(CATP) Trong khi cả nước đang thực hiện "bình thường mới" sau đợt dịch Covid-19 lần 4 khốc liệt thì tại một số địa phương đang xảy ra việc loạn app để khai báo y tế (KBYT) lẫn tình trạng "phép vua thua lệ làng", đi ngược lại các văn bản pháp quy của Bộ Y tế (YT) thống nhất trên cả nước và hiểu sai Nghị quyết (NQ)128 của Thủ tướng về việc thích nghi an toàn trong tình hình mới, không được "cát cứ".
MỖI NƠI MỘT KIỂU
Thời gian qua, nhiều người ở TPHCM có công việc phải ra miền Trung, lên Tây nguyên hay xuống miền Tây đều phải mất rất nhiều thời gian KBYT bằng giấy hoặc loay hoay tải app mới.
Chiều 19-12, chúng tôi xuất phát từ Ga Sài Gòn, 4 giờ sáng tàu đến ga Diêu Trì (Bình Định). Nhiều hành khách đã khai phần mềm di chuyển nội địa PC-Covid (theo quy định của Bộ YT) và phiếu tiêm 2 mũi từ tháng 8-2021, cẩn thận chụp lại màn hình để nhân viên (NV) công vụ kiểm tra. Nhưng mới bước xuống ga, chúng tôi rất bất ngờ khi phải KBYT bằng giấy, ai chưa có giấy xét nghiệm (XN) nhanh thì phải test lại. Thế là cảnh nháo nhào mượn bút để khai lại diễn ra, thay vì chỉ cần quét mã QR tiện lợi, lại tránh được nguy cơ lây nhiễm.
Nhiều hành khách đến từ TPHCM nơi có cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình) nhưng khi vào Bình Đinh đều phải test (miễn phí) tại chỗ thì mới được ra khỏi cổng ga, ai có giấy test nhanh trong 72 giờ thì đi tiếp. Thế là du khách buộc phải làm theo quy định của tỉnh này dù theo thông báo số 4800 của Bộ YT là không test cho người về từ vùng 1,2 mà chỉ test cho khách đến từ vùng 3 hoặc 4 nếu có triệu chứng sốt, ho... Về đến nơi cư trú, mọi người đều phải ra trạm y tế (TYT) phường KBYT lần nữa trên bản giấy!
Báo CATP từng có bài phản ánh chốt đèo Chuối (TT.Mađaguôi, H.Đạ Huoai), cửa ngõ phía nam của tỉnh Lâm Đồng chỉ sử dụng phần mềm Vietnam Health Declaration vào đầu tháng 11 vừa qua và bắt buộc KBYT bằng giấy, gây bức xúc cho du khách từ TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh... khi có việc lên TP. Đà Lạt. Ngay sau đó, chính quyền tỉnh này đã quyết định bỏ KBYT bằng giấy, nhưng chốt kiểm soát (KS) trên hiện vẫn còn quá nhiều bất cập. Khi từ TPHCM lên Đà Lạt mới đây, nhiều người đã KBYT sẵn bằng phần mềm Vietnam Health Declaration, nhưng chốt này không dùng app trên mà chuyển sang app... PC-Covid! Hành khách tuân thủ quy định này, chụp lại màn hình, đề nghị NV công vụ dùng máy quét để thông tin của du khách được truyền qua máy tính. Nhưng thật đặc biệt, một số nữ NV lại đòi phải xem trên app, trong khi mạng chạy như rùa!
Ngoài Lâm Đồng, một số tỉnh, thành khác cũng còn KBYT bằng giấy. Khi vào TP. Vũng Tàu và TP. Nha Trang, du khách phải khai phần mềm VNEID, chứ không phải PC-Covid...
CỤC BỘ ĐỊA PHƯƠNG
Trưa cuối tuần qua, một số du khách từ TP. Đà Lạt trở về TPHCM đã ghé quán bún bò ở huyện Đức Trọng để mua về ôtô ngồi ăn. Chủ quán hỏi rất kĩ khách từ đâu đến, khi người mua trả lời từ TPHCM, bà này lập tức xua tay không bán vì sợ… lây bệnh! Tương tự, nhiều hàng quán ở TP. Đà Lạt cũng không nhận khách từ TPHCM, nhất là khi họ trông thấy biển số xe từ các tỉnh Đông Nam bộ. Mới đây, chính quyền địa phương phải vận động để chủ quán ăn tự tháo dỡ các biển báo mang tính kì thị. Tại Hà Nội, khi một số du khách từ TPHCM ra có công việc, vào một số quán ăn, chủ quán cũng xua tay không bán vì sợ lây bệnh.
Vẫn biết các tỉnh, thành đang tăng số ca F0 song theo NQ128 của Chính phủ thì cần phải linh hoạt thích ứng, nghĩa là chỉ có người từ vùng đỏ (cấp độ 4) thì mới KS chặt bằng giấy tờ, kiểm tra giấy test nhanh. Riêng TPHCM chỉ là vùng vàng (cấp độ 2) thì công dân (tất nhiên là không bị F0) phải được đảm bảo tự do đi lại theo quy định của Bộ YT.
Người dân TPHCM đã trải qua 5 tháng chống dịch kiên cường, là địa phương đã bao phủ 2 mũi vắc xin sớm và nhiều nhất nước, việc đi lại các tỉnh thành để phục vụ công việc, thăm người thân là quyền lợi chính đáng của người dân TPHCM. Tuy nhiên, một số nơi vẫn e dè, ngại tiếp xúc, không bán hàng cho du khách TPHCM dù họ đã tiêm đủ vắc xin, đã test nhanh an toàn. Trong khi đó, người dân TPHCM đóng góp 1/3 ngân sách, có mặt trên từng nẻo đường từ thiện khắp các vùng miền, đồng cam cộng khổ với mọi vùng quê bị thiên tai lũ lụt.
Ông bà ta nói "môi hở thì răng lạnh", trong khi Sài Gòn "ngã bệnh" thì cả nước đã chung tay để chiến thắng dịch Covid. Thành quả này là kết tinh của tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, chỉ tiếc là một số nơi còn rất ấu trĩ sợ dịch mà đánh mất đi tình êu thương, sự gắn kết ấy.