(CATP) Loại vắc-xin được dùng tiêm cho hàng ngàn con bò sữa tại 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng), sau đó gây ra tình trạng hàng loạt con bò sữa bị tiêu chảy ra máu, yếu dần rồi gục chết bất thường, hàng ngàn con bò khác có nguy cơ chết; đến nay được xác định là vắc-xin (phòng ngừa viêm da nổi cục) của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất (gọi tắt Công ty Navetco). Navetco mới trúng thầu lần đầu. Các cơ quan chức năng đang tích cực tìm nguyên nhân vụ việc.
Báo cáo của Cục Thú y gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ngày 07/8 cho thấy, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng bước đầu nhận định nguyên nhân bò sữa chết bất thường như sau: Qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm nên sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục (vắc xin Navet-lpvac) của Công ty Navetco) đã tạo điều kiện cho vi sinh vật cơ hội tấn công, gây rối loạn đường tiêu hóa. Hiện, Cục Thú y cũng đã thành lập đoàn công tác đến tỉnh Lâm Đồng từ ngày 07/8/2024 để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân vụ việc.
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty CP Navetco cho biết, sự cố bất lợi sau tiêm phòng là hiện tượng bất thường không mong muốn xảy ra sau tiêm, trong đó có nhiều nguyên nhân khó có thể dự báo được. Với trách nhiệm của nhà sản xuất, ngay khi nhận được thông tin có sự cố xảy ra, chúng tôi đã cử ngay cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm tốt đến ngay các địa bàn để cùng phối hợp triển khai tìm hiểu điều tra xác định nguyên nhân cũng như thực hiện công tác hỗ trợ thuốc sát trùng, chất điện giải, vitamin... để sử dụng vệ sinh tẩy trùng chuồng trại và tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Hàng loạt bò sữa sau khi tiêm vắc-xin bị yếu dần rồi chết bất thường
"Mặc dù nguyên nhân vẫn còn đang được nghiên cứu, tìm hiểu, tuy nhiên với trách nhiệm của nhà cung cấp vắc-xin, chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai, kịp thời đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục cho người chăn nuôi nếu có liên quan đến vắc-xin do đơn vị sản xuất", bà Lan khẳng định.
Trong khi nhiều nông hộ nuôi từ 10 đến hàng chục con bò sữa chấp hành việc tiêm vắc-xin khi cán bộ thú y yêu cầu, một số nông hộ chăn nuôi bò sữa vì bận công việc chưa thực hiện việc tiêm vắc-xin cho đàn bò lại thành may mắn. Như hộ ông Võ Văn Thiện (SN 1978, trú thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng) cho biết, ngày 23/7, nhân viên thú y đã mang vắc-xin đến cho gia đình ông và dặn mỗi con bò tiêm 2cc vắc-xin Navet-lpvac. Ông Thiện nhận thuốc nhưng sau đó bận việc gia đình nên chưa tiêm vắc-xin cho bò được. Chính vì vậy, hiện tại đàn bò 60 con của gia đình ông vẫn đang khỏe mạnh, chưa xuất hiện các triệu chứng như những đàn bò đã được tiêm vắc-xin.
Loại vắc-xin được tiêm cho bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Cùng đó, hộ chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (SN 1985, tổ 20, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng) chia sẻ: "Bình thường nhân viên thú ý mang vắc-xin đến thì cả tôi và chồng sẽ ở nhà để hỗ trợ tiêm cho bò. Thế nhưng vừa qua, nhân viên thú ý xã mang vắc-xin đến thì tôi lại đi làm không có ở nhà, vì vậy nhà tôi vẫn chưa tiêm cho đàn bò 45 con. Giờ bò vẫn khỏe mạnh, nghe người dân nói bò bị tiêu chảy ra máu, bỏ ăn, tụt sữa nên tôi đã trả lại vắc-xin cho nhân viên thú ý xã”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (trú tổ 19 thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) cho biết: Gia đình bà có 17 con bò sữa được tiêm vắc-xin kể trên (miễn phí) vào ngày 24/7/2024. Sau tiêm khoảng 7 ngày, đàn bò biếng ăn, sản lượng sữa sụt giảm, sau đó bị tiêu chảy ra máu, đến sáng 07/8 nhà bà Loan có 2 con bị chết và 1 con đang ngáp ngoải, khó cứu vãn. Tương tự, hộ ông Nguyễn Tấn Tuân (trú tổ 20 thôn Bồng Lai) có 30 bò sữa, trong đó 28 con được tiêm vắc-xin. Hiện cả đàn bò đang bỏ ăn, tiêu chảy, có nguy cơ chết hàng loạt. Hộ bà Lê Thị Ánh Hồng, tổ 19 (Bồng Lai) có 28 bò sữa, ngày 24/7 có 26 con được tiêm vắc-xin, chỉ 2 con bê không tiêm. Đến nay có hơn 10 con bị bệnh, bỏ ăn, một con sắp chết. Hai con bê không tiêm vắc-xin không xảy ra hiện tượng bệnh lý như những con còn lại.