(CAO) TP.HCM với hệ thống sông ngòi chằng chịt đã được đánh giá là vùng đất tiềm năng phát triển loại hình du lịch đường sông. Tuy nhiên, trong thời gian qua các sản phẩm về đường thuỷ không nhiều và hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Ảnh minh hoạ
Trước đó, TP.HCM đã đặt du lịch đường sông là một trong những sản phẩm trọng tâm, trọng điểm để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc đưa tuyến buýt đường sông vào vận hành cùng tuyến buýt đường bộ và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) hạ thuỷ 5 ca nô phục vụ 7 tuyến đường sông, đã thể hiện sự quyết tâm của thành phố khi cố vực dậy loại hình du lịch đã từng 'hấp hối'.
Triển khai 7 tuyến đường sông
Vừa qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourits) đã khai trương 7 tuyến du lịch đường sông mới, cụ thể: Tour du lịch miền Đông; Tour tham quan rừng ngập mặn: Tour tham quan địa đạo Củ Chi; Tour du lịch nhà vườn; Tour du lịch hạ nguồn sông Sài Gòn Tân Cảng-Vàm Sát.
Theo đơn vị này, các tour sẽ khai thác các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá và ẩm thực của thành phố và các khu vực lân cận. 5 ca nô cao tốc mới được hạ thuỷ phục vụ du khách tham gia loại hình du lịch này được thiết kế mới, hiện đại nhất nước và có sức chứa 25 khách/chiếc.
Tổng Giám đốc Saigontourist - Trần Hùng Việt cho biết, nhiều đơn vị thành viên thuộc công ty tham gia khai thác loại hình du lịch đường thuỷ, các đơn vị chủ lực là Lữ hành Saigontourist, Khu du lịch Vàm Sát, Làng du lịch Bình Quới. Hệ thống cầu tàu tại khu du lịch Tân Cảng, khu du lịch Bình Quới 2 đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng; thời gian tới sẽ khởi công dự án bến tàu du lịch Nam Sài Gòn (Q.7).
Cũng theo Tổng Giám đốc Saigontourist, trong tương lai, mỗi năm thành phố đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế và hàng chục triệu lượt khách trong nước. Để níu chân du khách thì cần có nhiều dòng sản phẩm du lịch mới và việc phát triển du lịch đường sông là cần thiết, cấp bách.
Du lịch đường thuỷ triển khai chưa đồng bộ
Theo Tổng Giám đốc Saigontourist đánh giá, nếu khai thác du lịch đường sông đúng và đủ, hằng năm sẽ có doanh thu hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên loại hình này vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, các tuyến điểm tham quan, vui chơi giản trí đường sông - đường bộ còn nghèo nàn ý tưởng, tình trạng ô nhiễm ô trường,....
Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TP.HCM, giai đoạn 2017 - 2020 vừa ban hành, số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2017 - 2018 dự kiến đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm, trong những năm tiếp theo dự báo tăng khoảng 15%. |
'Để đa dạng hoá sản phẩm du lịch đường sông, chủ trương của thành phố phát triển loại hình du lịch này dựa theo đặc thù tài nguyên từng quận - huyện. Thành phố khuyến kích doanh nghiệp đầu tư khai thác các loại hình dịch vụ du lịch đường thuỷ kèm dịch vụ ăn uống giải trí về đêm, canô du ngoạn có kèm lưu trí, cho thuê thuyền nhỏ kèm hướng dẫn tham quan nội đô', vị Tổng Giám đốc Saigontourist nhấn mạnh.
Trên thực tế, tại thành phố đã có tuyến du lịch nội đô và câu nói 'tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền' đã được nhắc đến trong thời gian qua. Tuyến đường thuỷ nội đô chính thức hoạt động tại khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày 2-9-2015, thuyền hoạt động bởi các tài công chèo tay và một cụm động cơ điện.
Ban đầu loại hình du lịch đặc sắc này được người dân rất kỳ vọng khi chủ đầu tư thực hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mọi thứ dần biến mất. Đến nay, du khách và người dân chỉ còn nhìn thấy 2 quán cà phê tại điểm đầu và cuối, cùng nhiều thuyền gỗ phục vụ khách neo đậu dưới kênh.
Thiết nghĩ các doanh nghiệp, chuyên gia và lãnh đạo sở ban ngành cần chung tay và nỗ lực hơn nữa để các tuyến du lịch đường thuỷ này đừng rơi vào bế tắc và biến mất trong sự tiếc nuối.