(CATP) Nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Hòa thượng Thích Pháp Lan - trụ trì chùa Khánh Hưng, Quận 3, Sài Gòn khi đó, cùng nhiều trí thức tiến bộ và đồng bào tổ chức lễ truy điệu công khai tại chùa. Lễ kết thúc, đoàn người xuống đường biểu tình đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh...
Lễ truy điệu diễn ra trước mắt kẻ thù
Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào sáng 09/9/1969, tuy lặng lẽ nhưng hết sức đặc biệt. Trên bàn thờ, trụ trì chùa Khánh Hưng trang trí rất ý nghĩa: xung quanh bình hoa cắm bông trang đỏ, chính giữa là hoa điệp vàng, thể hiện màu cờ Tổ quốc. Mâm trái cây được xếp những trái xoài ở giữa, xung quanh là mận đỏ. Phía trên bàn thờ có bức trướng đề 4 chữ Hán: Quốc gia tối thượng, vừa tôn vinh Bác, vừa để qua mặt kẻ thù. Hai bên là hai câu đối may vào bức trướng: Nam Bắc toàn dân quy thượng chính/ Á Âu thế giới kính tu mi. Nếu xét theo nghĩa thông thường thì đây là một kiểu thờ cúng người có công với đất nước, kêu gọi người dân hướng về chính nghĩa và từ Á đến Âu đều kính trọng đấng mày râu.
Song, ẩn ý của hai câu đối trên chính là ở hai chữ cuối của mỗi câu. Nhằm qua mặt kẻ thù, hai câu đối được nhà sư dụng ý kỳ công, cho thấy đây là bức trướng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vế đầu kết thúc bằng chữ "chính", vế sau kết thúc bằng chữ "mi", "chính mi" nói lái lại là "Chí Minh".
Hòa thượng còn viết bài điếu văn và đọc trước bàn thờ Bác, bày tỏ lòng xúc động, đau xót trước sự mất mát lớn lao của dân tộc. Đề phòng bọn mật vụ, đọc xong, Hòa thượng châm lửa đốt. Lễ truy điệu kết thúc, đoàn người đổ xuống đường tổ chức thành cuộc biểu tình đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Bốn ngày sau, Tổng nha cảnh sát gọi Hòa thượng Thích Pháp Lan lên chất vấn. Trước lý lẽ sắc bén của Hòa thượng, bọn chúng đành phải trả tự do cho ông. Từ đó, chùa Khánh Hưng trở thành nơi tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị của các giới ở Sài Gòn. Bàn thờ làm Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay vẫn được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.
Bàn thờ làm Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM
Chùa Khánh Hưng (390/8 đường Cách Mạng Tháng Tám, Q3, TPHCM) được xây dựng vào năm 1900, mãi đến năm 1948 mới có trụ trì chính thức là nhà sư Thích Pháp Lan. Hòa thượng Thích Pháp Lan (1913 - 1994) tên thật Lê Hồng Phước là người uyên thâm Phật học, nhiệt tâm trong phong trào yêu nước suốt hai cuộc kháng chiến.
Có sự góp sức của cơ sở biệt động Sài Gòn
Thượng tọa Thích Thiện Tâm - hiện là trụ trì chùa Khánh Hưng kể, có một chi tiết cho đến nay vẫn không mấy người biết đến là tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra ở chùa Khánh Hưng năm 1969, gia đình ông Dương Văn Đức (bà Lê Thị Chọn - mẹ ông Đức) đã phụng cúng một chiếc đĩa cổ lớn để xếp trái cây, tôn trí trên bàn thờ Bác Hồ. Hiện chiếc đĩa vẫn đang được tôn trí, lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.
Vào thời điểm đó, ông Dương Văn Đức (bí danh Hai Diện) là chủ garage Tự Lực ở cách chùa Khánh Hưng một đoạn không xa. Garage Tự Lực khi đó là cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn. Đây là một trong những nơi liên lạc, bảo vệ cán bộ cách mạng ra vào đô thành. Garage này còn là cơ sở được lãnh đạo Biệt động thành và lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe hai đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu cho lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn.
Thượng tọa Thích Thiện Tâm cho biết thêm, sau Hiệp định Paris năm 1973, Hòa thượng Thích Pháp Lan là Chủ tịch Uỷ ban vận động phóng thích tù nhân chính trị. Lúc này, cơ sở ông Dương Văn Đức gắn bó với phong trào, ủng hộ vật chất và xe ôtô để chở quà vào nhà giam Thủ Đức và Tân Hiệp (Biên Hòa) để nuôi dưỡng các tù nhân cách mạng bị địch giam giữ. Ông Dương Văn Đức còn là Đoàn trưởng ngành sửa chữa ôtô và là thành viên nòng cốt trong các phong trào may cờ giải phóng, in truyền đơn kêu gọi đồng bào ủng hộ, chào đón đoàn quân giải phóng.