Khó khăn chồng chất
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT hôm 9-9 về công tác khai giảng năm học mới, theo đó tình hình dạy và học trực tuyến rất khó khăn, đặc biệt ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hầu hết các địa phương tập trung ưu tiên dạy học cho các lớp cuối cấp (lớp 9, lớp 12); cấp 1, đặc biệt là lớp 1 học trực tuyến rất khó khăn. Trong khi đó không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non.
Bộ GD-ĐT liệt kê những khó khăn chồng chất trong việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay, trong đó khó khăn lớn nhất là đường truyền Internet chất lượng rất kém, vào giờ cao điểm bị nghẽn liên tục, kể cả ở các thành phố lớn, làm gián đoạn việc học. Đặc biệt rất nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, đó là khó khăn rất khó khắc phục nhanh được.
Tại TPHCM, thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến...
Cũng theo báo cáo này: "Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó một số tỉnh thành dời ngày khai giảng để chuẩn bị... Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn".
Học sinh lớp 1, 2 học trực tuyến trên mạng
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra thực tế nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, thời gian tiết học dài, làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh, chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là phải tinh gọn, chỉ đưa vào bài giảng những kiến thức cốt lõi truyền đạt cho học sinh.
Câu chuyện của phụ huynh
Dưới đây là câu chuyện của phụ huynh Cao Xuân Tâm, có con vào lớp 1, ghi lại buổi học online đầu tiên của con mình ở trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Bình Thạnh, TPHCM, trong khi em học sinh này đang ở thị xã Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tránh dịch, ở với ông bà ngoại: "Buổi học đầu tiên của "sinh viên chữ to". Mẹ hướng dẫn từ xa cài đặt 3 ngày mới vô được (may là có bà chị học lớp 4 thích ôm điện thoại nên cũng nhạy công nghệ!)
"Sáng nay thì mạng lại quá tải, trò la í ới, cô la í ới... Các bạn nhỏ lâu lâu lại kêu toáng lên: "Cô ơi, cô đâu rồi?". Bạn thì mè nheo: "Chừng nào xong vậy mẹ?". Cô thì gọi tên học sinh, một hồi thì không có bạn nào trả lời, hồi thì các bạn cùng đồng thanh hét lên "con chào cô..., con chào cô!". Lâu lâu lại xen lẫn tiếng phụ huynh nhắc nhở con. Ông bà thì "xin phép cô, cháu đang ở với ông bà, ông bà cũng không rành máy tính...". Nguyên buổi sáng cô trò vẫn chưa bắt đầu được bài học mới, dù cô đã soạn bài rất kỹ và sẵn sàng lên lớp.
"Đối với các mẹ không muốn con học trước, chờ vô lớp 1 học chung với cô và bạn, thì thời gian học online này không biết các bé có thể đọc và viết được không? Sẽ là áp lực rất lớn cho cả cô và bé khi quay trở lại trường.
"Thiệt là thương, con mình tránh dịch, ông bà ngoại ở quê thì nguyên buổi sáng ngồi bên cạnh để theo dõi cháu học, ông bà nội thì tiếp tế lương thực!
"Tuần sau cả 2 con mình đều học online thì không biết đường truyền có chịu nổi không? Mong cho qua con trăng này cho các con được đến trường với các bạn"...
Còn phụ huynh khác thì cảm thán: "Buổi học đầu tiên của "chàng sinh viên năm thứ nhất... Sau khi meet, zoom..., lớp học kết thúc sau 40 phút. Lý do: Lỗi mạng!".
Một buổi học online của các em lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh
Một phụ huynh khác: "Ngày "khai mặt" đầu tiên của "chàng sinh viên lớp 1"... Hứa hẹn 1 năm tóc mẹ sẽ bạc thêm...
Một phụ huynh khác: "Bé nhìn cô giáo qua màn hình hét lên: "cô giáo mẹ ơi!"... và rồi nó loay hoay bấm bấm cái gì đó, màn hình chuyển qua nội dung khác, bé hét lên "máy hư rồi mẹ ơi!"...
Chắc chắn một điều, các bé học online lớp 1 không thể học một mình. "May" mà đang giãn cách, nhiều phụ huynh ở nhà nên còn ngồi bên cạnh học với con, nếu sau này bố me đi làm, chuyện học online như vô phương với trẻ lớp 1!
Bộ GD-ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn các yêu cầu tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng trên truyền hình các môn học các lớp 1, 2 và 6.
Tăng cường dạy thêm trên truyền hình
Để khắc phục những khó khăn trong việc dạy trực tuyến với các khối lớp 1, 2, từ ngày 13-9, học sinh lớp 1, 2 sẽ học môn Toán và Tiếng Việt trên Đài Truyền hình TPHCM, để bổ sung kiến thức cho việc học trực tuyến trên lớp. Toàn TPHCM năm học 2021 - 2022 có gần 700.000 học sinh tiểu học tham gia học trực tuyến.
Đây là chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đài Truyền hình TPHCM sản xuất, phát mỗi ngày 3 lần trên HTV Key vào lúc 9h, 15h và 20h. Theo Sở GD-ĐT, sở chọn các thầy cô giảng bài là những giáo viên kinh nghiệm, giỏi chuyên môn để lên lớp.
Lịch học cụ thể: Lớp 1 học vào thứ hai, tư, sáu; lớp 2 học thứ ba, năm, bảy. Cơ cấu chuonwg trình học cho một buổi học gồm hai bài Tiếng Việt, một bài Toán, mỗi bài 20 phút, cũng có thời gian nghỉ giữa môn. Ngoài ra phụ huynh, học sinh có thể xem lại bài học trên kênh Youtube "Ôn bài".
Trong khi đó, các quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng đã bắt đầu triển khai cho giáo viên tiểu học có năng lực tốt ghi hình bài giảng, chủ yếu là môn Tiếng Việt và Toán, đưa lên website trường, để phụ huynh học sinh theo dõi, giúp con em học trực tuyến tốt hơn.
Bao giờ học sinh được đến lớp?
Bao giờ học sinh TPHCM trở lại trường học trực tiếp là câu hỏi nhiều phụ huynh qua tâm. Ngày 9-9, Sở GD-ĐT TPHCM đã có tờ trình gửi Thường trực UBNDTP về phương án mở cửa trường học trở lại tại các địa phương được xác định an toàn phòng chống dịch Covid-19. Theo một cán bộ Sở GD-ĐT, đề xuất trên là để chuẩn bị, "đón đầu" và cho rằng việc mở cửa trường học hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của TP.
Theo đề xuất này, việc mở cửa trường học khi các địa phương phải được xác định là an toàn trong phòng chống dịch Covid-19; các cơ sở giáo dục phải được đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học của Bộ GD-ĐT. Riêng giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Việc học trực tiếp dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh.
Dù có thể đi học trực tiếp nhưng văn bản trên cũng đề xuất các trường vẫn tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình song song với việc học trực tiếp tại lớp học.
Tại TPHCM, hiện học sinh các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên đã bắt đầu học trực tuyến từ ngày 6-9. Riêng học sinh tiểu học đến ngày 20-9 mới chính thức học online. Ngành GD-ĐT TPHCM đã xác định việc học trực tuyến sẽ kéo dài ít nhất hết học kỳ 1. Riêng với khoảng 340.000 trẻ mầm non vì phải học trực tiếp nên chưa khai giảng và cũng chưa thể biết thời gian khai giảng năm học mới.
Theo phương án này, Sở GD-ĐT giao cho từng trường xây dựng phương án đi học lại căn cứ vào điều kiện thực tế; ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp 5, 6, 10, tùy vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của TP.
Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh theo phương án "3 tại chỗ" để có thể dạy học trực tiếp.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, việc lên phương án mở cửa trở lại cho các ngành nghề hoạt động, phục hồi kinh tế thì cũng cần tính toán cho học sinh quay lại trường, để giúp người lớn yên tâm đi làm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Vấn đề cơ bản nhất hiện nay với TPHCM và các địa phương khác là các giáo viên và nhân viên nhà trường phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới đảm bảo công tác phòng dịch.
Với học sinh trên, tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc vào cuối tháng 8, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế tìm nguồn vaccine tiêm cho trẻ em để trẻ có thể được đến trường. Được biết từ giữa năm 2021, Bộ Y tế đã có cuộc họp với nhà sản xuất vaccine Pfizer và đã đạt được thỏa thuận Pfizer bán thêm cho Việt Nam trên 20 triệu liều Pfizer dành cho trẻ em. Như vậy, 9 triệu trẻ từ 12 đến 17 tuổi sẽ được tiêm chủng sớm nhất từ khoảng tháng 10 tới, nếu chậm hơn, có thể vào tháng 11 - 12 tới.
Điều đó cũng có nghĩa là sớm nhất đến cuối năm nay mới hy vọng học sinh các địa phương mới được đến trường học trực tiếp.