Nghe bác sĩ đông y chia sẻ phương pháp châm cứu thủy châm và nhĩ châm để chữa bệnh

Chủ Nhật, 13/08/2017 11:52  | Ngô Đồng

|

(CAO) Châm cứu Việt Nam trong những năm qua liên tục phát triển, trong các phương pháp châm cứu truyền thống được kế thừa một cách có chọn lọc, các phương pháp mới đã được nghiên cứu phát triển mạnh mẽ chữa được nhiều bệnh tật.

Thủy châm, phương pháp châm cứu tiêm thuốc chữa nhiều bệnh

Theo BS Nhâm Chấn Phát, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp - Châm cứu và Dưỡng sinh Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, thủy châm là phương pháp chữa bệnh phối hợp giữa chữa bệnh của phương pháp châm theo học thuyết kinh lạc với chữa bệnh của thuốc tiêm (tại chỗ và toàn thân) để nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Theo đó, bác sĩ sẽ chích (tiêm) một dung dịch lỏng vào huyệt gây tác dụng kích thích huyệt tại chổ và tác dụng toàn thân của thuốc nhằm mục đích điều trị và phòng bệnh.

Theo BS Trần Thị Hương Lan, Phó trưởng Khoa nội cơ xương khớp Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, phương pháp thủy châm đã được nghiên cứu phát triển từ năm 1971 từ phòng nghiên cứu thủy châm của Hội Đông y Việt Nam. Đến nay, phương pháp này đã được nghiên cứu phát triển, phổ cập sử dụng rộng rãi.

"Phương pháo thủy châm gia đoạn đầu là dùng dung dịch chiết xuất của nọc ong, đến dung dịch vitamin. Đến nay, thủy châm có thể áp dụng mở rộng với các loại thuốc kháng sinh để nâng cao hiệu quả chống nhiễm khuẩn, hay các thuốc điều trị bệnh lý dị ứng, thoái hóa khớp, đế việc thủy châm nhiều loại thuốc bổ thần kinh, thuốc điều trị sau đột quỵ não, liệt thần kinh trung ương và ngoại biên như: cerebrolysin, các nhóm thuốc gingkobiloba,...

Bác sĩ sẽ chích (tiêm) một dung dịch lỏng vào huyệt gây tác dụng kích thích huyệt tại chổ và tác dụng toàn thân của thuốc nhằm mục đích điều trị và phòng bệnh. Ảnh minh họa

BS Nhâm Chấn Phát cho biết thêm, tại Việt Nam, một số bệnh viện, bệnh xá đã áp dụng thủy châm trong điều trị. Các bác sĩ dùng vitamin Bl, B6, BI2, Philatop, Novocain tiêm vào vùng thái dương (còn gọi thủy châm huyệt thái dương) chữa nhức đầu, đau đầu; tiêm vào vùng thận để chữa đau ngang lưng di mộng tinh, bệnh tim... Đến nay thủy châm được nghiên cứu mở rộng điều trị đau thần kinh tọa, đau đầu, đau nửa đầu, đau vai gáy, dây thần kinh liên sườn, đau do thoái hóa khớp, viêm quanh khớp vai... Phương pháp này được cho là hiệu quả với bệnh cấp tính như choáng và hôn mê, khó thở, tức thở, đau da dày, đau bụng, đau ruột, dạ con, nhức răng, co giật, động kinh.

Châm cứu điều trị bệnh tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Ảnh: NĐ

"Theo nhận xét của chúng tôi, có thể ứng dụng thủy châm rộng rãi trong các khoa, chữa được nhiều chứng bệnh với thời gian điều trị ngắn mà lại rẻ tiền. Chúng ta hãy cùng nhau đi sâu nghiên cứu và mạnh dạn ứng dụng thủy châm trong công tác chữa bệnh. Chắc chắn thủy châm sẽ giúp chúng ta giải quyết được một số bệnh tật mà hiện giờ đang gặp khó khăn trong quá trình điều trị", BS Phát chia sẻ.

Ứng dụng nhĩ châm trong điều trị

Theo lương y Phạm Duy Xuân Phong, chuyên gia Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, phương pháp điều trị bằng vành tai có nhiều tên: nhĩ trị, nhĩ châm liệu pháp, nhĩ chẩn và để cho tiện sử dụng chúng ta gọi tắt là “nhĩ châm”.

"Trong 'Nhĩ liệu pháp' không chỉ có châm cứu, mà còn có thể dùng các phương pháp khác như: xoa bóp, day ấn huyệt, dán cao, dán thuốc viên, điện châm, từ châm,… tùy áp dụng phương pháp nào mà chúng ta chuẩn bị dụng cụ thích hợp. Thông thường chúng ta chỉ cần một cây dò huyệt đầu tròn, đường kính nhỏ hơn 01mm, và vài cây kim châm cứu càng ngắn, càng mảnh càng tốt là chúng ta có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề của người bệnh, nhất là những trường hợp đau cấp", lương y Phong chia sẻ.

Trong tương lai, nhĩ châm sẽ là một trong những phương pháp điều trị không dùng thuốc hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh về ngành y học cổ truyền Việt Nam trên thế giới. Ảnh minh họa

Lương y Phạm Duy Xuân Phong cho biết: "Phạm vi điều trị của nhĩ châm cũng rất rộng, nó có thể tri được các loại bệnh cấp, mãn, bệnh các cơ quan nội tạng, thần kinh, nội tiết, tâm lý,… Nhưng mặt mạnh nhất, sở trường của nhĩ châm là điều trị đau, nên ta có thể sử dụng nhĩ châm điều trị hỗ trợ trong một số bệnh gây đau đớn nhiều, giúp bệnh nhân và thầy thuốc khỏi phải sử dụng các loại thuốc giảm đau nhiều, lâu".

Tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, phương pháp nhĩ châm đã được ứng dụng điều trị trong nhiều năm các mặt bệnh như: Tăng huyết áp, hội chứng cổ vai gáy,hội chứng thắt lưng hông, rối loạn giấc ngủ,...

Trong năm 2017, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM tiếp nhận phương pháp điều trị bằng nhĩ châm từ BV Châm cứu Trung ương, từ đó Viện sẽ triển khai ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh tại Viện và đào tạo, chuyển giao phương pháp này cho các đơn vị y tế tuyến dưới tại 19 tỉnh thành phía Nam và 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong tương lai, nhĩ châm sẽ là một trong những phương pháp điều trị không dùng thuốc hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh về ngành y học cổ truyền Việt Nam trên thế giới.

Thủy châm trong điều trị tai biến mạch máu não

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Không chỉ gây tử vong, đột quỵ còn để lại những di chứng nặng nề. Có đến 90% bệnh nhân đột quỵ sống sót mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ. Trong đó, khuyết tật vận động chiếm tỷ lệ cao nhất 51,9%,… Vì vậy, giải quyết vấn đề phục hồi vận động cho bệnh nhân sau đột quỵ là cần thiết và quan trọng, giúp người bệnh hòa hợp với gia đình và cộng đồng, đồng thời giảm gánh nặng cho xã hội.

Những nghiên cứu ứng dụng thủy châm kết hợp với nhiều phương pháp khác cùng lúc điều trị di chứng sau đột quỵ cho thấy có kết quả rất tốt, kết quả thường trên 90% có ý nghĩa thống kê. Như vậy, việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, giữa điều trị thuốc với không dùng thuốc, kết hợp giữa trị liệu với chế độ dinh dưỡng là cần thiết để nâng cao hiệu quả điều trị, phòng tái phát bệnh.

BS Trần Thị Hương Lan, Phó trưởng Khoa nội cơ xương khớp Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Nhĩ châm trong cai thuốc lá

Trong khói thuốc lá có chứa 7.000 chất độc hoá học, 70 chất gây ung thư,... Thành phần Nicotine có trong thuốc lá có tính gây nghiện giống ma túy nên được xếp vào chất gây nghiện. Sử dụng Nicotine liều thấp làm người hút cảm thấy hưng phấn, kích thích nhẹ. Sử dụng Nicotine liều cao sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, có thể gây hôn mê, tai biến mạch máu não. Do đó, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp và tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, hút thuốc lá còn có thể gây ung thư, tổn hại tế bào phổi. Thuốc lá khi cháy sẽ tạo thành các phân tử nhỏ đi vào phổi hoặc khí quản. Trong quá trình hút thuốc, nhựa thuốc lá sẽ đi vào phổi, ngấm vào trong máu, làm tổn hại tới tế bào và các cơ quan khác trong cơ thể. Khi hút 1 điếu thuốc, lượng nhựa thuốc lá hít vào khoảng 10mg, nếu hút 1 gói/ ngày thì lượng nhựa thuốc lá hít vào trong 1 năm sẽ rất nhiều, khoảng 1 ly thủy tinh.

Theo điều tra sức khỏe toàn quốc, hằng năm có khoảng 40.000 người chết vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Một số căn bệnh ung thư do hút thuốc lá gây ra là ung thư phổi, gan, dạ dày, cổ họng, miệng, tuyến tụy, thực quản...

Nhiều nghiên cứu sử dụng nhĩ châm để cai nghiện thuốc lá mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhĩ châm nên chống chỉ định với phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ dễ bị sẩy thai; liệu pháp này cũng không được khuyến khích ở bệnh nhân tai bị sưng tấy, loét, eczema... không được khuyến cáo cho bệnh nhân bệnh nặng hoặc thiếu máu nặng. Tránh kích thích mạnh trong điều trị bệnh tim nặng.

PGS TS Nguyễn Thị Tân, Trưởng Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Dược Huế

Bình luận (0)

Lên đầu trang