Những điều cần lưu ý liên quan đến ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Thứ Năm, 30/03/2023 10:32

|

(CAO) Vấn đề ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là đối với trẻ em luôn được quan tâm, nhất là khi ngày càng nhiều vụ ngộ độc xảy ra trên cả nước gây lo lắng cho gia đình và xã hội. Trẻ thường bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng - hoặc độc tố của những loại ký sinh trùng này.

Thông thường, bất kỳ ai cũng có thể bị ngộ độc, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ ngộ độc cao hơn vì hệ thống miễn dịch của trẻ còn non kém.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ cũng sẽ đối mặt với nhiều triệu chứng, do vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý.

Các triệu chứng xuất hiện trong khoảng từ 30 phút đến 2 ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm độc như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau dạ dày, đau quặn bụng, người mệt mỏi, đau đầu…

Nếu trẻ bị nôn liên tục hoặc có dấu hiệu mất nước, cần đưa trẻ đến bệnh viện. Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng do một số vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như listeria, trẻ có thể sẽ phải dùng kháng sinh.

Để có hướng điều trị tốt nhất, trẻ có thể cần lấy mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm để xác định theo đúng quy trình.

Một vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học (ảnh minh họa)

Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm có thể bị mất nước nhanh hơn người lớn, vì thế cần cho trẻ uống nhiều nước; tránh cho trẻ uống sữa tươi, caffeine và đồ uống sủi bọt hoặc có ga.

Cho trẻ ăn khi trẻ cảm thấy thích, nhưng chú ý cho trẻ ăn chậm và không được ăn quá no, thức ăn nhạt, không dầu mỡ.

Ngoài ra, nếu phát hiện trẻ bị mất nước nghiêm trọng với các triệu chứng như: mê sảng, miệng khô hoặc dính, khát nước nhiều, mắt trũng sâu, ít hoặc không có nước mắt khi khóc, không có sức lực, không đi tiểu hoặc đi tiểu ít, tim đập loạn nhịp, thóp trên đầu trẻ sơ sinh lõm vào trong, yếu, chóng mặt, sốt cao trên 38 độ, nôn ói liên tục…thì phải đưa bé đi bác sĩ để thăm khám kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang