Thay đổi nhiều phương thức, thủ đoạn
Thời gian qua, các lực lượng chức năng tại Lào liên tiếp phát hiện những vụ mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng đặc biệt lớn, trong đó có vụ thu giữ tang vật lên tới 1,5 tấn ma tuý tổng hợp (MTTH) và hơn 55 triệu viên MTTH vào tháng 10-2021, được Liên Hợp quốc đánh giá là vụ thu giữ ma tuý lớn nhất lịch sử châu Á.
Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình ma tuý thế giới và khu vực, nhất là Lào, nên TPMT trong nước, đặc biệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với công tác phòng chống ma tuý.
Tang vật ma túy do lực lượng Công an bắt giữ thời gian gần đây
Cụ thể, trên tuyến Việt-Lào, tuyến được đánh giá là chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ tình hình TPMT khu vực Tam giác Vàng và Lào, tình hình mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới với trọng điểm là các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung và các đường dây hoạt động liên tỉnh liên quan đến tuyến này thời gian gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma tuý số lượng lớn. Điển hình như ngày 29-6-2021, C04 phối hợp với Công an tỉnh Hoà Bình và các đơn vị liên quan triệt phá đường dây ma tuý từ Hoà Bình về Hà Nội, bắt 1 đối tượng cùng 30 bánh heroin.
Nửa tháng sau, Công an tỉnh Điện Biên phá chuyên án 621D, bắt 2 đối tượng, thu giữ 60 bánh heroin.
Không lâu sau đó, Công an tỉnh này lại phối hợp các đơn vị bắt 2 đối tượng đang vận chuyển 98 bánh heroin. Ngày 15-6-2021, C04 và các đơn vị phá giai đoạn 2 của chuyên án 177N, bắt 7 đối tượng, thu giữ hơn 32 kg MTTH và nhiều súng đạn.
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM, các tỉnh trọng điểm phía Nam và tuyến Việt Nam-Campuchia, TPMT diễn biến hết sức phức tạp, trở thành địa bàn nóng nhất hiện nay tại Việt Nam.
Thậm chí, ngay trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp tại các tỉnh phía Nam, các lực lượng chức năng kiểm soát rất chặt chẽ người và phương tiện lưu thông qua biên giới, tuy nhiên, tình trạng vận chuyển trái phép chất ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam vẫn diễn ra với số lượng rất lớn.
Điển hình như ngày 19-8-2021, tại TPHCM, C04 phối hợp Công an TPHCM phá đường dây ma tuý từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ, bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ gần 100 kg ma tuý các loại.
Bên cạnh đó, sau khi Trung Quốc trấn áp mạnh TPMT, xây dựng hàng rào biên giới, kiểm soát chặt chẽ khu vực giáp biên với Việt Nam do tình hình dịch Covid-19, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và móc nối với các đối tượng trong nước để đầu tư kinh doanh, thuê kho, xưởng, căn hộ chung cư để điều hành việc mua bán, vận chuyển ma tuý từ Tam giác Vàng qua Lào, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam tập kết với thủ đoạn tinh vi như cất giấu ma tuý trong các mô tơ điện nặng hàng tấn, đóng gói ma tuý lẫn trong các hàng hoá như đồ gỗ, máy móc, thiết bị điện tử, nông sản, trà, hạt nhựa, sắt phế liệu, băng keo dính điện, đồ chơi trẻ em, loa thùng.
Gần đây, Công an còn phát hiện các đối tượng cất giấu trong cả bao tử heo rồi đưa vào tủ cấp đông đem xuất khẩu lẫn với thịt đông lạnh để vận chuyển sang các nước thứ 3 tiêu thụ.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hoá, quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không, nhất là lợi dụng chính sách thông quan điện tử để gửi hàng hoá có nguỵ trang cất giấu ma tuý rất tinh vi từ các nước châu Âu (Hà Lan, Pháp, Đức, Séc, Bỉ…) về Việt Nam tiêu thụ và vận chuyển đi các nước.
Từ ngày 9/4 đến 13/4/2021, tại Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, Bình Dương, C04 phối hợp các đơn vị liên quan triệt phá đường dây ma tuý từ Đức, Hà Lan về Việt Nam tiêu thụ, đã khởi tố 8 vụ án với 17 bị can, thu giữ 125 kg MTTH.
Sử dụng cả mạng chìm, tiền ảo để giao dịch ma tuý
Đáng nói là, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sự tiến bộ của khoa học- công nghệ để phạm tội về ma tuý. Lực lượng Công an đã phát hiện, trong nhiều đường dây ma tuý xuyên quốc gia, các đối tượng sử dụng phương thức thanh toán giao dịch, liên lạc qua internet, thẻ ngân hàng quốc tế hoặc tinh vi hơn là sử dụng tiền ảo như bitcoin, ethereum (không có giá trị ở Việt Nam nhưng vẫn có giá trị quy đổi và thanh toán ở một số quốc gia).
Các đối tượng liên lạc với nhau chủ yếu qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber, Telegram…) và thậm chí là cả mạng chìm (deepweb), gây khó khăn cho công tác điều tra.
Bên cạnh đó, tình trạng TPMT có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản và các đường dây rửa tiền xuyên quốc gia vẫn tiềm ẩn và có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Điển hình như ngày 8-1-2021, tại quận Long Biên, Hà Nội, C04 triệt phá thành công chuyên án 379H về đường dây mua bán ma tuý và sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, do Đào Thị Thu Hiền (SN 1984, trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cầm đầu, bắt 6 đối tượng (trong đó có 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam).
Ngoài 150 bánh heroin, CQĐT còn thu được 37 máy POS của nhiều ngân hàng tại Việt Nam, 4 máy làm giả thẻ ngân hàng, 19 thẻ ngân hàng các loại, khoảng 1.200 hoá đơn giao dịch chuyển khoản, 2 máy tính, 13 điện thoại di động, 5.000USD và nhiều tang vật liên quan.
Kiểm tra tang vật chuyên án 379H về đường dây mua bán ma tuý và sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản
C04 đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác minh, làm rõ bị hại ở 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, bước đầu đấu tranh chứng minh các đối tượng giao dịch chuyển 600 tỷ đồng ra nước ngoài.
Ngày 7-6-2021, C04 lại phối hợp với Cảnh sát Liên bang Úc, Công an TPHCM và Công an các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu phá thành công chuyên án vận chuyển trái phép ma tuý, rửa tiền quốc tế liên quan đến 3 đối tượng quốc tịch Úc hiện đang sinh sống tại Việt Nam, thu giữ nhiều ma tuý, tang vật liên quan và khoảng 6,4 triệu đô la Úc, 500.000 USD, 10,5 tỷ đồng, 5 xe ô tô.
Hiện C04 vẫn đang phối hợp với Cảnh sát Liên bang Úc mở rộng điều tra về đường dây tội phạm quốc tế này.