Mức độ ngày càng nghiêm trọng
Theo số liệu của Bộ CA, chỉ tính riêng năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.945 vụ XH trẻ, trong đó 1.506 em bị XH về tình dục (XHTD) và trong số 97% trường hợp bị phát hiện, đối tượng đều quen biết với nạn nhân, gia đình. Đến năm 2021, thêm nhiều vụ việc được phát hiện, có thể kể đến một số trường hợp điển hình: Ngày 18-12-2021, Văn phòng Cơ quan CSĐT - CA tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Mã Văn Thiện (SN 1994) để điều tra về hành vi "hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Theo thông tin ban đầu, tháng 11-2018 Thiện có quan hệ tình cảm với bé gái chưa đầy 13 tuổi ở cùng địa phương, lợi dụng bé chưa hiểu biết về pháp luật đã quan hệ tình dục dẫn đến có thai rồi sinh con. Khi bé gái đi đăng ký hộ khẩu cho con mình đã bị CA xã Ea Wy phát hiện. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, CA xã đã lập hồ sơ, chuyển cho cơ quan điều tra theo đúng thẩm quyền.
Công an tỉnh Bến Tre cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Vũ (52 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam) để điều tra hành vi "hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Nạn nhân là cháu L.Y.N (12 tuổi), con ruột Vũ. Theo đó, tối 26-4 sau khi đi nhậu về, thấy vợ là N. T.M ngủ trong phòng, còn con gái là N. đang nằm ngủ một mình, Vũ đã thực hiện hành vi đồi bại với cháu. Đến ngày 29-4, bà M. phát hiện N. có biểu hiện bất thường về sức khỏe đã đưa đến phòng khám đa khoa thì phát hiện cháu bị XH.
Một hoạt động truyền thông phòng chống xâm hại tình dục học sinh
Ngoài ra, XHTE trên mạng cũng được xem là vấn nạn trong đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5 đến tháng 8-2021, trung bình mỗi tháng nơi này tiếp nhận khoảng 600 cuộc gọi báo tin về tình trạng XH và BLTE, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm. Năm 2020, số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở nội dung XH, BL chiếm hơn 47%, tăng 7,2% so với năm 2019. Điển hình là vụ một bé gái lớp 8 (quê Hà Nam) vì buồn chuyện gia đình, học tập nên thường chia sẻ cảm xúc tiêu cực trên trang cá nhân. Một đối tượng đã chủ động hỏi thăm, làm quen, tặng quà và sau một thời gian được cô bé nhận lời yêu, đối tượng đã dụ dỗ cô bé gửi ảnh hoặc video bộ phận nhạy cảm của cơ thể, video tắm để làm "minh chứng tình yêu", "giữ làm kỷ niệm", rồi dần dần buộc cô bé phải gửi video hàng ngày. Khi em không muốn tiếp tục thì bị đe dọa sẽ phát tán các video cũ.
Hành vi XH trên mạng thể hiện rất đa dạng, như: đánh cắp thông tin cá nhân, XHTD bằng cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm, cưỡng bức xem hình ảnh khiêu dâm, quấy rối qua tin nhắn, bắt trẻ gửi hình ảnh hoặc livestream nhạy cảm, bắt nạt trên mạng, công kích bằng lời nói, hù dọa, thách thức, bêu xấu trẻ... Thủ đoạn của những kẻ XHTD trẻ rất tinh vi: ban đầu đối tượng thường tiếp cận các em qua diễn đàn, mạng xã hội (nhóm, hội), hay qua các phòng chat hoặc game online; sau đó tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền, khiến trẻ tin tưởng. Kẻ XH thường tạo sự cảm thông với trẻ khiến các em mất cảnh giác, đáp ứng những yêu cầu như quay video, gửi hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, các đối tượng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có trong tay.
Mã Văn Thiện (giữa)
Chỉ mới xử phạt được 10% số vụ án
Theo các chuyên gia tâm lý, XHTE là tội ác khó thể tha thứ. Con số vụ việc tăng lên hàng năm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng XHTD trẻ em đang ở mức báo động.
Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ bị XHTD tăng cao trong thời gian qua là do sự giáo dục chưa đầy đủ của các bậc phụ huynh khi chưa hướng dẫn cho con cháu biết cách tự bảo vệ trước những người khác giới... Một phần cũng là do các em gái, nhất là những em đang hoặc đã qua giai đoạn dậy thì, vô tình phơi bày cơ thể do trang phục quá hớ hênh, thoải mái... Thêm vấn đề khác là nhiều bậc cha mẹ cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng khi con em mình bị XHTD và lo sợ rằng, nếu những người xung quanh biết thì tương lai của các cháu sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do đó, không ít gia đình đành nhận tiền bồi thường của kẻ gây tội ác để các vụ việc lắng xuống. Điều đó cũng tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi đồi bại.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, TPHCM có 22 vụ việc trẻ bị BL, XH, XHTD. Khi so sánh với thời gian cùng kỳ, Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhận định, tình trạng BL, XH, XHTD trẻ em thời gian qua có chiều hướng tăng giảm không đồng đều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức XH chủ yếu là các hành vi XHTD trẻ (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức khác (bắt cóc, chiếm đoạt...). Trong đó, độ tuổi của trẻ trong các vụ XH có chiều hướng ngày càng nhỏ (từ 13 đến dưới 16) và phần lớn là trẻ gái.
Sở dĩ vấn nạn XHTD trẻ em gia tăng là do cách thức xử lý vụ việc. Thực tế cho thấy, các vụ án xảy ra nhiều nhưng số được xử lý vẫn còn rất ít (chưa được 10%), do đó tính răn đe các đối tượng vi phạm rất thấp. Đó cũng là lý do mặc dù người dân, báo chí đã đề cập, lên án nhiều nhưng những vụ XHTE vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng. Khung pháp lý xử phạt đối tượng XHTD trẻ em được quy định khá rõ ràng, đầy đủ và mang tính răn đe, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để giải quyết. Theo một luật sư, hiện mạng Internet phát triển, tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng đã góp phần dẫn đến hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.
Thiết nghĩ các ngành, Mặt trận, đoàn thể, nhà trường cần tiếp tục tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm XHTE, những nguy cơ, hậu quả trẻ phải đối mặt khi bị XH... để trang bị cho các em ý thức cảnh giác, kỹ năng cần thiết, kiến thức tự bảo vệ bản thân và chủ động phòng ngừa, tránh bị lợi dụng, XH. Đặc biệt đối với nhà trường, gia đình cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, giáo dục trẻ trong quá trình tham gia mạng xã hội, học trực tuyến để phòng tránh nguy cơ trẻ bị XH trên môi trường mạng. Đối với lực lượng CA, tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm XHTE, cũng như nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khám phá các vụ án XH trẻ; đồng thời cần chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ XHTE, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội theo quy định pháp luật; tổ chực thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự...
(CAO) Bạo lực (BL), xâm hại trẻ em (XHTE) là vấn nạn trên toàn cầu. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại (XH), BL, bóc lột trẻ ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo cơ quan chức năng; một số vụ việc đã kéo dài nhiều năm, đến khi tình trạng BL, XHTE ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận.