‘Tướng cướp’… 40 tuổi Đảng

Thứ Sáu, 16/02/2018 17:26

|

(CAO) Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Cao Đài Bến Tre tại đất Bình Xuyên (nay là xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), cuộc đời anh nông dân Nguyễn Văn Bảy tưởng như sống yên phận với con trâu cái cày, ruộng vườn sớm hôm.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tháng 9-1940, phát xít Nhật tiến vào Việt Nam, thực dân Pháp tại Đông Dương nhanh chóng quỳ gối đầu hàng. Nhân dân ta từ đó “Một cổ đôi tròng, đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật”.

Cuộc sống người dân ngày càng lầm than cơ cực hơn. Tất những điều đó tác động không nhỏ đến tâm tư Nguyễn Văn Bảy, nhất là khi đó hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổi lên như khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ... chống quân Pháp - Nhật, khiến trái tim anh sục sôi thấy, mình cần phải làm điều gì đó.

Thời gian này tại vùng quê anh xuất hiện một tướng cướp người Hoa tên Cố Xáng, quy tụ một số thanh niên cùng chí hướng tổ chức cướp của người giàu chia cho dân nghèo, khiến Nguyễn Văn Bảy rất phấn khích thấy hợp ý mình. Khi Bảy tìm đến đầu quân, nhìn thanh niên trẻ có nét mặt lương thiện, ông Cố Xáng khuyên thật, không nên tham gia đi cướp, rất nguy hiểm nên về làm ruộng có cuộc sống yên ổn. Nhưng Bảy cương quyết xin theo bởi anh cho rằng, việc cướp của kẻ giàu bóc lột, chia cho người nghèo là điều nên làm. Nghe anh tỏ ý chí, ông Cố Xáng đồng ý, tuy nhiên cũng việc này khiến người cha tu đạo phiền lòng, đuổi anh ra khỏi nhà.

Năm 1944, Nguyễn Văn Bảy cùng bốn người bị bắt tại Gia Định, kết tội ăn cướp và kêu án 15 năm tù, tuy nhiên được ba năm thì vượt ngục. Nguyễn Văn Bảy thoát khỏi tù cũng là khi phong trào Cách mạng đang lên cao. Tìm thấy chí hướng, lập tức Nguyễn Văn Bảy hòa vào phong trào Việt Minh. Anh tham gia phong trào tuyên truyền nông hội tại địa phương được hai năm, sau này nhận thấy mình không hợp với công tác tuyên truyền nên xin chuyển sang tham gia xã đội, trực tiếp cầm súng chống giặc.

Anh tham gia cách mạng bằng tất cả tấm lòng, hoạt động say mê và được cấp trên đánh giá cao, vì thế năm 1951, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với việc ký kết và thực hiện Hiệp định Gơneve, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Bộ đội ta lần lượt tập kết ra Bắc, xét thấy Nguyễn Văn Bảy hoạt động có uy tín tại địa phương và thuộc lực lượng bán vũ trang, nên được phân công ở lại hoạt động bí mật. Tuy nhiên, tháng 1-1955, trong một lần đổi căn cước, bị chỉ điểm nên địch bắt vì nghi anh thuộc diện nằm vùng.

Trong tù, Bảy suy nghĩ, trường hợp bị bắt như anh khá nhiều và rõ ràng bọn địch cũng không nắm cụ thể từng trường hợp ngoài chuyện bắt ào ạt và tra tấn buộc tù nhân khai báo. Thế nên, quyết định dứt khoát không khai và làm chệch hướng điều tra của chúng bằng cách khai mình từng đi cướp và bị bắt kêu án tù 15 năm, tuy nhiên được 3 năm thì ông lại vượt ngục. Có lẽ nhờ thời gian anh theo Cố Xáng ăn cướp khá có tên tuổi, từng đi tù thật nên sau thời gian xác minh, bọn địch tạm tin, tuy nhiên chúng vẫn kêu án tù hơn mười năm và đưa anh ra giam tại Côn Đảo.

Tình hình Côn Đảo sau phiên tòa xét xử vụ mưu sát Đại sứ Mỹ Nolting với 12 bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có vị giáo sư 26 tuổi Lê Quang Vịnh, khá lộn xộn. Tù thường phạm, tù giáo phái và tù chính trị nhốt chung với nhau. Ông Tư Biên (Hà Văn Hiển, nguyên Phó trưởng ban tài chính quản trị TW) một cựu tù nhớ lại.

Tù thường phạm chế độ giam giữ nhẹ nhàng hơn tù chính trị, nhiều tù thường phạm được phân công làm trật tự viên, thậm chí phân công lao động bên ngoài trại giam nhưng thực tế là để canh tù chính trị vượt ngục và khi cần địch sử dụng tù thường phạm để đàn áp tù chính trị. Chính vì vậy, tù nhân chính trị phải làm công tác binh vận, giáo dục, cảm hóa kêu gọi tù thường phạm quay về với Cách mạng.

Thời điểm này, tháng 6 năm 1962, tù thường phạm lẫn chính trị nhốt chung, “trưởng mâm” của ông Tư Biên tại trại P.5 là Bảy “tướng cướp” tức tù thường phạm Nguyễn Văn Bảy. Lý do anh em tù tôn Bảy tướng cướp lên làm “trưởng mâm”, bởi tuy mang tiếng tướng cướp nhưng ông Bảy rất hiền lành, đặc biệt có sức khỏe, giúp anh em bạn tù trong việc lấy nước, ăn uống...

Tuy nhiên, đến cả người tù chính trị Tư Biên cũng không hề biết rằng, Bảy tướng cướp đang là liên lạc viên bí mật trong tù của người chỉ huy Lê Minh Nê, nguyên cán bộ huyện đội Gò Vấp. Sau khi bị bắt đày ra Côn Đảo với thân phận kẻ cướp, lợi dụng danh nghĩa tù thường phạm ít bị kẻ địch nghi ngờ, Nguyễn Văn Bảy tích cực tìm cách móc nối với tổ chức trong tù và được ông Lê Minh Nê xây dựng thành liên lạc viên bí mật với nhiệm đưa tin liên lạc giữa các phân trại, với các nhóm tù chính trị khác nhau.

Thường là ông đem thơ bí mật giấu tại một địa điểm nhất định để các tù chính trị khi đi lao động đến lấy, chính ông cũng không biết nội dung thơ là gì, giao cho ai. Đây là công việc bí mật đơn tuyến, ngoài ông Lê Minh Nê với ông Bảy ra không ai được biết, bởi lộ ra sẽ bị kẻ địch bắt ngay. Thực tế tại các trại, kẻ địch vẫn đưa người của chúng vào với danh nghĩa tù nhân để nắm tình hình, thế nên giữa những tù nhân với nhau đều phải cảnh giác cao độ.

Nhà văn Bùi Anh Tấn (bên phải, hàng sau) chụp ảnh với ông Nguyễn Văn Bảy (ngồi giữa) và ông Hà Văn Hiển (Tư Biên) ngồi bên phải

Tại Côn Đảo, kẻ địch triệt để lợi dụng tù thường phạm hoặc tù giáo phái để cai trị tù chính trị rất hà khắc. Nổi lên là tên trung úy ác ôn Bình Xuyên tên Đạt. Tên này cầm đầu một nhóm tù giáo phái thường xuyên tra tấn tù chính trị rất điên cuồng, hung hãn. Tổ chức trong tù nhận thấy nếu để cho tên Đạt tồn tại sẽ gây nhiều tổn thất cho tù chính trị nên quyết định phải tiêu diệt.

Sau khi bàn tính kỹ, ông Bảy cùng hai bạn tù quê Bến Tre và ngoài miền Trung xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn này. Về phía ông Bảy nhận nhiệm vụ với mấy lý do, ông là tù thường phạm đi lại tự do nên dễ lại gần tên Đạt, ông là người có sức khỏe có thể kềm chế tên này, cuối cùng với danh nghĩa tướng cướp, việc va chạm với tên Đạt cũng như giữa những tù thường phạm với nhau, kẻ địch không nghi ngờ. Và tên Đạt đã bị giết chết, gây tiếng vang lớn trong các trại tù tại Côn Đảo, khiến những tên ác ôn khác phải run sợ, chùn tay.

“Tướng cướp” Nguyễn Văn Bảy bị đưa về Khám Lớn Sài Gòn xét xử. Đúng như dự đoán ban đầu của tổ chức, ông Bảy khai đơn giản là bức xúc với thái độ hung hãn của Đạt nên cùng các bạn tù trị tên này và kẻ địch buộc phải tin bởi không tìm ra lý do nào khác. Ông bị kêu án 12 năm tù, coi như án tù chồng lên án tù. Trên tàu quay trở lại Côn Đảo, ông Bảy và các bạn tù bàn tính phải tìm cơ hội vượt ngục.

Khi tàu chạy ngang qua rạch Chà Là (nay là Phước Khánh, Long Thành, Đồng Nai), Nguyễn Văn Bảy cùng một số bạn tù tháo còng chân thoát ra ngoài. Họ cũng thống nhất, nếu ai không muốn trốn thì tự còng chân lại, nếu kẻ địch hỏi thì nói rằng bị đe dọa giết nếu chống đối nên im lặng để cho những người khác tháo còng thoát ra.

Nhảy xuống sông, kẻ địch phát hiện chĩa súng bắn, ông bơi kẹp sát thân tàu, nhờ vậy không bị trúng đạn. Đêm tối, địch bắn vu vơ dăm ba loạt đạn thì thôi và sau đó ông bơi vào bờ. Trở về quê gặp vợ con mừng tủi, tính ra lấy nhau năm 1951 mà ông bà có đến hơn 10 năm sống xa sau. Sau thời gian dưỡng bệnh, sức khỏe tạm ổn, ông xin hoạt động trở lại, tuy nhiên tổ chức thấy ông bị tù hơn 10 năm, bị tra tấn, bệnh tật nhiều nên khuyên ông nên dưỡng bệnh, làm công tác nắm tình hình có gì thì báo cáo.

Mùa xuân 1975, Nguyễn Văn Bảy nghẹn ngào rơi nước mắt trong niềm vui thống nhất đất nước. Như con chim sổ lồng, ông cùng anh em tham gia xây dựng chính quyền Hiệp Phước non trẻ. Công việc sau ngày giải phóng, có bỡ ngỡ, có khó khăn mới mẻ lẫn va vấp, ông hăng say hoạt động, được phân công là Chủ tịch Hội nông dân tập thể, sau này là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính xã Hiệp Phước.

Năm 1978, ông được kết nạp Đảng lại lần thứ Hai. Thực tế sau giải phóng, ông có đi tìm người chỉ huy cũ là ông Lê Minh Nê để xin xác nhận thời gian hoạt động liên tục trong tù, tuy nhiên đáng tiếc không thể gặp lại ông Nê. Và đến năm 1987, ông chính thức nghỉ bởi tuổi cao, sức yếu.

Đến Hiệp Phước hôm nay, hỏi ông Bảy Côn Lôn hầu như ai cũng biết, một bậc trưởng lão cây cao bóng cả còn sót lại qua bao thời kỳ chiến tranh biến động tại xứ Bình Xuyên. Mùa xuân này, Nguyễn Văn Bảy tức Bảy tướng cướp như anh em bạn tù gọi vui năm xưa hay Bảy Côn Lôn như con cháu ngày nay kính trọng gọi đã tròn 94 tuổi đời và 40 năm tuổi Đảng. Ông tâm niệm, trong lịch sử đất nước, dân tộc, sự đóng góp của mỗi người chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ và hãy sống trọn với niềm vui ấy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang