(CAO) Đây là trường hợp bé gái 7 tuổi, bị teo đường mật đã mổ Kasai lúc 2 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau mổ em nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách.
Năm 2020 em xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu và tiêu phân đen) 2 lần. Em suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng, thường xuyên chảy máu mũi.
Ngày 1/12/2021 Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng với Bệnh viện Đại học Y Dược đã tiến hành phẫu thuật ghép gan cho bé từ người cho là cha của bé tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đây là ca ghép gan thứ 15 của Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Đây là ca ghép gan thành công đầu tiên của Bệnh viện Nhi Đồng 2
Công tác chuẩn bị, phối hợp nội viện và liên viện được thực hiện tốt để hoàn thành tốt cuộc phẫu thuật lấy và ghép gan cho bệnh nhi. Mặc dù có nhiều khó khăn trong phẫu thuật ở bệnh nhi do dính quá nhiều, nhưng diễn tiến trong và sau mổ khá thuận lợi và cho kết quả thành công ban đầu.
Người cho gan, ba bé đã xuất viện sau mổ 1 tuần và người nhận gan ăn uống tốt, chơi vui vẻ cùng mẹ và các cô. Gan ghép đã được chấp nhận và hoạt động như một gan bình thường giúp bệnh nhi thay đổi từng ngày và dự kiến xuất viện cuối tháng 12/2021.
Bé ổn định sức khỏe sau phẫu thuật
Bé hiện ăn uống tốt và chơi vui vẻ cùng mẹ và các cô
Phẫu thuật ghép gan được xem là phẫu thuật khó, nhưng đó là phẫu thuật điều trị hữu hiệu cho bệnh gan giai đoạn cuối.
Để thực hiện phẫu thuật này cần một đội ngũ nhân viên rành nghề với nhiều chuyên khoa khác nhau: Phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức, nội khoa gan mật, điều dưỡng, điều dưỡng...
Bệnh gan giai đoạn cuối khi bệnh nhi có nhiều biến chứng phải nhập viện nhiều lần và người thân mất công, mất việc khiến gia đình bệnh nhi dần suy kiệt. Vì vậy, các chính sách cho bệnh nhi ghép gan là rất cần thiết và sự hỗ trợ từ cộng đồng là không thể thiếu được. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 hi vọng rằng, từ trường hợp thành công có nhiều ý nghĩa này, nhiều và thật nhiều bệnh nhi bệnh gan giai đoạn cuối sẽ được cứu sống hơn nữa.