địch không khai thác được gì. Riêng ông Toại bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, sau đó kết án khổ sai, đày ra Côn Đảo. Con rể ông là Nguyễn Kim Bạch bị kết án 2 năm tù. Sau Hiệp định Paris 1973, ông Toại được địch trao trả tù binh tại Lộc Ninh (Bình Phước). Về sau, ông đưa thêm 2 người con trai lớn ra chiến khu. Ngày 30-4-1975, cả ba cha con ông trong cánh quân giải phóng từ Củ Chi tiến về Sài Gòn trong niềm vui thống nhất.

Quả mìn không nổ vẫn chấn động Sài Gòn

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Lê Việt Bình (tức Hai Đường), chiến sĩ đặc công thành thuở nào vẫn giữ nguyên phong độ của người lính từng vào sinh ra tử. Những trận đánh vang dội một thời của ông và đồng đội cách đây 50 năm qua lời kể của ông vẫn nóng hổi như vừa mới diễn ra.

Dịp Tết Mậu Thân 1968, vừa kịp quen với đường sá Sài Gòn sau cả năm trời rong ruổi làm nghề hớt tóc dạo, anh lính trẻ Lê Việt Bình nhận được tín hiệu họp khẩn trên chiếc tàu đậu giữa lòng kênh Tàu Hủ cùng đồng đội B5, anh được giao làm “thê đội 2”, vào thời khắc giao thừa sẽ đánh chiếm Tòa đại sứ Mỹ trong trường hợp “thê đội 1” không thực hiện được nhiệm vụ này.

Trong đó các thành viên thay nhau lặn xuống kênh Tàu Hủ, lôi lên từng bó vũ khí đã được cất giấu trước đó. Trang bị vũ khí xong, một giao liên thông báo: “Thê đội 2” nhận nhiệm vụ khác là tiêu diệt những tên ác ôn, đầu sỏ có nhiều nợ máu với nhân dân. Thế là anh Bình cùng đồng đội lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Ông Ngô Văn Lập tại căn phòng ở lầu 2 của tiệm phở Bình, nơi phát đi lời hiệu triệu Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Nhiệm vụ khó khăn đầu tiên mà chàng đặc công trẻ được giao là tiêu diệt “Phượng Hoàng chúa” - trung tướng Linh Quang Viên (Tổng ủy viên An ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy trung ương tình báo VNCH). Viên nắm giữ danh sách liệt kê một số cán bộ cao cấp của ta bị lộ sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chính vì vậy, việc tiêu diệt tên tướng này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Anh Bình được bộ phận làm giấy tờ giả của An ninh T4 cấp một thẻ căn cước VNCH mang tên Trần Văn Cường, có thẻ miễn quân dịch. Sau khi nghiên cứu kỹ quy luật đi lại của Viên, 8 giờ ngày 1-2-1969 anh Bình cùng đồng đội đi 2 xe máy đến quán phở đối diện cơ quan cựu chiến binh VNCH trên đường Nguyễn Thông. Đến 8 giờ 30, khi xe Viên đến gần, cả nhóm bám theo. Anh Bình cùng đồng đội ném 2 quả mìn và 1 quả lựu đạn vào đoàn xe. Tiếng nổ rân trời ngay góc đường Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ).

Sau vụ việc, anh Bình và đồng đội mới biết tên tướng bị trọng thương và chết sau đó không phải là Viên mà là Nguyễn Văn Kiểm. Tuy nhiên, An ninh T4 đánh giá vụ tử hình vẫn không nhầm, bởi thời điểm đó Viên không còn được Nguyễn Văn Thiệu tin dùng, còn Kiểm vốn là “đệ tử ruột” của Thiệu, đang được cất nhắc, chuẩn bị thay Viên chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Chàng đặc công trẻ tiếp tục được cấp trên giao nhiệm vụ cùng đồng đội thi hành án tử hình một nhân vật cao cấp trong chính phủ bù nhìn của chính quyền Sài Gòn. Vốn là người thận trọng, nên sau vụ Kiểm bị ám sát, người này dọn nhà vào doanh trại Bộ tư lệnh Hải quân VNCH ở. Mỗi khi ông ta rời khỏi đây đến phủ thủ tướng đều có đoàn xe hơn chục chiếc hộ tống.

Sau khi nghiên cứu thực tế, đội B5 quyết định thực hiện lệnh tử hình nhân vật trên tại ngã ba Nguyễn Du - Cường Để (nay là đường Tôn Đức Thắng, Q1) vào cuối giờ làm việc buổi sáng mùng 6 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 3-3-1969). Vũ khí cấu tạo quả mìn claymore bằng 25kg chất nổ C3 - C4 giấu trong chiếc xích lô do anh Bình lái. Sau 2 lần tạm dừng kế hoạch do nhân vật cấp cao này đổi lịch làm việc, sáng mùng 8 Tết cả tổ tập kết tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, chờ mục tiêu đến.

Đại tá Nguyễn Minh Hoàn

Khi đoàn xe chở đối tượng vừa rẽ vào đường Nguyễn Du, anh Bình đẩy chiếc xích lô ra giữa đường khiến cả đoàn khựng lại. Anh giật nụ xòe quả mìn rồi chạy nhanh vào lề đường nấp sau gốc cây nhắm mắt lại chờ nghe tiếng nổ lớn, nhưng vẫn yên tĩnh. Đồng đội của anh là Sáu Sinh bồi một quả mìn cầm tay, cũng không nổ.

Lúc này, bọn cận vệ đã hoàn hồn, bắn xối xả về phía anh Bình và đồng đội. Đồng chí Út Cạn bị bắt tại chỗ, anh Bình chạy được một đoạn cũng bị chúng bắt, đưa vào phủ thủ tướng. Chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng không moi được gì từ người chiến sĩ đặc công gan dạ. Ngày 8-8-1969, chúng ép anh và đồng chí Út Cạn vào phiên xử kín của “Tòa án quân sự đặc biệt thuộc Vùng 3 chiến thuật”. Anh Bình lãnh án chung thân khổ sai, bị đày ra Côn Đảo. Tháng 2-1974, khi cuộc chiến của chúng ta đi dần đến thắng lợi, địch buộc phải trao trả anh về Lộc Ninh cùng với đồng đội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang