Lý Sơn - sừng sững, hiên ngang

Chủ Nhật, 01/12/2024 11:57

|

(CATP) Tôi thức đợi trăng. Trăng lên, biển đêm lung linh ôm lấy đảo Lý Sơn. Màn đêm buông xuống Lý Sơn, lung linh như ngọn hải đăng giữa trùng khơi. Gió biển thổi ào ạt, lay mạnh hoa bàng vuông đang vào mùa nở rộ rung rinh, sóng sánh trong đêm. Lý Sơn là một trong những hòn đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi. Quê hương của những đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ghi dấu những chiến công oanh liệt. Họ đã dựng bia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Đã hơn 300 năm trôi qua, biết bao nhiêu người con Lý Sơn đã vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa thiêng liêng. Họ để lại nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi cho thế hệ sau những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên, không người. Hòa lẫn trong màu biển đêm là những gương mặt sạm đen vì nắng gió của người lính biển. Những người lính già sau bao năm chinh chiến trên biển cả quay về với quê hương, sống trong hoài niệm.

Tôi tận Miền Nam. Quanh năm, tôi chỉ quen với cuộc sống ở đất liền. Tôi lân la đến gặp những cụ cao niên để tìm hiểu thêm về ý nghĩa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ông Lợi tuổi ngoài 80, trông rất tinh anh và nhanh nhẹn. Tiếp tôi, ông vẫn giữ nguyên vẹn khí chất của người con trai miền biển. Ông được mệnh danh là ông đồ Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ông chính là hậu duệ của đội trưởng hải đội Hoàng Sa vào cuối thế kỷ XIX.

Tượng đài Hải đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (ảnh S.T)

Trầm ngâm khá lâu, ông Lợi giọng lanh lảnh khi nhắc đến lính biển: "Năm ấy, Bộ Công tâu lên vua Minh Mạng - Bổn quốc hải cương Hoàng Sa, tối thị hiểm yếu. Vai trò chiến lược của quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Cho nên ngay sau đó, vua Minh Mạng lập đội hùng binh Hoàng Sa xác lập chủ quyền". Ngồi cạnh ông Lợi, một vài cụ ông tỏ ra am hiểu tiếp lời: "Khoảng đầu thế kỷ XVII, đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đời tại nơi này, tức làng An Vĩnh và làng An Hải. Nhà Nguyễn quy định mỗi năm có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh, khả năng bơi lội giữa biển như đi bộ trên bờ. Họ được bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải". Đêm hôm đó có nhiều anh lính trẻ ngồi cạnh tôi, cạnh ông Lợi tỏ ra thích thú. Họ tự hào mình là lính hải quân của thế hệ ngày nay tiếp bước cha ông.

Ông Lợi cứ phấn khởi: "Đến đầu thế kỷ XIX, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Trong khi đi biển thì gặp sóng dữ bão lớn, những chuyến ra khơi của họ thực thi nhiệm vụ, xem như một đi không bao giờ trở lại". Không khí quanh tôi, nhuộm buồn theo giọng trầm bổng của ông Lợi, mọi người ai cũng hướng mắt về biển. Biển đêm một màu đen như mực, vắng lặng nhưng vẫn ầm ầm sóng vỗ. Ông Lợi ngồi ưu tư. Một cậu lính trẻ như phá vỡ bầu không khí: "Nhiệm vụ của họ có giống cháu bây giờ không thưa bác?". Ông Lợi đưa tay gạt ngang giọt mồ hôi lăn trên trán, ôn tồn: "Cũng có thể gần giống như các cháu! Nhiệm vụ của họ là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Cứ lênh đênh trên biển cả cùng với chiếc thuyền câu, thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn, các cháu thấy có phải cái chết luôn cận kề không? Mà chết ở biển, đồng nghĩa với việc lấy lòng biển sâu thăm thẳm làm nơi mai táng". Ông cụ ngồi cạnh tiếp lời, giọng đượm buồn: "Chính vì vậy, các hải binh ngày ấy trước khi ra biển, thường trang bị cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu...".

Tác giả trên bãi biển Lý Sơn

Tôi ngầm hiểu, những người lính biển thời đó khi làm nhiệm vụ gặp gian nan trăm bề so với ngày nay. Nếu hy sinh, đồng đội sẽ dùng chiếu bó thi hài họ lại, gắn chiếc thẻ có khắc tên họ vào manh chiếu rồi thả xuống biển. Họ cầu mong thân xác đồng đội của mình được sóng biển đánh trôi dạt vào bờ, vào đất liền. Nhờ chiếc thẻ, người trên bờ biết tên họ và quê quán của người hy sinh để báo cho gia đình. Đột nhiên, ông Lợi ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: "Vì vậy, các tộc họ ở Lý Sơn hàng năm đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, qua đó như muốn nhắc cho con cháu biết công lao của tổ tiên, để con cháu noi gương bám biển, giữ gìn chủ quyền biển đảo".

Mờ mờ sáng, tôi nôn nao chờ đợi dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ông Lợi đến dự lễ còn sớm hơn cả tôi. Nét mặt căng thẳng, vui buồn lẫn lộn, tôi hiểu ông rất xúc động. Ông Lợi tranh thủ đưa tôi đi viếng mộ của hùng binh Hoàng Sa. Đứng bên những ngôi mộ gió, đứng sừng sững, hiên ngang, tôi rơi nước mắt. Vì đây chỉ là những ụ cát nhỏ có hình thang cân, thấp bé nằm rải rác, ẩn mình trong những thửa ruộng trồng hành trồng tỏi bạt ngàn. Tôi quan sát, phía đầu ngôi mộ thường hướng mặt vào đất liền, đa số được đánh dấu bằng một hòn đá đen nhỏ thay cho văn bia. Tùy vào độ tuổi, địa vị, thâm niên trong nghề đi biển, mộ gió âm binh Hoàng Sa có kích thước, độ lớn nhỏ khác nhau. Người dân nơi đây gọi đó là những ngôi mộ gió chiêu hồn. Với người dân trên đảo, hình bóng của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, mãi mãi nằm lại với biển cả, nhưng linh hồn vẫn trở về với đất mẹ Lý Sơn. Thường thường, người dân xứ đảo thống kê danh sách những người đi lính Hoàng Sa không về, họ lập nên những hình nộm để cúng bái. Sau đó, họ sẽ lập những nấm mộ gió để đưa linh hồn người chết về yên nghỉ. Ông Lợi còn cho tôi biết, trên đảo Lý Sơn có 13 dòng tộc có người đi lính Hoàng Sa.

Tạm biệt ông Lợi, tôi cùng đoàn quay về đất liền. Bước đi thật xa, ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy ông vẫn đứng dõi theo chúng tôi. Tôi hy vọng chuyến sau ra thăm đảo, dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, ông sẽ là người bên cạnh chúng tôi. Ông sẽ chia sẻ cho chúng tôi biết thêm, những chuyện về lính biển.

Bình luận (0)

Lên đầu trang