(CATP) Hầm thùng là mái ấm của lính chúng tôi, gắn liền tình cảm của những người sống chung trong đó. Giống như một gia đình, chúng tôi nhường nhịn nhau, người đi trước chỉ bảo người đến sau, coi nhau như anh em ruột thịt...
Mãi đến cuối năm 1979, sau khi đánh xong Căn cứ Anlong Veng, đơn vị tôi trở về Choam Sere lập doanh trại. Từ khi tiến quân vào đất Campuchia, chúng tôi hành quân liên miên không ở một nơi nào cố định, toàn lấy võng làm giường, căng tăng thay mái nhà, nơi ăn chốn ở đều tạm bợ. Nay về đây lập doanh trại, tưởng rằng lập doanh trại sẽ "dễ thở" hơn đánh giặc, nào ngờ cực kỳ vất vả, tất cả đều do mồ hôi, công sức và bàn tay của những người lính làm nên, kể cả các sĩ quan như Bọ Lực và ông Phú Râu là cán bộ tiểu đoàn cũng trần trùng trục chặt cây đào đất để có được mái ấm che mưa, trú nắng và tránh được cả tầm đạn của quân thù.
Cũng may trong đơn vị có các đàn anh là lính nhập ngũ năm 1974, 1976 từng có kinh nghiệm làm mẫu nên từ đó chúng tôi học mót làm theo. Nhà hầm hay còn gọi là "hầm thùng", được chúng tôi đào sâu xuống khoảng 1 mét hoặc mét rưỡi. Nếu đào được nơi đất thịt hoặc đất cát pha còn đỡ..., gặp phải đất sỏi gan gà hoặc đá tổ ong thì thật khốn khổ, bổ nhát cuốc chim tóe lửa, mồ hôi đổ xuống mặt nhễ nhại, dùng xẻng xúc mà đất cứ lục cục như muốn nhảy ra khỏi xẻng.
Rất may tiểu đội tôi được phân công canh giữ tù binh, chúng tôi tận dụng họ thành rô-bốt đào đất chuyên nghiệp nên công việc trở nên thuận lợi hơn.
Phần nền đã đào xong, lại phải đầm cho nhẵn lỳ. Khi hoàn tất lại phân công nhau chặt cây dựng cột, buộc kèo. Khổ nhất làm phần kè hầm, chúng tôi chặt những cây to nhất khoảng một người ôm hoặc lớn hơn khiêng về hè nhau chồng lên cao khoảng 1 mét rồi xúc đất đắp lên, biến thành bức tường đất cốt gỗ vững chắc để tránh đạn thẳng của địch. Phần trên chúng tôi chặt cây nhỏ hơn xếp đều ken kín, buộc thật chắc để tránh đạn cối hoặc đạn M79.
Khi hoàn tất phần tránh tầm đạn địch, lúc này mới buộc rui mè, cắt tranh đan thành tấm... lợp lên phần nóc để tránh gió mưa. Có những đơn vị bộ binh như C7 hoặc C6 còn kè gỗ lớn trên đỉnh nóc nhà hầm rồi khiêng đất đổ lên đầm nện rất kỹ lưỡng. Khi hoàn tất trở thành những chiếc lô-cốt bằng đất nện vô cùng vững chắc, nhìn từ xa giống như các kim tự tháp giữa rừng Khme.
Ở tiểu đội tôi phần lớn lính cũ là người miền Trung, anh nào cũng khỏe mạnh, trước đây họ là những nông dân quen việc lao động vất vả nên việc dựng nhà, đánh tranh đan cót, đào đất... họ đều làm băng băng. Nổi bật nhất là Khoa - người Quảng Ngãi, một thanh niên khéo tay tháo vát, như một thợ cả trong tiểu đội, mọi công việc dựng nhà làm hầm thùng, thiết lập công sự, làm hàng rào chống B40 đều do một tay Khoa thiết kế. Chúng tôi thường thực hiện theo kế hoạch của anh. Chúng tôi: Đức Cầm, Trần Hải, Khánh Xếch là những học sinh mới rời ghế nhà trường khoác áo lính làm sao rành việc bằng Khoa, Hồng, Thanh, Lựu... Ấy vậy mà chỉ cần mấy lần di chuyển, vài lần dựng nhà, chúng tôi cũng biết làm hết những công việc này, thậm chí còn sáng tạo hơn, đẹp hơn và vững chắc hơn, thế mới biết quân đội như một trường đại học "tổng hợp" rèn luyện cho những người lính hiểu biết và được trưởng thành hơn lên rất nhiều.
Căn hầm thùng đã xong, lại làm đến phần "nội thất" là chặt tre làm giường, bàn ăn, giá để ba-lô, giá súng, rồi bếp cải thiện... cả một núi công việc.
Nằm trong "hầm thùng" có cảm giác yên tâm. Nhiều lần bị địch tập kích vào doanh trại nhưng không hề thương vong. Có những lúc kiểm tra thân kè vết đạn băm lỗ chỗ như tổ ong, có cả hố đạn B40 to như mũ cối, ấy vậy mà trong hầm lính vẫn an toàn, đủ thời gian vận động ra chiến hào mà chẳng ai bị "sứt mẻ gì”.
Bên trong hầm được thắp sáng bằng những ngọn đuốc cà boong kín đến nỗi bên ngoài không hề phát hiện ra, có điều sáng sớm bước ra, mặt mũi anh nào cũng đen sì vì muội của đuốc bám vào mặt, lại nhìn nhau cười sằng sặc. Và cũng lắm phiền toái, nhất là vào mùa mưa, nước theo rễ cây chảy xuống hầm, đang ngủ thấy ướt lưng, cả bọn hô nhau tát..., khi cạn thì trời cũng vừa hửng sáng.
Hầm thùng là mái ấm của lính chúng tôi, gắn liền tình cảm của những người sống chung trong đó. Giống như một gia đình, chúng tôi nhường nhịn nhau, người đi trước chỉ bảo người đến sau, coi nhau như anh em ruột thịt.
Tiểu đội chúng tôi gồm từ 8 đến 10 chiến sĩ ở chung một căn nhà hầm, nhưng cũng không phải lúc nào cũng tập trung đầy đủ, chúng tôi thường chia nhau đi phục kích, truy quét rồi phối thuộc với các đơn vị khác, nên ở nhà nhiều lắm cũng chỉ có khoảng 4 - 5 người. Những lính ở doanh trại ngoài việc của đơn vị giao cho như đào hào, canh gác còn phải lo việc riêng của tiểu đội như chăm bón vườn rau, giàn bí, cho đàn gà ăn uống đầy đủ... Cứ thế cho đến lúc đi ngủ cũng không hết việc.
Những căn "hầm thùng" là hình ảnh quen thuộc đối với lính bộ binh chúng tôi, khi truy quét lâu ngày ở rừng, chúng tôi ai nấy đều mang tâm trạng nhớ nhà, nhớ hầm thùng, khi trở về đơn vị chỉ muốn nhanh chóng được trở về nơi ấy - căn nhà thân yêu của chúng tôi gắn bó như gia đình, được vui đùa bên nhau và càng thêm ấm lòng khi cùng quây quần bên mâm cơm dưới mái hầm che chở.
NGUYỄN TUẤN (Cựu chiến binh E29, F307)