Ông là Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM. Nhân dịp đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, ông đã dành cho Báo Công an TP.HCM một cuộc trò chuyện cởi mở, thú vị.
Cả cuộc đời ông gắn bó máu thịt với mảnh đất này; ngẫm lại, ông nhận thấy đâu là thế mạnh không nơi nào có được của thành phố mang tên Bác?
Sài Gòn - TPHCM đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển. Trải qua ngần ấy thời gian với bao thăng trầm, biến cố, vùng đất này vẫn luôn vượt lên, đơm hoa kết trái. Vậy điều gì đã giúp nó tồn tại, đứng vững và không ngừng vượt qua bao khó khăn, thử thách cùng năm tháng; và đâu là căn cốt tạo nên sự khác biệt đó so với nhiều địa phương khác trong cả nước?
Theo tôi, có 3 yếu tố tạo nên đặc điểm, tính chất, sắc thái của Sài Gòn - TPHCM. Đó là vị thế địa lý, điều kiện lịch sử, tính cách con người.
Ông Nguyễn Thành Tài. Ảnh Giản Thanh Sơn
Là nơi tiếp giáp cận kề với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ trù phú về lúa gạo, lâm, thủy sản đa dạng, phong phú, đóng vai trò trung tâm về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, có mối quan hệ giao thương, mua bán, giao lưu văn hóa từ lâu đời với nhau; là cửa ngõ giao thương với Đông Nam châu Á, châu Âu..., từ hàng trăm năm qua.
Là nơi quần tụ của những lưu dân đi tìm nơi “đất lành chim đậu”; là nơi hội tụ của đồng bào cả nước, hội tụ sức mạnh của dân tộc Việt Nam; là nơi mà người dân biết được thế nào là ách cai trị của thực dân, đế quốc trước cả Hà Nội và Huế (1859 quân Pháp chiếm đóng Sài Gòn).
Là nơi tiên phong với các phong trào đấu tranh của các giới, tầng lớp nhân dân thành thị chống áp bức, bất công, đòi dân sinh, dân chủ, chấm dứt chiến tranh, đòi hòa bình, thống nhất đất nước...
TPHCM đón mừng năm mới. Ảnh: Vũ Phước
Chính trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử ấy mà hình thành, hun đúc nên tính cách của người nơi thành phố này. Vừa mang nét chung những đức tính cao đẹp của đồng bào cả nước, vừa có những nét đặc biệt là của người dân Nam bộ. Đó là tinh thần yêu nước, sự cương trực, trọng nghĩa tình, không có đầu óc kỳ thị giàu nghèo, tôn giáo hay sắc tộc. Sống chan hòa, cởi mở, rộng rãi, sẻ chia, siêng năng, cần mẫn, năng động, sáng tạo...
Siêng năng, linh động và không bảo thủ, chính là nguồn gốc sức mạnh tiềm tàng giúp Sài Gòn - TPHCM tồn tại và phát triển không ngừng.
Thưa ông, thế mạnh đó từng được khơi nguồn để tạo nên những thành quả lớn lao như thế nào, sau ngày thống nhất đất nước?
Khi hòa bình lập lại, với bao khó khăn, thách thức lớn lao, chồng chất tại cùng một thời điểm sau khi kết thúc chiến tranh - chúng ta vừa phải tập trung lo khắc phục hậu quả, vừa phải tiến hành 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở 2 đầu biên giới Tây Nam và phía Bắc; đồng thời lại phải lo đối phó phá thế bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng lòng tin, gây ra bởi hệ quả của lối tư duy bảo thủ, sáo mòn, chủ quan, duy ý chí trong thực hiện đường lối, chủ trương, cung cách quản lý kiểu tập trung quan liêu, cào bằng, triệt tiêu mọi sáng kiến, động lực phát triển...
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, chính nhờ tinh thần chủ động, chịu khó, luôn suy nghĩ tích cực, tìm mọi cách tháo gỡ để thoát ra khỏi bế tắc; dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đeo bám thực hiện cho bằng được, đem lại kết quả cụ thể để lý giải, minh chứng cho việc mở đường, với cách làm sáng tạo, từng bước hoàn thiện mô hình mới cho phù hợp; TPHCM đã khởi nguồn cho sự hình thành quyết sách chung cho cả nước, tiến hành công cuộc đổi mới ở tầm quốc gia.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước cũng như thành phố đã có nhiều sự thay đổi lớn lao, sâu sắc, từ kinh tế, xã hội, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện theo hướng tốt hơn... Vị thế quốc gia cũng có nhiều thay đổi - thoát nghèo, thành nước có thu nhập trung bình; mở rộng quan hệ đối ngoại, giao thương với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; sức mạnh quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, tăng cường...
Nhưng thưa ông, vẫn còn đó những yếu tố được xem là “điểm nghẽn” đang cản trở dòng chảy phát triển hôm nay?
Thẳng thắn mà nói, sự phát triển kinh tế nước ta chưa thật vững chắc, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh yếu; năng lực quản trị quốc gia còn nhiều bất cập; tình trạng lãng phí, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, bị thất thoát và đặc biệt là nạn tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả.
Riêng với TPHCM, có thể nói có 3 yếu tố gây mất cân đối, tạo thành điểm nghẽn cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Đó là:
- Sự mất cân đối giữa tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng dân số, nhất là tăng dân số cơ học, với khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng kinh tế tương ứng, không kịp với yêu cầu phát triển.
- Giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở chiến lược phát triển toàn diện, lâu dài, đồng bộ giữa các lĩnh vực, mang tính “dự báo” và ổn định tương đối cho cả quá trình phát triển; với tình trạng phát triển “tự phát”, “thiếu đồng bộ”, “vững chắc” (thực tế phát triển nhanh hơn dự báo), thiếu khai thác lợi thế “không gian vùng” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Giữa yêu cầu quy mô, tốc độ, chất lượng tăng trưởng, với cơ chế quản lý, điều hành đã trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của thành phố chậm được tháo gỡ.
Cả nhà cùng du xuân. Ảnh: A.Quân
Như mục tiêu phát triển của thành phố đã được Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X xác định cho trước mắt và lâu dài, là xây dựng TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình, với chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Và để có thể thực hiện được mục tiêu tốt đẹp này, biến nó thành hiện thực trong một tương lai không xa, thành phố đã đề ra 7 chương trình trọng điểm có tính đột phá, như: giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, cải cách hành chính gắn liền với chính quyền đô thị và giải tỏa nhà trên ven kênh rạch, xây dựng lại các chung cư xuống cấp, bị hư hỏng nặng.
Qua đó, cho thấy chúng ta luôn hướng đến mục tiêu phát triển chung, mang lại lợi ích cho người dân, cho thành phố và cùng góp phần cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Và để không dừng lại ở lời hứa, hoặc nói suông, nói không đi đôi với làm, thì cần và rất cần bộ máy chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân; hoạt động có hiệu quả, biết dựa vào dân và lấy hiệu quả chăm lo cho dân làm thước đo cho việc đánh giá.
Do vậy, cho dù chúng ta có gọi tên là chính phủ điện tử, thành phố thông minh, hay là gì đi nữa, thì bản chất của chính quyền cách mạng cũng như mục tiêu lo cho dân là không có gì thay đổi. Có khác chăng, là cách thức thực hiện chức năng quản lý, điều hành xây dựng và phát triển đất nước dựa trên điều kiện tiến bộ mới. Đó là sự phát triển của khoa học và công nghệ; đặc biệt là kỹ thuật số và trí thông minh nhân tạo mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0. Nó cho phép kết hợp hiệu quả giữa thế giới ảo với thế giới thật ở phạm vi rộng lớn, nhanh chóng, chính xác và tiện lợi bằng công nghệ thông tin.
Xin có câu hỏi mang tính riêng tư một chút, nghỉ hưu thường là có điều kiện gần dân hơn, ông lại có thời gian dài sống trong một khu dân cư bình thường ở Q4; hẳn ông đã cảm nhận và nghe người dân nói nhiều về cuộc sống hôm nay. Điều gì làm ông hài lòng và điều gì khiến ông cảm thấy băn khoăn, day dứt?
Là cán bộ nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, gần gũi với sinh hoạt của bà con trong khu xóm lao động (P4Q4) nên việc tiếp xúc, quan hệ với người dân của tôi được thường xuyên hơn, trực tiếp hơn.
Và nhờ đó, phần nào hiểu thêm tâm trạng của người dân. Bà con vui, trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống được ổn định; nhìn chung bà con có được công ăn việc làm, thu nhập, nhà ở, ốm đau có được nơi chăm sóc, chữa trị; con cái được học hành... đó làm niềm vui chung của mọi người.
Hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả mang đến nhiều thuận lợi để TPHCM phát triển. Ảnh: Văn Nghiệp
Nhưng người dân cũng còn đó những ưu tư không nhỏ như:
Tâm trạng bất an với nhiều điều bất ổn: có quá nhiều nỗi lo, như khi ra đường sợ bị kẹt xe, ngập nước, bị cướp giật, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường...; kỷ cương pháp luật lỏng lẻo, môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, nạn bạo hành phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Lo sợ việc làm bị bấp bênh, thu nhập thấp, gặp khó khăn trong cuộc sống thường nhật...
- Bất bình, thiếu niềm tin vì những tiêu cực, cán bộ tham ô, hư hỏng còn nhiều; tình trạng nói không đi đôi với làm, nói quá nhiều và nói với những ngôn ngữ “hàn lâm” nên người dân không hiểu, không quan tâm. Ví dụ như kiểu nói: “chính phủ điện tử, thành phố thông minh, quốc gia khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, người tiêu dùng thông thái, thành phố thân thiện với trẻ em”... được các cơ quan truyền thông đăng tải và phát thanh liên tục, trong khi bao chuyện đời thường, dân dã với bao nỗi lo toan còn ngổn ngang, phơi bày chưa được giải quyết, dù đã được nói, được đề đạt nhiều lần, nhưng “vũ như cẩn”...
Nhân ngày Xuân, nếu có 3 điều ước, ông mong điều gì sẽ sớm thành hiện thực cho người dân thành phố mang tên Bác?
Ông Nguyễn Thành Tài: Tôi thật sự mong ước cho đồng bào thành phố sớm có được cuộc sống AN VUI - HÒA HỢP - TRONG LÀNH (an cư, lạc nghiệp, yên ổn, an toàn, hòa thuận và được sống trong không gian xanh, sạch trong lành).
Cha và con. Ảnh: Hồ Ninh
Cá nhân tôi cũng như bao người khác rất phấn khởi, tin tưởng cho một tương lai phát triển mới của thành phố, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM. Dù chưa thật đầy đủ và có phần còn chậm so với mong đợi của Đảng bộ và nhân dân thành phố, nhưng chắc chắn với những nội dung mà Trung ương, Chính phủ và Quốc hội thông qua lần này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với trước; để thành phố phát triển nhanh và mạnh hơn với tinh thần Vì cả nước, cùng cả nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!