Phóng sự điều tra:

Thuốc trị covid-19 bị "thổi" giá thế nào? (kỳ cuối)

Thứ Tư, 02/03/2022 12:24

|

(CATP) Trên thực tế, lực lượng chức năng, các chuyên gia YT từng đưa ra cảnh báo về các loại thuốc mà phóng viên Báo Công an TPHCM điều tra, nhưng nhiều người vẫn "săn" khi không biết về nguồn gốc, xuất xứ và các tác dụng phụ của nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, thậm chí dẫn đến "tiền mất, bệnh mang"!

Phát hiện nhiều lô "thần dược" trị Covid-19 trôi nổi

Cuối tháng 1-2022, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM thu giữ gần 23.000 viên tân dược điều trị Covid-19 không hóa đơn chứng từ, trong đó có nhiều loại thuốc mà phóng viên Báo CATP đã điều tra, ghi nhận bán trôi nổi ngay tại các hiệu thuốc.

Đây là đợt ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và đấu tranh với một số đối tượng kinh doanh, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp của Công an TPHCM.

Theo đó, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM phối hợp với Đội 3 - Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM kiểm tra địa chỉ 1942/91 Huỳnh Tấn Phát, KP6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, do Trần Thanh Thảo (SN 1984, quê Bến Tre) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 22.800 viên tân dược điều trị Covid-19 các loại (1.000 viên Molnupiravir Capsules Molnatris 200mg Mylan, 2.700 viên Molnupiravir 800mg Tablest Moluzen 800, 2.200 viên Molnupiravir 400mg Capsules Moluzen 400, 15.880 viên Molnupiravir Capsules 200mg Molaz, Azista, 1.000 viên Favipiravir Tablets 400mg, feravir-400, Xenon...), trong đó có một số thuốc điều trị Covid-19 nghi là hàng kém chất lượng.

Các loại thuốc này chưa được Bộ YT cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam, toàn bộ đều không có hóa đơn, chứng từ, thông tin bao bì thể hiện do Ấn Độ sản xuất. Trị giá hàng hóa ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Loại thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi bị bắt giữ

Gần đây nhất tại Hà Nội, ngày 23-2, Đội QLTT số 12 phối hợp với Công an Q.Thanh Xuân kiểm tra phương tiện vận tải của 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi: xe máy 29V1-55xxx do Bùi Đức Toàn điều khiển đang dừng đỗ trên đường Nguyễn Trãi. Quá trình kiểm tra, phát hiện đối tượng vận chuyển 2 thùng carton chứa 240 hộp thuốc tân dược Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xe máy 18Y2-xxxx do Đinh Văn Hiểu điều khiển đang dừng đỗ tại ngõ 477 đường Nguyễn Trãi, phát hiện đối tượng vận chuyển 1 thùng giấy chứa 240 hộp thuốc tân dược Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Hiểu trình bày được Toàn thuê chuyển số hàng trên giao cho khách.

Bước đầu Bùi Đức Toàn khai nhận mua trôi nổi số thuốc này trên thị trường để bán kiếm lời. Đây là loại thuốc không có trong danh mục điều trị ngoại trú cho người mắc Covid-19 tại nhà, nhưng hiện thuốc đang được quảng cáo là hàng xách tay của Nga và công khai rao bán trên thị trường, được nhiều người tìm mua.

Coi chừng "tiền mất, bệnh mang"

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội - khuyến cáo người dân không nên tự ý dùng các loại thuốc điều trị Covid không rõ nguồn gốc. Ông Hiếu nhận định: "Tỉ lệ bệnh tự khỏi của chủng Omicron trên người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid rất cao nên thuốc gì uống vào đều khỏi. Do đó, người dân đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc công khai bán trên MXH"...

Còn theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên chuyên ngành thần kinh - cột sống tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người dân không nên dùng thuốc kháng virus Favipiravir hoặc Molnupiravir theo lời mách bảo, trong khi các bác sĩ chưa chỉ định. Hầu hết chúng ta đã tiêm đủ vắc-xin và cơ thể sẽ tự chữa lành mà không cần đến những thuốc này. Thực sự thuốc kháng virus có rất nhiều tác dụng phụ và chính chúng ta đang tự nhận vào mình khi sử dụng một cách thiếu hiểu biết, chưa có chỉ định. Những thuốc kháng virus trôi nổi từ Nga, Ấn... cũng vậy!

"Nhiều người tâm lý ai mách gì uống nấy, uống rất nhiều thuốc dự phòng như vậy rất nguy hiểm. Thuốc kháng virus có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ tuổi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, chưa kể thuốc không rõ nguồn gốc và chất lượng. Tuyệt đối không dùng khi không nắm rõ nguồn gốc và chưa có chỉ định từ bác sĩ, tránh tiền mất (mua giá cao) lại thêm hại cho sức khỏe", bác sĩ Khánh nhấn mạnh và cho biết, điều quan trọng nhất trong điều trị Covid-19 là tâm lý bình tĩnh, lạc quan và tỉnh táo. Tâm lý tốt sẽ tạo nên hệ miễn dịch mạnh khiến cơ thể sẽ tự chữa lành. Chúng ta hãy xem quãng thời gian cách ly là dịp để nghỉ ngơi, đừng để người khác truyền tải những thông tin lệch lạc, giới thiệu các sản phẩm không cần thiết khiến tiền mất, bệnh mang.

Mới đây, Bộ YT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực YT. Theo đó, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như trang phục bảo hộ chống dịch, khẩu trang YT, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay YT đã qua sử dụng... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.

Thuốc trị Covid-19 bị
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang