Bác sĩ chia sẻ những điều kỳ diệu về dây rốn của trẻ sơ sinh

Thứ Hai, 21/08/2017 21:33  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo TS BS Mai Văn Điển, dây rốn là cầu nối tế bào giữa thai nhi và người mẹ, dây rốn được hình thành cùng thai nhi nên các tế bào có trong dây rốn là của em bé và đều là các tế bào non, có rất nhiều ứng dụng trong y khoa.

Của để dành

Theo TS BS Mai Văn Điển, Giám đốc y khoa Ngần hàng tế bào gốc MekoStem, tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành các tế bào chuyên biệt khác nhau để thay thế cho các tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác nhau. Do đó, tế bào gốc được coi như "đội hậu bị" đã và đang được sử dụng để chữa được nhiều bệnh nan y như các bệnh suy chức năng tạng, bệnh di truyền và ung thư.

Nói về những tiến bộ mới trong nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc, TS BS Mai Văn Điển nhấn mạnh tầm quan trọng của tế bào gốc dây rốn. BS Điển giải thích, dây rốn là cầu nối tế bào giữa thai nhi và người mẹ, dây rốn được hình thành cùng thai nhi nên các tế bào có trong dây rốn là của em bé và đều là các tế bào non, có rất nhiều tế bào gốc.

Tế bào gốc máu dây rốn tương tự như tế bào gốc tủy xương nên đã và đang được dùng để điều trị trên 70 bệnh khác nhau như: ung thư máu, thiếu máu, các bệnh lý di truyền về máu, suy giảm miễn dịch và bệnh chuyển hóa.

Tế bào gốc máu cuống rốn được xem là bảo hiểm sinh học cho đứa trẻ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, tế bào gốc máu dây rốn còn đang được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như đột quỵ, bại não, tim mạch,... Tế bào gốc màng bao dây rốn đã cho kết quả khả quan trong điều trị các bệnh lý như: tổn thương da, xương, sụn, khớp, loét giác mạc khó liền, đột quỵ, tim mạch,...

Theo các chuyên gia y tế, không ai biết trước một em bé từ khi sinh ra, lớn lên có thể mắc bệnh gì, nếu lưu giữ tế bào gốc dây rốn cho bé ngay từ khi chào đời thì đây là nguồn tế bào gốc "trẻ", có khả năng phù hợp miễn dịch cao nhất khi dùng để chữa bệnh cho chính bản thân bé và các người thân trong gia đình của bé. Vì thế, lưu giữ lâu dài tế bào gốc dây rốn là một hình thức "bảo hiểm sinh học", là món quà vô giá mà cha mẹ, ông bà dành tặng cho con cháu.

Tế bào gốc dây rốn được thu thập, xử lý và lưu giữ như thế nào?

Ngay khi cuộc sinh nở hoàn tất, thay vì bỏ đi như rác thải, dây rốn và bánh nhau được giữ lại để các bác sĩ dùng dụng cụ chuyên biệt lấy toàn bộ máu của em bé còn lại trong dây rốn và bánh nhau. Qui trình thu thập máu và mô dây rốn không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, vì chỉ thao tác với bánh nhau và dây rốn - vốn là thứ sẽ bỏ đi.

Mẫu thu thập thành công sẽ nhanh chóng được chuyển đến phòng thí nghiệm đạt chuẩn của ngân hàng tế bào gốc MekoStem để xử lý tách các tế bào gốc từ máu dây rốn và từ màng bao quanh dây rốn, rồi bảo quản lâu dài ở nhiệt độ -196 độ C trong nitơ lỏng bằng các thiết bị bảo quản đặc biệt.

Theo các chuyên gia y tế, có ba nguồn tế bào gốc: tủy xương, máu ngoại vi và máu cuống-dây rốn. Tuy nhiên, do vấn đề tế bào gốc tủy xương và máu ngoại vi khá phức tạp, giá thành cao, lại không ghép được trên người khác gien nên được ưu tiên máu cuống rốn.

Hiện nay, việc lưu giữ tế bào gốc màng cuống rốn, máu cuống rốn cho con vẫn là một việc mới mẻ tại Việt Nam. Trên thế giới, từ cuối những năm 1980, con người đã ứng dụng tế bào gốc cuống rốn để điều trị nhiều bệnh lý thiếu máu và bệnh lý ác tính của cơ quan tạo máu như thiếu máu bất sản, thiếu máu hồng cầu liềm, ung thư máu… Hơn thế nữa nếu gia đình có người mắc bệnh cần tế bào gốc để điều trị thì khả năng phù hợp giữa người bị bệnh và mẫu tế bào của đứa trẻ sẽ cao hơn so với mẫu tế bào lấy của người không cùng huyết thống.

BV Quận 2 TP.HCM là bệnh viện quận đầu tiên ký kết hợp tác với Ngân hàng tế bào gốc MekoStem.

BV Quận 2 TP.HCM ký kết hợp tác với Ngân hàng tế bào gốc MekoStem

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 hi vọng việc ứng dụng những tiến bộ mới trong nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc sẽ đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh hiểm nghèo, mở ra nhiều cơ hội chữa trị cho bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu điều trị chất lương cao của người dân.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2 hi vọng việc ứng dụng những tiến bộ mới trong nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc sẽ đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh hiểm nghèo. Ảnh: NĐ

Được biết, MekoStem hiện là Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam lưu giữ cả tế bào gốc từ máu dây rốn và tế bào gốc từ màng dây rốn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang