TPHCM: Nhiều nơi vỉa hè xuống cấp, nhếch nhác

Thứ Sáu, 18/11/2022 09:58  | Nam Anh

|

(CATP) Hiện nay, nhiều đoạn vỉa hè (VH) ở một số tuyến đường tại trung tâm TPHCM đang bị bong tróc, xuống cấp, nhưng chưa được sửa chữa, trông rất nhếch nhác: đoạn nhô lên, chỗ trồi sụt, thậm chí có những đoạn VH mới được lát đá granit đưa vào sử dụng chưa lâu đã nứt, bể! Chưa dừng lại ở đó, tình trạng hàng quán, bãi xe mọc lên lấn chiếm VH khiến người dân và du khách không khỏi ái ngại...

Vỉa hè nhiều tuyến bong tróc lỗ chỗ

Thời gian qua, nhiều đoạn VH trên đường Nguyễn Đình Chiểu đã xuống cấp nghiêm trọng và dù đã được duy tu, sửa chữa nhiều lần nhưng tình trạng gạch bong tróc ngày càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, đoạn từ Đài Tiếng nói nhân dân thành phố tới đường Cách Mạng Tháng 8 (CMT8) chỉ dài khoảng nửa cây số nhưng nhiều chỗ gạch lót bong tróc nằm lẫn trong mớ rác thải, đất cát... trông rất mất mỹ quan!

Ngoài ra, nhiều tuyến khác ở khu trung tâm thành phố dù được lót gạch tốt nhưng nhiều mảng VH lớn vẫn bong tróc khiến đất cát bay tứ tung, nhiều đoạn VH còn sụt lún tạo thành "ổ gà” suốt thời gian dài, nhưng không được cơ quan nào quan tâm sửa chữa khiến khách bộ hành ngán ngẩm bước, trong khi người điều khiển xe máy vô tư "leo lề" làm gạch tiếp tục vỡ.

Đường Đinh Bộ Lĩnh (từ Bến xe Miền Đông cũ kéo dài đến Điện Biên Phủ), Q.Bình Thạnh cũng lâm cảnh tương tự. Nhiều năm nay, đoạn này không được sửa chữa nên xuất hiện những hố sâu tiềm ẩn nguy hiểm cho người lưu thông. Để ngăn ngừa tai nạn, người dân đã đặt thùng xốp để cảnh báo nguy hiểm. Dọc các tuyến Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NKKN), Nguyễn Văn Trỗi..., một số đoạn VH cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Ngoài ra, hàng rong, giữ xe, quán xá đua nhau mọc lên chiếm dụng VH, ngăn lối của người đi bộ...

Đường Trường Sa (Q.Bình Thạnh) thành nơi chứa rác

Thảm nhất là VH đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ Dinh Thống Nhất đến tuyến Hai Bà Trưng, dù ở khu vực trung tâm nhưng nhiều chỗ vẫn bị "băm nát"! Những ngày đầu tháng 11-2022, chúng tôi đi dọc đoạn này từ CMT8 đến Đinh Tiên Hoàng, thấy hai bên có rất nhiều nơi trồi sụt, đá lót VH bay tứ tung, nhất là đoạn từ đường Trương Định đến Pasteur, trước cổng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3). Ngồi vá xe tại đây đã hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Tình trạng VH bong tróc, trồi sụt đã diễn ra hơn năm nay nhưng chẳng thấy cơ quan nào quan tâm sửa chữa. Đã thế, người điều khiển xe máy (XM) cứ "vô tư” cho xe leo lên VH, nhất là vào giờ cao điểm. Đã có vài trường hợp bị ngã vì đá VH rồi mà họ vẫn không sợ!".

Tương tự, trên đường NKKN, đoạn thuộc P8Q3, cũng có nhiều đoạn VH sụt lún, bong tróc. Ông Trần Thanh Liêm - bảo vệ tòa nhà Lotteria trên tuyến này - cho biết, cái hố sụt đã tồn tại hơn 6 tháng nay nhưng không thấy đơn vị nào đến dặm vá lại. Người đi bộ không dám bước qua vì sợ nguy hiểm, phải xuống dưới lòng đường. Trên tuyến CMT8, đoạn thuộc P7Q3, cũng có những chỗ VH bong tróc nhưng lâu ngày chưa được sửa chữa; còn tuyến Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng có đoạn VH bị đào xới tung lên nhưng chưa thấy ai đến "vá” lại, thay vào đó là những tấm ván bằng sắt che tạm, làm lối đi cho người dân...

Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 xuống cấp trầm trọng

Ngoài những điểm trên, hiện ở TPHCM còn rất nhiều chỗ VH lồi lõm, bong tróc, trồi sụt như trên các đường: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Kiệm, Lê Văn Sỹ... Bên cạnh đó, tại một số tuyến sau khi người dân phản ánh đã được sửa lại.

Đào lên rồi... để đó!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng VH bong tróc, trồi sụt... do nhiều nguyên nhân: đào VH thi công điện, nước, cáp..., thi công ẩu, người điều khiển XM leo lên VH để đi... Tuy nhiên, chủ yếu nhất chính là việc thi công các công trình ngầm nhưng sau đó không trả lại nguyên trạng VH ban đầu. Sau khi đào lên, có nơi lát lại VH nhưng mua loại đá khác trông rất phản cảm; thậm chí nhiều nơi sau khi VH xuống cấp, chính quyền lại vận động người dân góp kinh phí để bảo trì. Hiện nay phần lớn VH do các quận, huyện tập trung quản lý, hàng năm đều có ngân sách cho việc duy tu, sửa chữa nhưng chưa có nhiều địa phương chăm lo tuyến dành cho người đi bộ.

Vỉa hè thành nơi chứa rác, bốc mùi hôi thối

Tương tự, trên Đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ, TP.Thủ Đức) dài 6,5km từ hầm vượt sông Sài Gòn đến nút giao thông Cát Lái được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ tháng 11-2011. Tuyến này được đánh giá là đại lộ hiện đại, đẹp nhất nước, tuy nhiên sau gần 7 năm đưa vào sử dụng, hai bên VH đã xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mỹ quan và đe dọa sự an toàn của khách bộ hành.

Dọc hai bên VH kéo từ nút giao thông Cát Lái đến giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch (TP.Thủ Đức), rác thải vứt bừa bãi, bốc mùi nồng nặc. Trên VH, đất đá lởm chởm, có nơi sụt lún nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là hàng loạt nắp cống bằng bê-tông của hệ thống thoát nước bị mất hoặc vỡ nát, lòi cả sắt tạo thành hố sâu nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của người lưu thông.

Trao đổi với PV Chuyên đề Công an TPHCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, hiện nay VH nhiều nơi đang xuống cấp bên cạnh nhiều chỗ vẫn còn tốt. Việc dọn dẹp trật tự lòng lề đường là chủ trương chung của thành phố. Vấn đề này cần sự kiên trì, kiên quyết, linh hoạt, cách làm phù hợp, phải xem người dân là trung tâm. Chủ trương của lãnh đạo thành phố là xây dựng lề đường sạch hơn, đẹp hơn, vì thế nơi nào xuống cấp, hư hỏng thì phải sửa chữa, khắc phục và UBND TPHCM đã có kế hoạch cho việc này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang