Chuyện kể phía sau những chiến công

Thứ Sáu, 16/02/2018 16:28

|

(CATP) Tháng 5-2017, tôi sang Phòng CSĐTTP về ma túy Công an TPHCM để tìm tài liệu viết sách. Dù đã hẹn trước, nhưng các anh trong đơn vị cứ hẹn lùi: “Chị chờ một thời gian nữa, tụi tôi đang bận lắm, chị ơi! Xong việc, tôi sẽ gọi điện cho chị liền”.

Rồi họ lại lao đi, bỏ tôi đứng trong khoảng sân đầy nắng, xung quanh người vào, người ra hối hả. Sau khi chuyên án triệt phá đường dây ma túy lớn nhất nước thành công thì tôi hiểu. Để giữ bình yên cho thành phố hàng chục triệu dân này, hơn 40 năm qua, có biết bao chuyện kể phía sau những tấm huy chương…

Đồng chí Lý Đại Bàng

Chuyên án về ma túy lớn nhất nước xuất phát từ một vụ buôn bán nhỏ lẻ vài trăm viên thuốc “lắc” trên địa bàn Q.Bình Thạnh, với linh cảm nghề nghiệp của mình, đại tá Nguyễn Hoàng Thắng (Trưởng CAQ Bình Thạnh, từng là Trưởng phòng CSĐTTP về ma túy Công an TPHCM) đoán có một đường dây ma túy rất lớn phía sau. Lần theo dấu vết các “cửa hàng bay” của những đối tượng cung cấp thuốc “lắc” từ quán bar này đến vũ trường nọ, các trinh sát phát hiện một đường dây sản xuất ma túy “khủng” do tên Văn Kính Dương (trùm ma túy đang bị truy nã) cầm đầu. Chuyên án nhanh chóng được thành lập.

Các trinh sát lặng lẽ “đeo án”, “đeo người”, nhập vai hơn nửa năm. Đến khi án đang mở rộng thì một ngày nọ, Dương cùng đồng bọn bỗng nhiên dọn “xưởng” sản xuất ở H.Bình Chánh chuyển ra Vũng Tàu. Chưa ấm chỗ, chúng lại chuyển máy móc đến một khu vắng vẻ ở ven biển Nha Trang rồi lại chuyển “xưởng” về Đồng Nai. Trước động thái trên, đại tá Thắng xin lệnh “cất vó” vì sợ... “bể” án. Sau khi cân nhắc, thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TPHCM) quyết định “nuôi án”.

Quyết định ấy đã kéo chuyên án trải qua 300 ngày đầy kịch tính và nhiều vất vả, với số tang vật thu được gồm: hơn nửa triệu viên thuốc “lắc”, gần 90kg bột ma túy, trị giá 200 tỷ đồng; nhà xưởng, xe cộ bị tịch thu trị giá 60 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, một đường dây với quy trình khép kín từ sản xuất đến cung ứng ma túy cho các vũ trường, quán bar, bán sỉ đi các tỉnh với số lượng vài trăm ngàn viên thuốc “lắc”/ngày đã bị đập tan.

Chuyên án này trở thành chuyên án ma túy lớn nhất cả nước về số lượng ma túy thu giữ, được Công an TPHCM phá vỡ. Vụ bóc gỡ đường dây ma túy “khủng” này có công lao của nhiều người, nhiều phòng nghiệp vụ Công an TPHCM, trong đó có đại tá Thắng, người khiến tôi ngỡ ngàng nhiều phen.

Thiếu tướng Phan Anh Minh

Người ta rất ít khi thấy thiếu tướng Phan Anh Minh cười, nhưng trong cuộc họp báo cáo về chuyên án trên, ông cười rất tươi. Nụ cười hiếm hoi của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM và giọng kể rưng rưng khi nói về sự kiên cường trong đau đớn của trung úy Hảo (trinh sát thuộc CAQ Bình Thạnh) khi thực thi nhiệm vụ trong chuyên án trên, làm cho nhiều phóng viên theo mảng nội chính có cách nghĩ khác về ông.

Trinh sát Hảo đã dùng xe máy bám theo xe chở rác thải hóa chất (trong điều chế thuốc “lắc”) của băng nhóm trên, nhưng phải tắt đèn xe để tránh bị phát hiện. Chiếc xe “mù” phóng vun vút theo xe tải trong đêm đen và đụng vào mảng bê-tông của dải ngăn cách làm anh bị gãy chân. Mặc cho máu chảy, chân gãy, anh vứt xe bên đường, nghiến răng lần theo chiếc xe tải để ghi hình chúng vứt những vỏ bình hóa chất xuống sông nhằm phi tang.

Chờ đến khi xe tải chạy xa rồi thì Hảo mới dám gọi điện về báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ. “Giọng mệt nhọc, cậu ấy nói: Em gãy chân rồi, các anh xuống nhanh để tiếp nhận hiện trường và cho em đi nhà thương...” - giọng tướng Minh như nghẹn lại. Đằng sau vẻ lạnh lùng, gương mặt khắc khổ, mái tóc bạc trắng của ông là trái tim rất ấm và tình đồng đội sâu đậm.

Trong một chuyên án khác năm 2002, ông Phan Anh Minh lúc đó mang hàm thượng tá, được điều động từ lĩnh vực an ninh sang lĩnh vực cảnh sát điều tra, với chức vụ Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM. Nhận chức không bao lâu, ông “bập” ngay vào một chuyên án ma túy khốc liệt và nguy hiểm nhất từ trước tới nay của Công an TPHCM. Trong đường dây tội phạm này, ngoài các đối tượng cực kỳ hung hãn ở TP.Vinh, gồm: Hải “Luận”, Dũng “Lừng”, Hạnh “Cầm”, còn có Lệ “mập” (Trần Văn Lệ, từng là trinh sát chống tội phạm ma túy ở Nghệ An, đã biến chất). Chúng luôn mang theo lựu đạn cùng nhiều súng đạn trong người, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ ai cản đường. Căn nhà mà chúng dùng làm “đại bản doanh” chứa cả “kho vũ khí” quân dụng.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc CATP khen thưởng đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng CAQ Bình Thạnh

Lần ấy, ngoài trưởng, phó phòng đều tham chiến, đại tá Lê Thanh Liêm - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC17), còn tung vào trận đánh quan trọng này gần hết số trinh sát tác chiến giỏi của Phòng CSĐTTP về ma túy. Mũi trinh sát do đại tá Liêm chỉ huy tấn công thẳng vào “kho vũ khí” để khóa hỏa lực địch, giảm thương vong tối đa cho các tổ khác.

Tổ của thượng tá Lý Đại Bàng - Phó phòng PC17, tấn công vào khu ở của Hạnh “Cầm”, Lệ “mập”. Theo lời đồn, Lệ “mập” từng là “tay súng điểm 10” của Đội chống tội phạm ma túy ở Nghệ An. Thượng tá Lý Đại Bàng đã bước vào cuộc chiến sinh tử với tư thế và hào khí của một trinh sát SBC (săn bắt cướp) lừng danh năm xưa. Anh truyền đến các trinh sát trẻ quyết tâm sắt đá: đã đánh phải thắng.

Suốt thời gian các trinh sát quần nhau với bọn tội phạm để tranh từng cơ hội sống và chiến thắng ở “kho vũ khí” kia, tại sở chỉ huy, đại tá Phan Anh Minh ngồi im như pho tượng, chăm chú nhìn vào màn hình chiếc điện thoại để chờ một ánh sáng bật lên. Cuối cùng, đoàn quân của Phòng CSĐTTP về ma túy Công an TPHCM đã chiến thắng trở về sau khi bắt gọn bọn Lệ “mập”, Hạnh “Cầm”, Hải “Luận”,... Lúc này ông Minh cười thành tiếng, hối hả đi tới đi lui bắt tay người này đến người kia trong khu sân nhỏ.

Với dáng vẻ cô đơn, cách nói ngắn, gọn, không màu mè cùng chức danh Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, làm cho người ta dễ nghĩ tướng Minh rất khó gần. Không đâu! Ông là người nhạy cảm, trái tim ông ấm nồng với cuộc sống này. Có lần tôi theo ông đến làm việc trong Trại tạm giam Chí Hòa, có một người mẹ nghèo đi thăm con trai tù tội với cái giỏ nhẹ tênh, bước thấp bước cao trong sân trại tạm giam. Ông ghé lại hỏi thăm điều gì đó, rồi dấm dúi cho bà mẹ ít tiền mua thêm quà cho con để đỡ “tủi mẹ, tủi con”.

Năm đó, thành phố ồn ào vụ án “mất 51,8 tấn bột ngọt của Nhà máy Thiên Hương”. Chị Nguyễn Thị Ao (thủ kho) và quản đốc phân xưởng Sú Chí Sấm bị ông Luân (Giám đốc Nhà máy Thiên Hương) ghép tội lấy trộm 51,8 tấn bột ngọt đó. Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM điều tra, nhưng không tìm ra bằng chứng phạm tội nào của hai người này, bởi trước đó không hề có một hạt bột ngọt nào được nhập kho. Hóa ra ông Luân báo án giả. Khi ấy sĩ quan Phan Anh Minh của Phòng An ninh điều tra Công an TPHCM còn rất trẻ.

Đại tá Lê Thanh Liêm nghiên cứu hồ sơ một vụ án

Không hại được họ về tội này, ông ta lại quy chụp họ về tội phá hoại nhà máy. Chị Ao, anh Sấm cùng gần chục người khác bị lôi vào một vụ án khác với mức án tuyên mỗi người từ 10 - 20 năm tù. Họ nhờ người gửi đơn kêu oan. Người nhận lá đơn kêu oan của chị Ao, anh Sấm là thượng úy Phan Anh Minh. Khi tiếp xúc, nhìn vào mắt họ, nắm tay họ, với trực giác của mình, ông tin họ bị oan. Điều tra lại từ đầu, ông chứng minh được họ không hề có hoạt động phá hoại nhà máy nào. Sau đó, thượng úy Phan Anh Minh làm báo cáo lên cấp trên, đề nghị hủy án, trả tự do và giải oan cho những công nhân khốn khổ ấy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang