Buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam diễn biến phức tạp:

Bài 1: Biến tàu cá thành tàu chở... xăng dầu

Thứ Hai, 21/02/2022 11:30  | Đăng Khoa

|

(CATP) Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, từ năm 2020, một số ngư dân ra khơi không còn chở nặng cá tôm mà dùng khoang chứa xăng dầu để trục lợi. Hiện giá xăng dầu liên tục tăng cao, đặc biệt vùng biển Tây Nam được các đối tượng chọn là nơi để trao đổi, mua bán trái phép xăng dầu không rõ nguồn gốc...

Ngư dân thành... con buôn

Theo các cơ quan chức năng, vùng biển Tây Nam có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, nên nhu cầu về xăng dầu phục vụ khai thác thủy sản khá cao. Nắm bắt được thực tế trên, một số đối tượng buôn lậu đã lợi dụng sự chênh lệch giữa giá dầu trong nước và các nước lân cận, tìm mọi cách mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam tiêu thụ. Các đối tượng thường dùng phương tiện mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ rồi bán ngay cho các tàu cá khác đang khai thác, đánh bắt trên biển hoặc đại lý xăng dầu trên bờ.

Bên cạnh đó, một số chủ tàu cá được phép bán lẻ dầu thay vì mua dầu từ đất liền thì các đối tượng này mua ngay của các tàu chở dầu trên biển để bán lại. Ngư dân bất đắc dĩ trở thành người kinh doanh xăng dầu trên biển. Hành vi trên gây thất thoát ngân sách Nhà nước ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Tuy nhiên, do những khoản lợi kếch sù, một số ngư dân bất chấp pháp luật tiếp tay cho việc vận chuyển, mua bán xăng dầu trái phép.

Tàu Cảnh sát biển tiếp cận tàu nghi vận chuyển xăng dầu trái phép

Tối 20-2, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã dẫn giải phương tiện vận chuyển dầu DO trái phép về cảng Hải đội 422 tại TP.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Trước đó, chiều 17-2, tại vùng biển cách Nam đảo Thổ Chu khoảng 55 hải lý, tổ công tác do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phát hiện tàu cá mang số hiệu KG 94337 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên, thuyền trưởng là ông Phan Hoàng Sa (SN 1984; ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện trên tàu vận chuyển số lượng lớn dầu không hóa đơn, chứng từ. Làm việc với thuyền trưởng, người này khai nhận, tàu đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trước đó một ngày, tại vùng biển cách Nam Tây Nam Côn Sơn khoảng 120 hải lý, Cảnh sát biển Vùng 4 cũng đã bắt giữ một tàu vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO trái phép. Tàu có 4 thuyền viên, chủ tàu là bà Tống Thị Thanh Thúy (ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP.Rạch Giá), thuyền trưởng là ông Trần Thanh Tùng (SN 1972; ngụ tỉnh Tiền Giang). Theo lời khai của thuyền trưởng, toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo nhận định của Cảnh sát Biển và Bộ đội biên phòng, từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, các đối tượng lợi dụng giá xăng dầu tăng, cung không đủ cầu nên tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thời gian gần đây, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu trên vùng biển đơn vị được phân công quản lý có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Thái Lan, Campuchia.

Cơ quan chức năng phát hiện hầm chứa 80.000 lít dầu DO tại tàu cá

Để đấu tranh ngăn chặn, Vùng Cảnh sát biển 4 đã tích cực triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và liên tiếp triệt phá hàng loạt vụ việc mua bán, vận chuyển, sang mạn dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam. Lực lượng tuần tra trên biển phát hiện những ghe đánh bắt ngoài không không tôm, không cá nhưng đầu dầu DO.

Tại vùng biển cách Tây Hòn Khoai khoảng 50 hải lý, ngày 13-1, Tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá mang số hiệu TG 92267 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu và tiến hành kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng tìm thấy khoảng 50.000 lít dầu DO do thuyền trưởng là ông Võ Văn Hoàng (SN 1986, quê xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) điều khiển cùng 4 thuyền viên. Ông Hoàng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ toàn bộ số dầu trên.

Bị phạt nhưng vẫn bất chấp

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi diễn ra phổ biến, nhất là trên tuyến biển Tây Nam đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng. Các cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân chính các ngư dân tiếp tay vận chuyển trái phép xăng dầu là do sự chênh lệch lớn về giá dầu DO giữa đất liền và hàng mua trôi nổi trên biển.

Các tàu cá mua dầu ngoài biển sẽ tiết kiệm chi phí đi lại để vào bờ hoặc vào bờ gần nhất để mua dầu, đỡ mất thời gian đánh bắt trên biển. Qua theo dõi, đánh giá tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, Cảnh sát Biển nhận định, đa phần các đối tượng buôn bán xăng, dầu trên biển thường cung cấp dầu cho các tàu cá. Đối tượng vi phạm tập trung nhiều vào chủ tàu vận tải xăng, dầu nước ngoài sang mạn cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc tàu cá cải hoán của ngư dân Việt Nam để chở dầu.

Một thuyền trưởng chở dầu DO số lượng lớn bị lập biên bản

Do lợi nhuận lớn nên thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng rất tinh vi. Những kẻ buôn lậu thường mua xăng dầu ngoài biển, sau đó neo đậu ở ngoài phao số 0 rồi lợi dụng đêm tối, bán dầu cho các tàu cá, các tàu nhỏ hơn để vận chuyển vào bờ. Tàu vào đến cảng, xăng dầu lậu được hút vào các xe téc của các đại lý, tổng đại lý để chuyển đến các cây xăng bán lại thu lời. Từ đây, nguồn xăng dầu lậu lại được bán lại cho người tiêu dùng.

Lợi nhuận tiếp tục được chia đều cho các mắt xích trong vòng quay buôn lậu. Đối với ngư dân, lãi không kém khi tham gia vận chuyển xăng dầu trái phép. Vì vậy, họ bất chấp quyết định phạt mà tiếp tục vi phạm. Ngày 3-1, tại khu vực biển phía Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành kiểm tra, bắt giữ tàu KG-95859 TS đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt VPHC và bán phát mại hàng hóa hơn 1 tỷ đồng.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4, tàu trên từng vi phạm. ngày 16-8-21, tổ công tác của Biên đội C21, Hải đoàn 28 gồm 14 cán bộ, chiến sĩ sử dụng tàu BP 28.01.62 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Kiên Giang đã phát hiện tàu cá KG 95859TS có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong các khoang của tàu cá có chứa khoảng 80.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, thuyền trưởng phương tiện là Nguyễn Hồng Thanh (SN 1985, trú Kiên Giang) không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng Nguyễn Hồng Thanh; đồng thời tiến hành đưa phương tiện về cảng Hải đoàn 28 BĐBP để tiếp tục điều tra. Năm tháng sau, phương tiện trên tiếp tục vi phạm...

Thu lợi nhuận không thua buôn... ma túy

Một chuyên gia về xăng dầu khẳng định, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...). Chỉ tính tổng chi cho 4 sắc thuế trên đối với xăng RON 95 là 9.518 đồng/lít, tức chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95 giá 25.322 đồng/lít. Do đó, buôn lậu xăng dầu lợi nhuận không thua buôn... ma túy. Con buôn chỉ cần vận chuyển trót lọt một tàu dầu trị giá 100 tỷ đồng, những kẻ buôn lậu ung dung đút túi hơn 38 tỷ đồng.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang