Lệ và hoa

Thứ Bảy, 11/09/2021 12:43

|

(CATP) Ở xóm tôi có ông nhà giàu tâm tánh hiền lành, bụng dạ phóng khoáng hay giúp đỡ những kẻ nghèo khó, nên được nhiều người quý mến. Ông có mảnh vườn chu vi khoảng 500 mét vuông, trồng nhiều loại cây, cành lá tỏa ra tươi mát, cảnh quan hữu tình.

Trời sang thu, cây cối chuyển mình, lá rụng đầy sân, ông gọi một thanh niên ở xóm bên cạnh sang quét dọn và ra điều kiện:

- Mầy làm sạch sẽ tao cho 200.000 đồng. Nếu biết chăm chút, kỹ lưỡng thì sẽ thưởng thêm.

Gã thanh niên này đã 36 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, làm nơi nào cũng bị giảm biên chế, nhà rất nghèo, người mẹ bán hàng rong, anh chị em không ai đỡ đần cho ai được. Ông nhà giàu biết rõ hoàn cảnh ấy, giao việc cho gã thanh niên nhằm tạo điều kiện cho có thu nhập và rảnh tay để làm việc khác. Gã thanh niên có vẻ lành tánh nhưng lại chậm chạp, đầu óc thiếu tập trung, hay nói chuyện trời trăng, mây gió.

Hai tiếng đồng hồ sau, nghe người làm công báo xong việc, chủ nhà ra kiểm tra và ông tỏ thái độ không hài lòng, nói nhẹ nhàng:

- Đất cát còn vương vãi nhiều quá, kỹ lưỡng một chút thì quanh sân sẽ sạch đẹp hơn. Công lao động này chỉ đạt 70 phần trăm thôi. Kiên nhẫn một chút thì công việc sẽ tốt hơn anh bạn ạ!

Nói vậy, ông vẫn trả đúng số tiền như giao ước. Ba ngày sau, ông lại gọi gã thanh niên ấy sang dọn vườn và nhấn mạnh:

- Cái gì đã gọi là rác thì phải dọn sạch hết. Kỹ lưỡng thì được thưởng thêm. Bất cứ việc gì khi nhận tiền thì phải làm đầy đủ trách nhiệm, bạn nên tâm niệm điều đó, vui nhé.

Hai giờ sau, chủ nhà ra kiểm tra thì gã làm công cũng vừa hoàn tất công việc. Liếc mắt một lượt, chủ nhà lại phàn nàn:

- Cây dai, lá khô, trái rụng còn lung tung khắp nơi. Bạn nghe điện thoại nhiều quá, thiếu tập trung vào cái cần làm. Việc này quá đơn giản, nếu gặp việc khó hơn thì sao? Mình tin bạn thì bạn đừng phụ lòng mình chớ. Cố gắng lên!

Ông lại lấy ra tờ giấy bạc 200 ngàn đưa cho gã thanh niên, quên đi cái ý định sẽ thưởng thêm nhằm giúp đỡ kẻ bần hàn ấy.

*

* *

Có việc phải xa nhà mấy ngày, ông gọi một người cháu cư ngụ cùng phường đến giao việc và hứa sẽ trả công xứng đáng nếu làm đến nơi, đến chốn. Việc thật đơn giản, hàng ngày anh ta đến mở cổng rào, quét dọn sân, cho gà ăn, nếu trời khô thì kéo vòi nước tưới cây. Khác với phong cách khù khờ của chàng thanh niên kia, người cháu này tỏ ra lanh lợi, thậm chí lóc chóc mặc dù tuổi đã xấp xỉ năm mươi. Dù được xem là thành phần nghèo khổ, nhưng anh ta có thói quen hàng ngày cứ đóng bộ tươm tất, mang giày da đội nón hiệu, chạy loanh quanh trong phường, phong thái lúc nào cũng tất bật, chứng tỏ ta là người quan trọng. Chẳng biết có vai trò gì ở địa phương, mỗi tháng nhân vật thích hào nhoáng này được trả lương không quá 1,5 triệu bạc, trong khi cô vợ đã chia tay từ lâu, còn nuôi một đứa con đang học trung học.

- Được, chuyện này quá dễ. Chú yên tâm, việc gì giao cho cháu là dứt điểm sạch sành sanh!

Mặc dù đã căn dặn từng chi tiết, nhưng ở phương xa, ông nhà giàu vẫn luôn nhắc chừng đứa cháu phải chăm lo chu đáo, mỗi lần như vậy, ông đều được trả lời bằng giọng điệu hết sức xăng xái: "Ô kê chú! Chuyện này như con ruồi mà, đập cái bộp là xong, chú đừng băn khoăn...". Vậy mà, ngày trở về, chủ nhà không khỏi té ngửa, khi nhìn thấy nhiều cây quý héo úa, lá vàng chen đầy các ngõ ngách, toàn cảnh khu vườn không khác gì bị bỏ hoang. Thằng cháu giải thích:

- Mùa này cây cối hè nhau thay lá, quét rồi nó lại rụng, chịu không thấu chú ơi. Mấy bữa thấy trời chuyển mưa nên không kéo vòi tưới cây, nước nôi giờ cũng mắc mỏ, tiết kiệm cho chú được đồng nào đỡ đồng đó. Mấy con gà thì khỏe lắm, ăn uống no nê luôn...

Kiểu cách bộp chộp, làm không ra làm, ăn nói thiếu chân thật của thằng cháu giúp ông biết rõ nguyên nhân tại sao nó nghèo mãi, thỉnh thoảng lại chạy đôn, chạy đáo mược tiền, miệng còn so bì: "kẻ ăn không hết, người lần không ra". Cả hai thằng ông thuê đều có cùng một tâm tánh thiếu kiên nhẫn và không biết nghĩ đến trách nhiệm, hai tố chất mà những người phấn đấu thành đạt luôn đặt lên hàng đầu, nó giúp con người vượt qua những khó khăn, tạo được niềm tin trong mối quan hệ xã hội.

Thay vì thưởng nó dăm ba triệu, ông chỉ trả công theo ngày như thuê bao người khác. Ông nói: "Mầy muốn thay đổi được số phận thì phải sửa đổi ngay lối sống. Tu chỉnh ngay đi!". Thằng cháu không đáp, thái độ bàng quan, lấy tiền bỏ túi, dông tuốt.

Trong những năm gần đây, cả thế giới đều biết tiếng và ngưỡng mộ tỷ phú, doanh nhân người Trung Quốc, nhân vật được coi là một trong những người quyền lực nhất hành tinh, có tài sản trị giá 62 tỷ đô la Mỹ (2021), từng được xếp thứ hai trong danh sách "50 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới" hàng năm theo tạp chí Fortune, được phong "Anh hùng từ thiện của châu Á năm 2019" vì đã hỗ trợ các cộng đồng kém may mắn ở Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông... đó là Jack Ma (Mã Vân), chủ tịch tập đoàn Alibaba, sinh năm 1964, quê ở Chiết Giang, Trung Quốc.

Cuộc đời của Jack Ma là một trường ca có đủ màu sắc và hương vị. Sau khi tốt nghiệp trung học, lần đầu dự kỳ thi cao khảo toàn quốc, ông chỉ đạt 1 điểm môn toán. Năm 1983, ông thi đại học lần thứ hai và trượt, chỉ đạt 19 điểm trong bài thi môn toán. Nghe lời khuyên bảo của cha, ông bắt đầu đi giao sách cho các tạp chí trên chiếc xe ba bánh, đi làm cả ngày lẫn đêm, tiếp tục rèn luyện học hành. Năm 1984, ông tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học lần thứ ba, đạt 89 điểm môn toán và đỗ chuyên ngành ngoại ngữ thương mại của Đại học Sư phạm Hàng Châu. Từ đó, cuộc đời của ông bước sang một trang sử mới, là hình mẫu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, là biểu tượng của chí kiên nhẫn, không cam chịu đầu hàng số phận.

Lắng trong lặng im, Sài Gòn suy tư về những trầm luân giữa cuộc đời. Ảnh: DUY TRUNG

Jack Ma nhiều lần diễn thuyết trước công chúng. Mới đây, trả lời câu hỏi của nhiều sinh viên "tại sao người nghèo lại càng nghèo?", nhà tỷ phú thẳng thắn nói: "Thu phục người nghèo rất khó! - Thứ miễn phí thì bảo lừa đảo, kém chất lượng - Đầu tư lớn thì bảo không có vốn - Lãnh vực mới thì nói khó làm - Gặp một hình thức mới thì bảo chưa thấy bao giờ, ngán ngại, không đáng tin - Trông cửa tiệm thì cho là không tự do - Khuyên tìm cách khởi nghiệp thì lại than quá khó - Nói, nghĩ thì nhiều hơn các chuyên gia, nhưng làm thì lại ít hơn bất kỳ ai khác - Ngay các thứ đơn giản mà bạn không dám làm, thì bạn làm được gì đây? Cứ chờ đợi, hoài mong! Chờ đợi chỉ mang lại sự tiếc nuối, ở xã hội này có hàng tỷ người chết vì sự chờ đợi...".

Dẫn chứng của nhà tỷ phú quá chính xác. Đời là một cuộc đấu tranh liên tục, cái mới luôn luôn sinh sôi, phát triển, nó luôn được cải biên với những khó khăn mới và người chiến thắng bao giờ cũng phải trả giá. Sự thông minh hoặc những tư chất bẩm sinh vẫn chưa đủ, người muốn đạt được những ước mong phải trải qua một quá trình lao động cật lực, phải dám hy sinh nhiều ngày để đổi lấy một ngày - ngày đứng trên bục vinh quang, ngày mang lại sự tươi sáng cho cả cuộc đời. Không ai có thể chọn nơi để sinh ra, nhưng có thể chọn được cách để sống và rất nhiều người đã thoát khỏi cảnh bần hàn hoặc thực hiện được hoài bão "băng rừng, xẻ núi", nhờ ý chí, nhờ nghị lực của chính bản thân. Thực tế, không có hoàn cảnh tuyệt vọng, chỉ có những người tuyệt vọng khi đứng trước những khó khăn mà thôi. Đời bày ra trước mắt chúng ta biết bao thứ hấp dẫn, lợi lộc nhưng không để cho chúng ta hái lượm, chiếm đoạt một cách dễ dàng. Chúng ta muốn được cái hay, cái tốt, cái đẹp, thậm chí cái sang trọng, cao quý thì phải bước qua những hành trình gian nan, và hành trình ấy dài hay ngắn lại do sự mài sắc ý chí, tinh thần tự lực. Nguyễn Bá Học có nói một câu rất dễ hiểu, dễ nhớ: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông", Rosevelt thì lại phát biểu sâu xa: "Trong đời có điều tệ hại hơn thất bại là không dám thực hiện".

Tại sao người nghèo lại càng nghèo? Cái sự nghèo mênh mông lắm, khó có con số chính xác để định bao nhiêu phần trăm trong số 8 tỷ người lúc nhúc trên mặt đất, khó có một quy chuẩn đồng nhất để xếp loại ai thuộc diện đói nghèo và cũng khó mà san bằng được khoảng cách thu nhập của các giai tầng trong xã hội. Mục đích của người viết bài này nhằm hướng tới những điều tốt đẹp hơn, nhất là với những bạn trẻ sắp bước chân vào đời hoặc đang tìm cách khởi nghiệp, với lời khuyên của Stephen Hawking, nhà vật lý, vũ trụ học người Anh: "Dẫu cuộc đời có khó khăn thế nào, vẫn luôn có một việc gì đó bạn có thể làm và làm thành công". Trong sự đúc kết của Jack Ma, ông nhấn mạnh, trong xã hội có rất nhiều người chết vì sự chờ đợi (nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), thời gian trôi nhanh, sự chờ đợi chỉ mang lại niềm tiếc nuối. Ta phải hành động, phải có niềm tin, làm việc với sự kiên nhẫn và trách nhiệm, không có sự chờ đợi mông lung nào mang đến cho ta những thứ ham muốn, nhất là cuộc sống an vui và hạnh phúc.

Câu chuyện về người nhà giàu và hai kẻ làm thuê kể trên, là một dẫn chứng sinh động về sự biếng nhác, ngại khó, ngại khổ, làm việc thiếu trách nhiệm, không khác gì câu nói của ông Lý Tiễn Sơn, người góp phần quan trong trong sự phát triển của tập đoàn địa ốc Khang Điền: "Người có chí tìm đường tiến, kẻ yếu chí bàn đường lui!". Không cần phải đưa những hình ảnh quá xa xôi, to tát như ông Jack Ma, xung quanh cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều những tấm gương đi lên từ hai bàn tay trắng, thành đạt trong nhiều lãnh vực, ngành nghề, họ thay đổi cuộc đời một cách ngoạn mục mà không phải do một sự may mắn nào cả.

Có thể nhắc lại tấm gương bà Nguyễn Thị Dậu, chủ cơ sở chế biến thực phẩm Như Lan (đương Hàm Nghi, quận 1), một thương hiệu nổi tiếng từ lâu trên đất Sài Gòn. Nhà nghèo, 14 tuổi đã đi gánh nước mướn, vô chợ lượm la-ghim người ta vạt bỏ, cắt tỉa lại bán cho dân nghèo để kiếm tiền mưu sinh. Có chút vốn mở xe bán bánh mì và năm 24 tuổi đã dám thuê ngôi nhà to đùng ngay trung tâm Sài Gòn mơt tiệm bán bánh mì và các món ăn bình dân, từ làm việc đơn lẻ, bà dần có trong tay vài chục rồi vài trăm người giúp việc, nâng cao khả năng hoạt động và uy tín của ngành nghề.

Từ một cô gái ngụp lặn trong vòng xoáy của nghịch cảnh, giờ bà đã trở thành một doanh nhân có số tài sản kếch xù, được nhiều người trọng vọng. Từ một gia đình thiếu ăn, thiếu mặc, giờ bà thấu cảm, mang nhiều tiền của ra chia xớt cho người nghèo, đóng góp vào các chương trình phúc lợi của quốc gia... Đừng nhìn vào ánh hào quang sáng chói hiện tại để thấy... ước vọng xa vời, mà ta hãy nhìn vào quá khứ để nhận ra bà đã vượt qua dòng sông giông tố như thế nào - hoàn cảnh mà nhiều người đã buông xuôi để nước nhấn chìm. Để đến cái tuổi thất thập cổ lai hy, người đàn bà cả đời chỉ biết miệt mài lao động ấy cũng phải thốt lên rằng, đến tuổi này rồi mà ông trời vẫn còn thử thách.

Khi đặt chân và trải nghiệm trên đất Sài Gòn, có người đã "thở than" thành phố này "hoa dành cho người giàu, lệ dành cho người nghèo!". Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ, dễ sinh sống, nhưng không phải ai lập thân, khởi nghiệp đều thành đạt, giàu có cả. Lệ hay hoa đều do tự thân mỗi người gieo xới, vun trồng mà ra, mùa đông sẽ chết trong giá buốt nếu như mùa hè cứ mãi nghêu ngao ca múa như lũ ve. Trên mặt đất này, không có nơi nào được gọi là thiên đường, những quốc gia giàu có như Mỹ quốc cũng có không ít người ở trong thùng xe, ngủ trên vỉa hè, Nhật Bản cũng phải tổ chức trợ cấp thức ăn cho người vô gia cư, thất nghiệp trong những ngày chống dịch Covid-19.

Cây xương rồng sống trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc mà nó còn nở hoa - đó là hình ảnh mà ta nên cùng suy ngẫm!

Sài Gòn, 2-9-2021

Bình luận (0)

Lên đầu trang