(CAO) Cuộc phẫu thuật được tiến hành thành công, robot đã cắt tận gốc bàng quang và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng nhằm đảm bảo chức năng tiểu tiện qua đường niệu đạo cho người bệnh.
Anh L.K.P (46 tuổi, Khánh Hòa) cho biết anh bị khó tiểu, tiểu rát, thỉnh thoảng nước tiểu có máu, nhưng cứ nghĩ là do viêm đường tiết niệu thông thường nên anh chỉ mua thuốc uống. Sau khi uống thuốc mãi không khỏi, anh P. mới đi khám tại một bệnh viện tuyến tỉnh và lập tức được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân vì nghi ngờ có bướu bàng quang.
Tại đây, anh P. rất bất ngờ khi được kết quản chẩn đoán hình ảnh trên CT bụng phát hiện 2 khối bướu bàng quang kích thước khoảng 4x5cm và 3x1,5cm. Kết quả mô học sau mổ cắt đốt nội soi sinh thiết cho thấy đây là dạng ung thư tế bào chuyển tiếp bàng quang giai đoạn T2b, đã xâm lấn vào lớp cơ của bàng quang.
Các bác sĩ Tiết niệu tại bệnh viện Bình Dân khuyên người bệnh chấp nhận phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc càng sớm càng tốt để ngăn chặn nguy cơ ung thư di căn. Bên cạnh đó, người bệnh cần được tạo mới một bàng quang nhân tạo làm nơi chứa nước tiểu để đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh sau điều trị.
Ca phẫu thuật ứng dụng robot cắt bàng quang tận gốc do ung thư, tạo hình bàng quang bằng hồi tràng (đoạn dưới ruột non) thành công đã giúp anh L.K.P vượt qua căn bệnh ung thư bàng quang, trở lại với cuộc sống thường ngày. Đây cũng là trường hợp đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thực hiện phẫu thuật robot tạo hình bàng quang bằng hồi tràng tại Việt Nam.
PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc BV Bình Dân TP.HCM đang điều khiển cánh tay robot phẫu thuật cho bệnh nhân
Anh P. được xuất viện 2 tuần sau phẫu thuật và trở lại với công việc 15 ngày sau
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc BV Bình Dân TP.HCM, tính đến ngày 18-8-2017, Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện tổng cộng 165 trường hợp phẫu thuật robot, trong đó có 12 trường hợp phẫu thuật cắt bàng quang.
Ung thư bàng quang hiện là loại ung thư xếp thứ 9 trong số các loại ung thư phổ biến trên thế giới và là ung thư có tỉ lệ mắc xếp hàng thứ 6 ở nam giới (theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu Globocan, 2012).
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang chưa được xác định nhưng người hút thuốc lá, làm việc trong môi trường có tiếp xúc với hóa chất, nhiễm một số loại khuẩn là những người có nguy cơ cao mắc loại ung thư này… Hai dấu hiệu thường gặp nhất của ung thư bàng quang là tiểu ra máu và rối loạn đi tiểu (tiểu buốt, tiểu rát, tiểu khó…). Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh lý lành tính của đường tiết niệu nên nhiều người bệnh dễ chủ quan, dẫn tới chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị.