Phóng sự điều tra:

Thuốc trị Covid-19 bị "thổi" giá thế nào? (kỳ 1)

Thứ Ba, 01/03/2022 09:43

|

(CATP) Dù chưa được Bộ Y tế (YT) triển khai mua bán ra thị trường, điều trị phổ biến cho người mắc Covid-19, nhưng trên mạng và nhiều nhà thuốc vẫn rao bán loại thuốc "đặc trị” Covid lên tới vài triệu đồng/hộp, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia YT về những tác dụng phụ. Dù biết những loại thuốc này vẫn bị cấm nhưng thông qua chiêu trò, mỗi nơi, mỗi nhà thuốc đều có cách tư vấn để bán và "đẩy" giá thuốc "lên trời", móc túi người mua.

Bán "chui" vẫn cháy hàng

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tiếp tục tăng cao. Riêng tại Hà Nội liên tục lập đỉnh mới với hơn 10.000 ca mỗi ngày. Số bệnh nhân (BN) tăng kéo theo giá thuốc, vật tư YT cũng tăng chóng mặt, thậm chí nhiều loại thuốc "cháy hàng".

Đơn cử như kít test nhanh tại Hà Nội tăng giá từng ngày, người mua thậm chí phải trả giá cao gấp đôi, từ 70 ngàn đến 120 ngàn/kit, nhưng rất khó mua; nhiều loại thuốc hạ sốt, thực phẩm tăng cường sức đề kháng cũng trong tình trạng tương tự, nhiều người phải xếp hàng tại các nhà thuốc, trong khi các nhân viên cũng phải "vét" khắp nơi để có hàng bán cho khách.

Trong khi đó, thuốc điều trị Covid -19 bán "chui" trên mạng và nhiều nhà thuốc đang nóng, giá tăng chóng mặt, nhiều nơi bán với giá "trên trời" vài triệu đồng/hộp.

Những loại thuốc này được người bán rao là các mặt hàng thuốc điều trị virus từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ đưa về Việt Nam như Arbidol (thành phần là Umifenovir), Areplivir (thành phần là Favipiravir)... được quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị Covid-19 hiệu quả nhất hiện nay, chỉ cần vài ngày là khỏi bệnh, đặc biệt với người bị bệnh nền.

Các loại thuốc này được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo..., thậm chí bán "chui" tại nhiều nhà thuốc, nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua, trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.

Loại thuốc của Ấn Độ điều trị Covid-19 chưa được Bộ Y tế cấp phép, bán "chui" tại Nhà thuốc Thanh Nga (ảnh cắt từ clip)

Người bán thuốc điều trị Covid trên MXH đủ các thành phần, nghề nghiệp xã hội, nhưng vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe, tính mạng, người dân đã "sắm vai" thành "dược sĩ mạng", sẵn sàng tư vấn thuốc bán kiếm lời. Một tài khoản Facebook T. chuyên nối mi, nail cũng đăng bài bán một loại thuốc có nguồn gốc Trung Quốc trên chợ mạng với lời QC "có cánh": "Mình đã bán hơn 500 hộp cho F0, hiệu quả sau 1 ngày dùng, nhanh về âm tính chỉ sau 3-4 ngày, thuốc thành phần Đông y, ít tác dụng phụ..." (!).

Theo điều tra của phóng viên Báo CATP, việc bán "chui" và rao bán các loại thuốc trên phổ biến tại các nhà thuốc trên các tuyến Trần Quốc Vượng, Mai Dịch, đường Cầu Diễn và tuyến Lưu Hữu Phước ở Hà Nội. Nhà thuốc Thanh Nga trên đường Cầu Diễn, Q.Bắc Từ Liêm nằm sâu trong con hẻm nhỏ là "địa chỉ đỏ” của các loại thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi.

Vào thời điểm Hà Nội đang "cháy" thuốc điều trị Covid-19, tại nhà thuốc này nhộn nhịp người ra vào. Khi khách hỏi mua kit test nhanh, người phụ nữ được cho là chủ nhà thuốc thông báo đã hết hàng và nói thẳng: "Kit đang cháy, không có hàng bán, em mua thêm cái khác thì chị bán kèm theo, giá 100 ngàn/kit loại của Hàn Quốc. Nếu không nhanh tay, vài hôm muốn mua cũng chẳng còn".

Khi khách đề cập đến việc có người nhà bị F0, người phụ nữ này không ngần ngại tư vấn và đưa ra nhiều loại thuốc điều trị Covid nói là hàng của Nga, Ấn Độ, giá hơi "chát" nhưng dùng rất hiệu quả. Hỏi xong các triệu chứng của người bệnh, chị này tư vấn: "Loại của Ấn Độ là 2,4 triệu đồng/hộp".

Thấy khách phân vân, người này tư vấn thêm: "Nếu bị nhẹ thì dùng loại của Nga cho vừa tiền giá 1,6 triệu đồng/hộp". Sau đó, người này lấy ra hai loại: loại thuốc của Ấn Độ có tên Molnupiravir Capsules 200mg Molaz giá 2,4 triệu đồng/hộp, còn loại của Nga nhỏ dẹt kèm câu "chốt": Không mua nhanh là hết!

Thuốc điều trị Covid-19 được bán tràn lan trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình)

Không được phép bán vẫn "nổ" khi khách hỏi mua

Khi khách băn khoăn các loại thuốc này để lại một số tác dụng phụ, chị này liền trấn an: "Yên tâm, chẳng để lại di chứng gì hết". Sau đó, người phụ nữ hỏi tiếp: "Thế đã sinh đẻ gì chưa?". Khách trả lời đã kết hôn rồi nhưng chưa sinh nở thì người phụ nữ này liền "bẻ lái" khuyên: "Dùng hàng Nga sẽ ít tác dụng phụ hơn. Loại của Ấn thích hợp hơn đối với người già hoặc bị bệnh nền. Theo giới thiệu, các loại thuốc này đã được kiểm chứng, một ngày nhà thuốc bán gần 100 hộp Molaz, mấy hôm nay "cháy" không còn hàng mà bán. "Bị Covid mà không uống cái này thì lâu về âm lắm! Người nhà em uống 4 ngày là về âm. Tiếc vài triệu đồng mà để bệnh diễn tiến nặng còn tốn hơn...".

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người mắc Covid-19 khi điều trị cần theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, tại Nhà thuốc Hưng Gia trên đường Lưu Hữu Phước, chỉ cần khách nói bị ho sốt, nhân viên sẵn sàng mang "hàng" ra tư vấn nhiệt tình.

Người bán thuốc tại đây nói rằng, không có loại Molnupiravir Capsules 200mg Molaz như khách tìm, nhưng có loại khác dạng vỉ hoạt chất tương tự cũng của Ấn Độ có tên Movfor Molnupiravir Capsules 200mg, một liều hơn 2,8 triệu đồng. Sau đó, nữ NV hướng dẫn 2 ngày đầu uống 8 viên, 2 tiếng nữa uống tiếp 2 viên.

Đến ngày thứ ba, sáng và tối uống 2 viên, rồi khẳng định đến ngày thứ tư là âm tính. Cũng tại đây, nhà thuốc sẵn sàng bán lẻ theo vỉ bằng loại thuốc khác cho khách không có điều kiện mua cả hộp, nhưng với giá khá "chát": 1,8 triệu đồng/2 vỉ 16 viên thuốc. Sau đó, người này cảnh báo, phụ nữ chưa sinh nở thì không nên uống, còn đàn ông thì dùng được.

Dù miệng khẳng định loại thuốc này không được bán, bán phải có đơn bệnh viện kê nhưng khi khách hỏi mua, người bán sẵn sàng "thổi giá” và không quên "nổ" về công dụng, tính hiệu quả cũng như độ "hot" của loại thuốc này. "Đang cháy hàng, dần rồi không có nữa đâu, người bệnh nền không dùng sẽ rất nguy hiểm. Cái này không bán tràn lan được!", nhân viên nói như dọa.

Tại Nhà thuốc Thu Hà trên đường Trần Quốc Vượng, chủ tiệm cũng khẳng định có nhiều loại thuốc điều trị Covid của các nước Ấn Độ, Nga... nhưng tỏ ra thận trọng hơn khi có khách hỏi mua: "Thuốc này ở đây không được bán sẵn trong hiệu thuốc, vì thế em để ở nhà. Bộ YT đang kiểm soát thuốc nên không thể bán tự do, phải có đơn em mới bán", người phụ nữ nói. Mặc dù vậy nhưng sau đó chị này khẳng định khách mua sẽ ship hàng đến tận nhà, cần mua sỉ cũng đáp ứng được, từ 5 hộp trở lên sẽ được giảm giá. Giá thuốc tại đây cũng "nhảy múa" theo từng loại, từ hơn 1 triệu đồng trở lên. "Hàng Thổ Nhĩ Kỳ, hàng châu Âu đắt nhất, xịn nhất từ trên 2 triệu đồng/hộp. Mấy hôm trước tụi em bán từ trên 3 đến gần 4 triệu/hộp", nữ chủ nhà thuốc nói.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang