Với những ưu điểm: giá rẻ, tiện dụng, thái độ thân thiện loại hình xe ôm công nghệ đã chiếm ưu thế, được nhiều người lựa chọn. Ngược lại xe ôm truyền thống đang ngày càng thất thế.
Chúng tôi đã đến các bến xe An Sương, Bến Thành, bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây để tìm và lắng nghe câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của những người chạy xe ôm truyền thống mới thấy hết cái khổ, cái cực nhọc của nghề khi xe ôm công nghệ đang phát triển ồ ạt như hiện nay.
Cuộc sống mưu sinh ngày càng khó khăn
Loai hình xe ôm công nghệ ở Việt Nam, mà đại diện là GrabBike và UberMoto mới xuất hiện khoảng hơn một năm trở lại đây nhưng đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên của khách hàng. Cũng vì vậy, xe ôm truyền thống lâm vào cảnh lao đao.
Ông Nguyễn Văn Đức chạy xe ôm ở khu vực bến xe Miền Đông suốt 30 năm qua đã có những phút trải lòng về cuộc sống khó khăn từ khi xe ôm công nghệ xuất hiện: “Từ lúc xe ôm công nghệ ra đời, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Mười người khách, thì chúng tôi chỉ chạy được khoảng ba người, bảy người còn lại họ đi xe ôm công nghệ. Mà ba người đó tôi phải vất vả lắm mới tìm được”.
Cùng cảnh ngộ là ông Trần Văn Hoa (50 tuổi, ngụ quận Thủ Đức). "Nhà tôi có 4 người, hai đứa con đang còn đi học. Tiền sinh hoạt hàng tháng phải chi 7-8 triệu. Nhưng từ khi xe ôm công nghệ xuất hiện thì thu nhập giảm đáng kể, bây giờ ngày kiếm được hai trăm nghìn là mừng lắm. Suốt cả buổi sáng nay tôi chỉ chạy được một cuốc quen, nhưng cũng chỉ được có 30 nghìn", ông Hoa trần tình.
Lái xe ôm là nghề duy nhất mà ông Hoa có thể mưu sinh và kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình. Ông bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng và mãi đến 8 giờ tối mới về đến nhà. Nhưng số tiền kiếm được thì chẳng bao nhiêu. Những lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền hằn rõ nét trên khuôn mặt của người đàn ông nhiều năm bươn chải kiếm tiền.
Vậy mà khi nhắc về con cái, gương mặt con người này bỗng sáng rỡ "Tuy khổ nhưng tụi nhỏ học hành được lắm. Năm nào cũng có giấy khen nên tôi chỉ mong sau này con cái có công ăn việc làm ổn định, không phải làm làm cái nghề khổ cực và bấp bênh như cha của nó”.
Không chỉ ông Đức, ông Hoa mà đa phần các bác tài chạy xe ôm khác cũng lâm vào cảnh khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cầm cố rồi…thuê xe mà chạy
Xe ôm là một nghề cực khổ, nhiều người trong nghề đùa vui chạy xe ôm giống như “làm dâu trăm họ”. Có khách dễ tính, có khách lại rất khó chịu, nhiều khi còn gặp cả khách quỵt tiền. Nhưng đó không phải là điều khó khăn nhất trong thời điểm này, khi họ đang phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh thực sự.
Giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người xe ôm truyền thống đang uể oải nằm nghỉ trên chiếc xe của mình. Hoặc đọc báo giết thời gian, hoặc đảo mắt dáo dác tìm kiếm khách đi xe, rồi lại thẫn thờ thất vọng vì thấy họ không chọn xe của mình.
Là người hiểu rõ tình cảnh của cánh xe ôm truyền thống nói chung, ông Đức xót xa: “Trong cuộc đua giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ thì vấn đề giá rẻ trở thành yếu tố quyết định. Mạnh thắng, yếu thua thôi, quy luật xã hội là vậy. Quy luật cuộc chơi này cũng vậy, chúng tôi chỉ là những người thua cuộc trong cuộc chơi này”.
Câu nói của ông khiến cho tất cả những đồng nghiệp xung quanh ai nấy đều im lặng, mỗi người nhìn một hướng xa xăm…
Ông Trần Văn Tâm là người chạy xe ôm đã hơn mười lăm năm. Ông cho biết chạy xe ôm thì không mong gì nhiều ngoài đủ tiền chăm lo cho gia đình. Nhưng từ khi xe ôm công nghệ xuất hiện, cuộc sống của gia đình bắt đầu lao đao. Hơn một năm trở lại đây, vì thu nhập giảm đáng kể, không đủ cho tiền xăng và những lần xe hư nên ông phải đi vay tiền để sửa xe. Nhưng rồi khách hàng ngày càng ít đi, tiền vay mỗi lúc một nhiều, ông phải mang chiếc xe - cần câu cơm duy nhất của gia đình cầm cố để trả nợ. Chiếc xe hiện giờ ông đang chạy phải đi thuê với giá ba mươi nghìn một ngày.
Những tài xế xe ôm truyền thống đa phần đều có hàng chục năm gắn bó với nghề, tuổi lại cao và không có đủ các trang thiết bị nên không thể gia nhập xe ôm công nghệ. Dù có mức thu nhập bếp bênh, cuộc sống khó khăn họ cũng đành phải chấp nhận.
Cực vì khách mất lòng tin
Nhiều xe ôm truyền thống cho rằng, chính sự xuất hiện của xe ôm công nghệ đã đạp đổ chén cơm của họ. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng chính khách hàng mới là người quyết định.
Nhiều người được hỏi cho rằng họ cảm thấy hình ảnh chèo kéo, hét giá, kì kèo và những lời lẽ đe dọa của một bộ phận xe ôm truyền thống khiến họ bức xúc. Dù biết không phải ai cũng như vậy, song họ vẫn cảm thấy mất niềm tin với đại đa số cánh xe ôm truyền thống.
Ông Đức chia sẻ: “Khách ra thấy xe ôm công nghệ thì người ta đi mặc dù bây giờ có những kẻ giả danh, là tài xế “đểu”, chỉ mặc cái áo, độ cái nón vô để gạt những khách hàng không biết. Còn chúng tôi làm ăn chân chính nhưng khách hàng người ta không tin tưởng. Vì phải cạnh tranh nên tôi phải hạ giá bằng với xe ôm công nghệ, vậy mà cũng chẳng được mấy khách”.
Bạn Hồng Diễm (sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV) cho biết, nhiều lần bạn chọn xe ôm công nghệ mặc dù không đặt xe trên hệ thống thay vì xe ôm truyền thống, vì “Xe ôm truyền thống rất nhiều, mình không biết họ là ai, có đáng tin tưởng không. Ngược lại, xe ôm công nghệ có công ty kinh doanh hẳn hoi nên mình yên tâm đi hơn”.
Câu chuyện về sự cạnh tranh giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ chưa biết sẽ đến đâu. Bản thân mỗi người đều có những khó khăn riêng. Thế nhưng việc khách hàng mất niềm tin đã khiến cho xe ôm truyền thống đang bị tụt lại phía sau. Cuộc sống mưu sinh khó khăn có thể sẽ còn bám theo những người như ông Đức, ông Hoa hay ông Tâm một thời gia nữa.
Tiêu Thảo - Trần Ngọc - Kim Anh