Hàng chục người nghi bị ngộ độc thực phẩm
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hiện tại không thể cung cấp thông tin gì thêm cho báo chí. CATP.Thủ Đức cũng đang làm rõ việc bé gái 6 tuổi tử vong, nghi do ăn bánh su kem được phát trong bữa tiệc vui đêm hội trăng rằm diễn ra vào tối 29/9. Trước đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm TPHCM cũng đã yêu cầu Phòng Y tế Thủ Đức vào cuộc xác minh vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó việc ăn bánh su kem là yếu tố nghi ngờ xảy ra sự cố đáng tiếc tại Chung cư Palm Heights.
Như thông tin đã đưa, trước đó vào ngày 29/9, BQL và Ban quản trị chung cư đã thuê một đơn vị tổ chức sự kiện mừng tết Trung thu tại nội khu chung cư lúc 17 giờ cùng ngày. Nhằm để góp vui cho các em thiếu nhi, chủ một quán cà phê tại chung cư này đã tài trợ gần 4 triệu đồng để BTC đặt mua 230 bánh su kem làm quà tặng cho các bé. Vào chiều hôm sau, một số cư dân phát hiện người thân có dấu hiệu bị NĐTP sau khi ăn bánh nên vào group nội bộ chung cư hỏi thăm thông tin, từ đó nhiều người phát hiện mình và người thân đều có các triệu chứng giống nhau như: khó thở, nôn ói, kèm theo tiêu chảy, bủn rủn chân tay.
Chiều 01/10, một gia đình ở phường Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức đưa cháu bé 6 tuổi đến khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh do có các triệu chứng nôn ói kèm tiêu chảy. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê toa thuốc gồm kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa, cho người bệnh ra về điều trị ngoại trú. Lúc này, bé vẫn tỉnh táo, chưa cần thiết nhập viện. Đến tối cùng ngày, đứa bé này có dấu hiệu tím môi, sau đó gọi không phản ứng, được người nhà đưa trở lại bệnh viện cấp cứu với tình trạng hôn mê sâu, nhịp tim, huyết áp không đo được, mất phản xạ toàn thân. Các bác sĩ cấp cứu hồi sinh tim phổi nhưng không thành công, chẩn đoán trẻ tử vong trước khi nhập viện, chưa rõ nguyên nhân. Bé gái này được xác nhận là con của một người mẹ làm lao công tại Chung cư Palm Heights. Trước đó, trong đêm phát quà trung thu của chung cư có dư lại vài phần bánh nên người lao công này được BQL cho mang về nhà và đứa bé có ăn bánh.
Bé Diệp Hà Phương (con gái anh Hoàng) vẫn đang được bà chăm sóc tại nhà vào chiều 03/10
Phía BTC cho biết, khi nhận bánh để phát quà cho trẻ vào lúc 10 giờ 30 sáng 29/9, đại diện BTC đã có kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, ghi nhận bánh được bọc kín bằng nilon từng cái riêng lẻ, có hộp giấy bên ngoài, trên bao bì ghi rõ nhãn hiệu và bánh sản xuất trong ngày.
Cũng trong ngày 01/10, BQL chung cư nhận thông tin khoảng 5 trẻ ăn bánh có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, sốt. Anh Diệp Minh Hoàng (sống tại căn hộ T204) cho biết, phía BQL thông tin quá chậm, đến trưa 02/10, khi nơi này ghi nhận thêm một số trường hợp có dấu hiệu tương tự thì mới thông báo cho cư dân ngưng sử dụng bánh (nếu còn) và báo cho BQL thu hồi để đi kiểm nghiệm.
Anh Hoàng chia sẻ, nhà có 2 con nhỏ bị ngộ độc là các bé Diệp Gia Uy (SN 2011) và Diệp Hà Phương (SN 2015). Sau khi ăn bánh khoảng 20 giờ, vợ chồng anh lần lượt phát hiện các con đều có triệu chứng sốt, đau bụng, tiêu chảy và ói nên đã đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu và được các bác sĩ thăm, khám. Kết quả, bé lớn bị nhiễm trùng dạ dày và đường ruột, được bác sĩ cho thuốc uống và về nhà tiếp tục điều trị. Đến chiều 03/10, các con của anh Hoàng vẫn còn đang sốt, đau họng và tiêu chảy. Theo anh Hoàng nắm thông tin từ group nội bộ chung cư, có khoảng 70 trường hợp bị ngộ độc với những triệu chứng giống nhau, những ai có thông báo đều được y tế và công an phường đến nắm tình hình sức khỏe và ghi nhận để phục vụ công tác điều tra. Hiện vụ việc đang được CATP.Thủ Đức điều tra làm rõ.
Phiếu đặt bánh của ban tổ chức
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc có ở mọi khâu
Thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều vụ NĐTP đã xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng khiến dư luận lo lắng. Tình trạng NĐTP và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vào ngày 28/9, sau khi ăn liên hoan Tết Trung thu ở lớp với các món bánh bông lan trứng muối đặt mua tại 1 cơ sở sản xuất ở địa phương, trà đóng chai và một số loại bánh kẹo khác, 28 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) có các triệu chứng nghi NĐTP như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt. Trong đó 25 học sinh phải nhập viện điều trị. Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện Tiền Hải vào cuộc điều tra, bước đầu xác định nguyên nhân ngộ độc là món bánh bông lan trứng muối. Các đơn vị chức năng đã yêu cầu sở sản xuất bánh bông lan trứng muối nói trên tạm dừng sản xuất, khẩn trương thu hồi sản phẩm nghi ngờ gây độc...
Trước đó, vừa khai giảng năm học mới, 25 học sinh Trường tiểu học cơ sở Việt Chu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Quảng Ninh sau khi uống nước và ăn kẹo bán ở cổng trường, nghi bị NĐTP với biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi... phải nhập viên cấp cứu. Đoàn công tác liên ngành huyện Hạ Lang đã lấy mẫu sản phẩm kẹo, nước đóng gói, gửi ngành chức năng liên quan thực hiện xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân.
Trước đó, vào ngày 11 và 12/9, vụ NĐTP do ăn bánh mì Phượng (địa chỉ: 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) khiến 150 trường hợp bị ngộ độc, trong đó có 34 người nước ngoài. Sau vụ việc, cơ quan chức năng lấy mẫu thức ăn gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Kết quả, trong các mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì Phượng, vi khuẩn Salmonella (gây bệnh đường ruột) có trong mẫu thịt heo xíu, xíu mại, rau (xà lách, răm, hành, dưa leo). Ngoài ra, còn có vi khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố trong chả heo và xíu mại. Ngày 03/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng. Theo đó, bánh mì Phượng bị phạt hành chính với tổng số tiền 96 triệu đồng. Đồng thời bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày 03/10. Bên cạnh đó, bánh mì Phượng phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý NĐTP, khám, điều trị người bị NĐTP theo quy định tại điểm c Khoản 11 Điều 22 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Lực lượng chức năng kiểm tra, truy vết về an toàn thực phẩm tại các khu chợ truyền thống
Tại Điện Biên, cuối tháng 9/2023, Chi cục ATVSTP tỉnh Điện Biên đã có báo cáo về 5 vụ NĐTP xảy ra trên địa bàn tỉnh (từ ngày 25/8 đến 09/9) với 46 người mắc và 1 ca mắc đơn lẻ. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nơi xảy ra các vụ NĐTP) đều nhập bún tươi tại cơ sở sản xuất Triệu Minh Phú (địa chỉ tại tổ 10, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Quá trình kiểm nghiệm mẫu bún tươi của cơ sở này cho thấy, 01/07 chỉ tiêu vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Vì vậy, nguyên nhân những vụ NĐTP được kết luận là do người dân ăn bún có nhiễm vi sinh vật.
Một loạt các nguyên nhân đã được giới chuyên gia y tế chỉ ra khi đề cập đến thực trạng mất ATVSTP. Một trong những nguyên nhân chính là do quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tuân thủ đúng qui định về ATVSTP, không giữ vệ sinh và an toàn trong quá trình sản xuất và bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như việc sử dụng thuốc trừ sâu không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh... Đáng lo ngại hơn cả là việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để tìm cách đưa đến tay người tiêu dùng "thực phẩm bẩn", gây ra các vụ NĐTP, làm nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rất nhiều vụ việc liên quan tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn ATVSTP, đã xử phạt rất nặng theo qui định của pháp luật, thậm chí là truy tố hình sự một số trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn nạn này chưa bao giờ được xử lý triệt để, dứt điểm.
Để phòng tránh các vụ NĐTP có thể xây ra, cần tăng cường các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện và quyết liệt. Đối với người dân, cần tự trang bị những kiến thức về vấn đề ATVSTP, chủ động lựa chọn những sản phẩm thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng; ăn chín, uống sôi; không dùng thức ăn ôi thiu; chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách để bảo đảm sức khỏe của mình và người thân. Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm; thực hiện đăng ký đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Với các cơ quan chức năng luôn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về ATVSTP; phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong hoạt động quản lý, chỉ đạo về ATVSTP; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định về ATVSTP.