Nữ giáo viên vừa điều trị Covid-19, vừa dạy học online trên giường bệnh

Thứ Hai, 07/03/2022 14:33

|

(CATP) Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 cả nước không ngừng tăng cao, nhiều giáo viên mắc bệnh đang điều trị vẫn kiên trì “đứng lớp” trực tuyến để học sinh không bị lỡ nhịp, hổng kiến thức và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhiều giáo viên khác trong hoàn cảnh vừa phòng chống dịch vừa dạy học, cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Dạy học online ngay trên giường bệnh

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Trịnh Thị Lê Dung – giáo viên trường Tiểu học Thăng Long, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội không nghĩ có ngày cô phải vừa dạy học vừa “chống dịch” như bây giờ khi bản thân mắc Covid-19. Đó là gần chục ngày vừa “đánh vật” với con chữ trên giường bệnh vừa phải cùng bác sĩ “chiến đấu” để chiến thắng bệnh tật.

Cô Dung cho hay, giữa tháng 2-2022, cô xuất hiện triệu chứng ho, mệt mỏi, phải nhập viện điều trị Covid-19. Khi vào viện, các bác sĩ phát hiện nồng độ oxy trong máu của nữ giáo viên xuống thấp, phổi có dấu hiệu bị tổn thương. Ngay tối đầu tiên, cô được chỉ định tiêm thuốc chống đông máu.

Những ngày đầu nhập viện, dù bị “vật” cho tơi tả bằng những cơn ho, sốt… cô vẫn luôn nghĩ về lớp học với 38 học sinh lớp 1E của mình bị ngừng học thì sẽ như thế nào so với các lớp khác? Câu hỏi ấy sớm được trả lời ngay trên giường bệnh.

Với chiếc máy tính được chuẩn bị sẵn, cô Dung quyết định khi các triệu chứng thuyên giảm đã chủ động kết nối với "thế giới bên ngoài” bằng phần mềm học online để tiếp tục bám lớp, truyền tải kiến thức đến học sinh. Từ đấy, "lớp học dã chiến" của nữ giáo viên được mở ngay trên giường điều trị.

Và từ căn phòng nhỏ của khu điều trị nơi đây, mỗi tối vẫn vang lên từng tiếng đọc bài ê-a, tiếng cô trò cùng trao đổi cách làm toán, cách tập viết từng nét chữ. Chia sẻ về việc này, cô Dung nói rằng, chúng ta đã có chủ trương sống chung với dịch thì phải vừa chống dịch vừa dạy học.

Nếu cô không cố gắng đứng lớp sớm, học sinh của cô sẽ bị “tụt” lại phía sau so với các bạn cùng trang lứa, khi học lại sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho con trẻ bởi lỗ hổng kiến thức trong thời gian cô bị bệnh.

Cô Dung mở lớp ngay trên giường bệnh dù đang điều trị tại bệnh viện.

Cô Dung cho hay, nghề giáo đã ngấm vào máu của mình nên một ngày nghỉ dạy cũng khiến cô bứt rứt, khó chịu trong người. Hơn nữa, bệnh này, nếu không giải thoát, làm cuộc “cách mạng” về tư tưởng sẽ rất lâu khỏi.

Do đó, cô quyết định nối lại việc dạy học để mỗi tối được nhìn các học trò, được lên lớp, truyền tải thông tin… bớt đi những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật. Từ những suy nghĩ giản đơn của người yêu nghề đã tiếp thêm sức mạnh cho cô Dung.

“Lớp có 38 học sinh, mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, tính cách và mức độ tiếp thu bài khác nhau. Trẻ lớp 1 nếu lạ cô thì nhiều em sẽ sợ và mất tập trung. Trước đó, có những giờ tôi đi trông thi online lớp 1 khác mà học sinh thấy cô lạ nên có em còn quấy khóc, không chịu làm bài, cô giáo lại phải động viên, trấn an tinh thần.

Vì thế, ban đầu khi nhà trường gợi ý cho tôi tạm nghỉ để bố trí giáo viên khác dạy thay, tôi không yên tâm và vẫn quyết tâm tiếp tục lên lớp dạy online. Khó khăn khi dạy trực tuyến trong viện là đường truyền không ổn định và hay bị ngắt quãng. Tôi phải dùng điện thoại phát wifi để kết nối sang máy tính, lớp học mới duy trì đều đặn. Biết tôi gặp khó khăn, các bác sĩ đã tạo điều kiện bằng việc bố trí cho tôi ở phòng riêng để thuận lợi cho việc giảng dạy online” – cô Lê Dung cho hay.

Bị Covid-19 "vật" ngay trong giờ dạy, vẫn không bỏ tiết

Cùng là F0, không phải nhập viện điều trị, nhưng chị Trần Vũ Ánh Nguyệt – giáo viên dạy môn Văn trường THCS Văn Quán, Hà Đông đã phải “vật lộn” với Covid-19 trong nhiều ngày liền.

Cô Nguyệt bị Covid-19 nhưng vẫn kiên trì không bỏ lớp

Thậm chí, phải chiến đấu với “giặc Covid” ngay trong tiết học online của mình. Chị Nguyệt cho biết, bị F0 hơn một tuần mới khỏi bệnh, tuy nhiên hậu Covid-19 vẫn dai dẳng bởi triệu chứng ho không ngớt.

“4 ngày đầu tiên, tôi bị ho sốt như muốn đổ gục. Khi các triệu chứng giảm, tôi thương các con không được học, nghĩ đây là thời điểm khó khăn, nếu mỗi người không cố gắng sẽ rất khó lấp khoảng trống khi cả trường có gần 20 giáo viên là F0. Thời điểm này, cả nước phải chung tay phòng chống dịch.

Các bác sĩ, lực lượng Công an, Quân đội… đã ra “tiền tuyến” thì chúng tôi cũng phải “chiến đấu” vì mục đích chung đẩy lùi dịch bệnh. Tôi ngồi ở nhà, các con lên lớp học qua máy chiếu, do đó các giáo viên trong trường phải thay nhau trông coi lớp học, thậm chí hiệu trưởng cũng phải đến lớp để theo dõi các con khi giáo viên F0 ngồi ở nhà dạy trực tuyến”, cô Nguyệt cho hay.

Bà Trần Thị Yến – Hiệu trưởng trường THSC Văn Quán cho Báo Công an TPHCM biết, trong tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao thì nhiều trường có tới vài chục giáo viên mắc bệnh. Trước tiên, lãnh đạo nhà trường sẽ thăm hỏi, động viên các giáo viên hàng ngày qua hệ thống trực tuyến.

Nhiều giáo viên mắc Covid-19 dạy trực tuyến ở nhà, học sinh đến lớp ngồi nghe cô giảng qua màn hình chiếu.

“Trong quá trình thăm hỏi, nhiều giáo viên là F0 đề đạt, bày tỏ nguyện vọng muốn giảng dạy thông qua học online và chúng tôi ghi nhận tinh thần, sự cố gắng của các cô nên chấp thuận cho các cô vừa trị bệnh vừa dạy học từ xa”, bà Yến chia sẻ.

Cũng theo nữ hiệu trưởng, dạy học trong thời điểm dịch bệnh vất vả vô cùng, do đó rất mong được sự chia sẻ, cảm thông của phụ huynh. Khi trường có nhiều ca là giáo viên F0, nhà trường liên tục phải thay đổi phương án để vừa duy trì việc dạy học và chống dịch.

“Trước đó, trường vừa dạy trực tuyến và dạy trực tiếp nên các giáo viên rất vất vả để thích ứng. Có lớp, các con học trực tiếp ở trường, cô giáo F0 ngồi nhà giảng. Có khi, cả lớp chỉ còn vài học sinh, cô giáo vẫn dạy. Mọi người đều phải cố gắng, nỗ lực, trừ những ngày giáo viên sốt cao, mệt mỏi quá thì sẽ bố trí người dạy thay thế.

Tuy nhiên, khi quá nhiều giáo viên mắc bệnh không thể thay thế, các cô lại phải vừa “đánh vật” với Covid-19 vừa “đứng lớp”. Tôi nhớ mãi hình ảnh giờ của cô Nguyệt, khi bước vào lớp, nhìn lên máy chiếu, thấy cô ấy vừa dạy vừa ho  qua màn hình, một lúc lại phải dừng lại rồi tiếp tục dạy nên thương các em ấy lắm mà chỉ biết động viên để cố gắng vượt qua bệnh tật.

Ở trường có nhiều giáo viên như thế, các em ấy đã không bỏ cuộc ngay cả trong tiết dạy bị Covid-19 “hành” vẫn cố bám lớp”, bà Yến xúc động nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang