Tại hội nghị quốc tế về xây dựng thành phố thông minh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đề án này hướng đến 4 mục tiêu: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, phát huy trí tuệ nhân dân; đồng thời được xây dựng trên 4 nguyên tắc, đó là: tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn lắng nghe, nắm bắt, phục vụ kịp thời các nguyện vọng, nhu cầu của người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; huy động mọi nguồn lực tham gia”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, khi triển khai thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh, người dân sẽ được hưởng lợi trên một số lĩnh vực. Chẳng hạn trong lĩnh vực giao thông, người dân sẽ được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gởi, đỗ xe. Mặt khác, dữ liệu mở về giao thông cùng thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc; cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như: doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình...
Trên lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng ĐTDĐ để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế. Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe, lịch khám chữa bệnh của người dân, cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực, có thể chia sẻ giữa các bệnh viện. Qua đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng được hạn chế.
Thực phẩm bẩn đang là nỗi ám ảnh của người dân. Khi triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép an toàn vệ sinh thực phẩm, đánh giá được những nguy cơ, rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng.
Đặc biệt, trên lĩnh vực an ninh trật tự, người dân và doanh nghiệp được sinh sống, làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa sẽ phục vụ cải cách hành chính. Cổng thông tin điện tử Công an TPHCM cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trở lên, kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photocopy nhiều giấy tờ như CMND, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu, điền tay các biểu mẫu và thực hiện nhiều thủ tục khác.
Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, đề án xây dựng thành phố thông minh ưu tiên bám sát các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố. Tập trung những lĩnh vực có vấn đề gây bức xúc liên quan đến an sinh xã hội của người dân, như: cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, giao thông, chống ngập, môi trường, y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội, chỉnh trang đô thị.
Đáng chú ý, trong buổi công bố đề án xây dựng thành phố thông minh, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, lực lượng công an được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Trung tâm an ninh - ứng cứu khẩn cấp và cơ sở dữ liệu dùng chung. Qua đó, tiếp nhận, xử lý thông tin, điều phối nguồn lực xử lý tại hiện trường.
Trong đó, xây dựng hệ thống phần mềm giám sát, định vị nhận dạng người và phương tiện...; triển khai số hóa, chuẩn hóa các dữ liệu CMND, thẻ căn cước công dân, đăng ký phương tiện, tiền án, tiền sự; triển khai nâng cấp, kết nối các hệ thống camera an ninh và camera xã hội hóa quản lý tập trung tại công an các quận, huyện, có tính năng nhận diện, nhận dạng, giám sát, thời gian lưu trữ đạt yêu cầu...