Người trồng chanh dây Bắc Tây Nguyên điêu đứng vì giống dỏm

Thứ Ba, 31/03/2020 09:37

|

((CAO) Mua phải giống chanh dây giả, kém chất lượng, bao nhiêu công sức, tiền của, cơ hội đã đầu tư vào vườn chay dây, đến khi thu hoạch chỉ cho lá, hoặc quả rất ít, đẩy nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Men theo những rẫy cây công nghiệp xanh ngút ngàn, chị Võ Thị Nhung (ngụ thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum) dẫn chúng tôi đi xem vườn chanh dây khoảng 1.000 gốc (1 héc-ta) trồng từ tháng 7-2019.

Trong khi các vườn chanh dây khác đã cho thu hoạch, thì vườn của gia đình chị Nhung lá toàn lá. “Đất ở đây rất tốt, trồng cà phê, bơ… đều cho năng suất cao. Các hộ khác trồng chanh dây ở đất này đều cho thu nhập cao”- chị Nhung nói.

Chị Nhung gần như mất trắng cả 2 vườn chanh dây vì mua giống dỏm

Ngoài vườn chanh dây 1 héc-ta này, mới đây, chị Nhung cũng cho phá bỏ 8 sào trồng chanh dây khác. Theo chị Nhung, gia đình mua phải giống kém chất lượng nên trồng không có quả, buộc phá để trồng lại. Giá mỗi cây giống chị Nhung mua tới 32.000 đồng/1 cây. Cứ mỗi héc-ta, gia đình đã bỏ hơn 200 triệu đồng để đầu tư, chưa kể công cán nhưng giờ không thu lại được gì.

“Trước khi trồng, tôi có đến hỏi kinh nghiệm chọn giống của 1 hộ trồng chanh dây lâu năm trên địa bàn huyện, và được cho số điện thoại 1 nhân viên bán giống. Nhân viên đó giới thiệu, giống mắt ghép bên Đài Loan nhập về, gốc Việt Nam. Thấy thế, tôi tin tưởng, đặt 18 thùng giống về trồng. Mới về ươm, giống có hiện tượng chết, tôi có gọi điện cho nhân viên bán giống, thì được đưa mấy chai thuốc để phun. Sau đó, thấy cây có hiện tượng xoắn ngọn, tôi gọi cho nhân viện bán giống thì biệt vô âm tín luôn”, chị Nhung bức xúc.

Tương tự, huyện Đăk Tô, Kon Tum cũng có nhiều hộ mua phải giống chanh dây kém chất lượng dẫn đến sâu bệnh. Giữa tháng 5-2019, từ lời giới thiệu của người quen, anh Nguyễn Xuân Đại (ngụ khối 7, TT. Đăk Tô, huyện Đăk Tô) mua 1.500 cây giống chanh dây của 1 công ty cung cấp giống tại TP.Pleiku, Gia Lai.

“Ban đầu, bị bệnh phấn trắng hoa cười phải nhổ bỏ gần 100 cây. Thấy những cây còn lại phát triển bình thường nên tôi cũng ráng đầu tư, đến giờ bỏ khoảng 500 triệu vào 2 héc-ta chanh dây. Tuy nhiên, do giống không đạt chuẩn nên bị nhiễm bệnh nhiều, quả không đạt. Vì mua giống chanh dây trôi nỗi nên tôi cũng không có cơ sở yêu cầu bồi thường”, anh Đại cho biết.

Anh Đại đầu tư rất nhiều cho vườn chanh dây nhưng bị sâu bệnh

Cùng chung tình cảnh với người nông dân Kon Tum, nhiều hộ trồng chanh dây ở Gia Lai đang lâm cảnh khốn khổ, dở khóc dở cười vì trồng giống này lại cho ra giống khác. Nhiều người cho biết, họ không còn đủ kinh phí để trồng lại lứa mới, hay loại cây mới vì toàn bộ tài sản đã theo chanh dây ra đi.

Giữa cái nắng oi bức, ông Lê Văn Hùng (ngụ thôn Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai) lên kiểm tra lần cuối vườn chanh dây của người em họ. Sau khi đi kiểm tra một vòng xung quanh vườn, với nét mặt đượm buồn, ông Hùng chua xót cho hay, 2 anh em cùng trồng chanh dây một đợt. Giờ quả đã chín nhưng bán không ai mua. Ban đầu, chanh dây phát triển rất tốt, không có dấu hiệu dịch bệnh. Tuy nhiên, đến giai đoạn thu hoạch lại cho ra quả vàng, không phải là quả tím.

“Qua quen biết, hai anh em mua của 1 công ty trên Gia Lai 6 thùng giống, với giá 3 triệu/1 thùng về trồng. Ban đầu, nhân viên giới thiệu là giống chanh bông thái, cây thực sinh, quả chín tím.

Trồng lên, cây phát triển bình thường, tuy nhiên, khi quả chín lại màu vàng, không phải màu tím như cam kết. Quả màu tím giá cao, dễ bán, còn chín vàng không tìm được đầu ra, nếu bán được cũng giá rất thấp. Khi phát hiện sự việc, tôi có điện thoại báo cho nhân viên, nhưng cũng từ đó, không thấy ai vào kiểm tra vườn”, anh Hùng buồn bã nói.

Anh Lê Văn Hùng mua giống chanh tím được giống chanh vàng

Cũng tại xã Ia Hla, vào giữa năm 2016, Công ty Tuấn Đại An (trụ sở TP.Pleiku, Gia Lai) đã ký hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống chanh dây, vật tư nông nghiệp cho 8 hộ dân, với diện tích 6,5 héc-ta. Ngoài ra, công ty này cũng ký với 33 hộ dân xã Ia Blứ (cùng thuộc huyện Chư Pưh) với diện tích 16,8 héc-ta.

Đến khoảng tháng 6-2017, các hộ dân đồng loạt tố cáo công ty cung cấp giống, phân bón cho người dân với giá rất cao, nhưng kết quả là chanh dây… không có trái. Sự việc vỡ lở, Công ty Tuấn Đại An đứng trước chính quyền hứa đền bù thiệt hại cho dân.

Không khó để tìm mua được giống chanh dây, tuy nhiên tìm đúng địa chỉ, mua đúng giống chất lượng thì xem ra không dễ với người nông dân. Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlôp, đại lý cung cấp giống chanh dây trên địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai) thừa nhận, đối với người dân để phân biệt được giống tốt hay kém chất lượng là rất khó, phải những người có kinh nghiệm và am hiểu về các loại giống chanh dây mới nhận ra.

“Phần lớn, những người dân trên địa bàn mua phải giống kém chất lượng chủ yếu mua trên mạng và qua giới thiệu. Giống trôi nổi được ưu điểm là rẻ, nhưng khi có thiệt hại thì người dân không biết kêu ai”, anh Luân cho biết thêm.

Mới đây, Sở NN&PTNT Gia Lai đã có văn bản, về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh cây giống danh dây trên địa bàn.

Theo đó, diện tích trồng chanh dây tại Gia Lai hiện là 2.390 héc-ta. Gia Lai có 7 đơn vị tham gia nhập khẩu giống chanh dây và Công ty CP Nafoods là đơn vị kinh doanh, sản xuất giống. Khi vào vụ, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành thanh kiểm tra theo đúng quy định.

Công ty bán giống dỏm cho dân hứa đền bù rồi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang