(CAO) Tuyến buýt đường sông đầu tiên tại TP.HCM đã được hạ thuỷ vận hành kỹ thuật; điều này đã mở ra hy vọng cho việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông đường bộ. Đây cũng là dịp để TP.HCM quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch thân thiện với môi trường.
Tuyến buýt sông số 1 được hạ thuỷ chạy theo tuyến bến Bạch Đằng Q.1 về Linh Đông (Q.Thủ Đức). Tàu có sức chứa 80 hành khách và được lắp đặt nhiều hệ thống hiện đại, ô cửa kính trong suốt giúp hành khách có thể ngắm toàn bộ khung cảnh hai bên bờ sông của TP.HCM.
Là những vị khách may mắn đầu tiên, chị Phương (45 tuổi, ngụ Q.9) hào hứng khi được trải nghiệm chuyến tàu buýt sông. 'Gía vé chỉ 15.000 đồng là quá rẻ nhưng đi trên tàu thì cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Tàu có máy lạnh và ghế tựa lưng rất tốt làm tôi cứ ngỡ mình đang đi trên các tàu du lịch. Hành trình bố trí hợp lý nên chắc tôi sẽ chọn là phương tiện đi làm hằng ngày, vừa không khói bụi vừa thư giản', chị Phương cho biết.
Tàu buýt đường sông là mô hình vận tải hành khách đường thuỷ chưa có tiền lệ và còn nhiều thách thức, khó khăn; cần nhiều kết hợp hạ tầng giao thông của phương tiện đường bộ. Nhưng Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) - Nguyễn Kim Toản đã cam kết tại buổi hạ thuỷ, tuyến buýt đường sông đầu tiên đảm bảo an toàn kỹ thuật. Tàu được tính toán và thiết kế phù hợp điều kiện con nước, độ ẩm, nhiệt độ.
Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) - Nguyễn Kim Toản
"Tàu được thiết kế đảm bản an toàn, hành khách không cần mặc áo phao nhưng áo phao được trang bị dưới mỗi ghế. Tàu còn được tính toán hợp lý với khí hậu miền Nam, nắng nóng mưa nhiều. Tàu buýt đường sông hướng đến văn hoá cộng đồng và khôi phục giá trị văn hoá 300 năm của TP.HCM - 'trên bến dưới thuyền'; đồng thời tạp cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường", ông Toản nói.
Thực tế giao thông công cộng chỉ đáp ứng 1-% nhu cầu đi lại, phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe buýt và taxi. Năm 2020, chính quyền thành phố đang phấn đấu loại hình này sẽ đáp ứng 20% nhu cầu đi lại; trong đó xe buýt và taxi ước đạt 17% và 3%, còn lại là metro và tàu buýt.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - Bùi Xuân Cường phát biểu
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - Bùi Xuân Cường cho biết, TP.HCM lợi thế về đường sông nhưng chưa khai thác hết. Tuyến buýt đường sông số 1 đi vào hoạt động đã mở ra sự lựa chọn của người dân, khuyến khích họ sử dụng phương tiện vận tải công cộng; giảm ùn tắc giao thông.
'Cảng vụ đường thuỷ, khu đường thuỷ, phòng quản lý giao thông thuỷ, trung tâm vận tải hành khách công cộng và các đơn vị phải hỗ trợ tối đa cho nhà thầu thực hiện nhanh các hạng mục còn lại của dự án và kết nối tốt nhất hệ thống gioa thông đường bộ, đường thuỷ tạo điều kiện tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân', ông Cường cho hay.
TP.HCM với lợi thế sông ngòi chằng chịt, tổng chiều dài hơn gần 1.000 km với 112 tuyến sông - kênh - rạch. Tuy nhiên, thời gian qua tuyến đường thuỷ nôi đô dài hơn 574 km chưa được khai thác hiệu quả.
Tàu buýt đường sông mở ra sản phẩm du lịch độc đáo của TP.HCM
Trao đổi với báo Công an TP.HCM, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, tàu buýt đường sông rất hiện đại và tiện lợi cho du khách trong việc di chuyển bằng đường thuỷ.
'Đây là cơ hội tốt để kết hợp hài hoà giữa giao thông đường thuỷ và du lịch. TP.HCM có lợi thế về đường sông nhưng loại hình du lịch này chưa thực sự phát triển và vẫn còn mang tính tiềm năng. Việc khai thác phương tiện đường thuỷ sẽ bổ trợ cho sản phẩm du lịch của thành phố. Với tốc độ cao và tránh tình trạng kẹt xe, ngắm nhìn hai bờ Đông và bờ Tây, du khách có thể sử dụng phương tiện này để cho hành trình khám phá các điểm đến tại TP.HCM', ông Vũ nói.
Trước đó trong cuộc họp về vấn đề giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh, tuyến buýt đường sông đầu tiên được thực hiện nên các đơn vị phải thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng việc bến đỗ, thu phí; không xảy ra sai sót để tạo tiền đề cho các tuyến tiếp theo.
Tàu buýt dự kiến đón khách từ tháng 10-2017, trong thời gian gần 2 tháng này, công ty sẽ kiểm tra tất cả thông số kỹ thuật, quy trình tiếp cận bến, tiếp nhiên liệu, thực hành đi lại trong các điều kiện con nước và thời tiết.
Tuyến buýt đường sông số 2 lộ trình bến Bạch Đằng – Lò Gốm (Q.6) dài 10,3km, lưu thông dọc sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ về bến Lò Gốm dự kiến sẽ khai trương vào đầu năm 2018. Tổng chiều dài 2 tuyến buýt sông khoảng 21km, vốn đầu tư là 124,5 tỷ đồng với 4 tàu hoạt động thường xuyên; giá vé 15.000 đồng/người/lượt trong 2 năm đầu.
Việc tàu buýt đường sông chính thức đi vào hoạt động không chỉ giảm áp lực giao thông đường bộ mà còn tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.