Nắng nóng kéo dài: Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao

Chủ Nhật, 05/05/2024 11:56  | Minh Thắng

|

(CATP) Liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM ngay giữa những ngày nắng nóng, cho thấy vào thời điểm này nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần cẩn trọng phòng ngừa vì thực phẩm dễ hư hỏng khi ở nhiệt độ cao.

Nhiều vụ ngộ độc tập thể

Một trong những nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra vào mùa hè là do thời tiết nắng nóng làm thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tiếp xảy ra 5 vụ với gần 500 người ngộ độc thực phẩm. Trong có, 369 người ngộ độc tại một quán cơm gà ở TP.Nha Trang đã được xác định nguyên nhân do vi khuẩn Salmonella; 4 vụ còn lại xảy ra tại các trường học. Điểm chung của các vụ ngộ độc này là các học sinh đều sử dụng thức ăn bán quanh trường, không rõ nguồn gốc.

Không chỉ riêng tại tỉnh Khánh Hòa, các vụ việc có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tập thể cũng xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là từ khi thời tiết chuyển sang nắng nóng kéo dài. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ tháng 4 đến tháng 8 là thời điểm gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm. Do đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến, dịch vụ nấu ăn.

Các nạn nhân bị ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai

Về vụ ngộ độc bánh bì xảy ra tại TP.Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 10 giờ ngày 03/5, có 469 ca nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh "Băng" ở phường Xuân Bình, TP.Long Khánh. Hiện một số bệnh nhân đã được xuất viện, còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, chiều tối 01/5, bất ngờ hàng loạt bệnh nhân đến các cơ sở y tế địa bàn TP.Long Khánh cấp cứu do bị các triệu chứng như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt, chóng mặt... Ngay sau đó, các cơ quan chức năng địa phương nắm tình hình và xác định tất cả các bệnh nhân đều ăn bánh mì thịt tại tiệm bánh mì trên trong khoảng thời gian từ 15 giờ hôm trước đến 9 giờ ngày 30/4. Phát hiện bị ngộ độc, họ tự đi hoặc được người nhà đưa đến các cơ sở y tế và hầu hết được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Long Khánh.

Sáng 02/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai yêu cầu tiệm bánh mì tạm ngưng kinh doanh mặt hàng trên cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Ghi nhận vào trưa cùng ngày, tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị nhiễm trùng đường ruột nặng sau khi ăn bánh mì tại tiệm trên. Hiện có 6 bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong đó một bé trai 7 tuổi bị suy hô hấp, sốc nặng, sức khỏe nguy kịch.

Chính quyền TP.Long Khánh cho biết, tiệm bánh mì "Băng" rất nổi tiếng ở địa phương từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi ngày bán hơn 1.000 ổ, nguyên liệu được sơ chế và chế biến ngay tại tiệm. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Long Khánh đã niêm phong tủ cấp đông tại tiệm (trong đó có khoảng 15kg đồ chua đã chế biến, 1kg chả lụa, 1kg thịt heo qua chế biến, 4 khay pate khoảng 10kg). Hiện nguyên nhân vụ ngộ độc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Cảnh giác thức ăn đường phố

Trong lúc các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đang quan tâm đến vụ ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai thì ngày 03/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TPHCM) đã có báo cáo nhanh về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn đến Sở Y tế TPHCM. Theo đó, từ 9 giờ ngày 02/5, Khoa cấp cứu tiếp nhận 15 học sinh (đang học tại 4 trường tiểu học tại TP.Thủ Đức) có triệu chứng nôn ói, sốt, nghi ngộ độc thực phẩm.

Qua kiểm tra, Bệnh viện Lê Văn Thịnh xác định 10/15 học sinh bị ói sau khi ăn sushi, 1 học sinh chóng mặt buồn nôn sau khi ăn bánh mì trước cổng trường, các học sinh khác sử dụng thực phẩm mua trước cổng trường hoặc trên đường đi. Các em học sinh được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa nên cho truyền dịch và kháng sinh.

Các chuyên gia y tế cho rằng, một trong những nguyên nhân chính các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra vào mùa hè là do thời tiết nắng nóng làm thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn. Trong mùa hè, điều kiện thời tiết cũng thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên, ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ cũng như quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu, thực phẩm chưa đúng cách.

Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch... cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào các dịp đầu hè.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Thực tế cho thấy, ngộ độc thực phẩm luôn là nguy cơ hiện hữu nếu các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không tuân thủ đúng những quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở phạm vi gia đình, mỗi người dân cần chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu và bảo quản thực phẩm những ngày nắng nóng để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, ngày 03/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an TP.Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế buôn lậu và môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an TP.Long Khánh lấy mẫu thức ăn để giám định, nhằm xác định nguyên nhân xảy ra ngộ độc. Đồng thời, tiến hành làm việc với một số nạn nhân, người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Sơn Hùng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành vào cuộc điều tra, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc nói trên. Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang