Nghe bác sĩ lý giải căn bệnh khiến nhiều vận động viên đột tử

Thứ Sáu, 04/08/2017 00:51  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo thống kê, trên thế giới có 22% vận động viên đột tử vì mắc chứng bệnh này. Đây là căn bệnh khá hiếm, là "cái chết được báo trước", bởi bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào.

Chiều 3-8, BS Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, lần đầu tiên tại đây, các bác sĩ vừa can thiệp cho bệnh nhân mắc phải bệnh lý hiếm gặp này.

Bệnh nhân là chị Ka Hữu (27 tuổi, dân tộc K'Ho, ngụ Lâm Đồng), nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, vả mồ hôi, thở dốc… Chị Ka Hữu được cấp cứu sốc tim qua nguy kịch tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng rồi chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại BV Chợ Rẫy, qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc chứng cơ tim thất phải gây loạn nhịp tim, có thể dẫn đến ngất xỉu, đột tử bất cứ lúc nào.

Các bác sĩ đã xử trí, điều trị nội khoa kèm cấy máy phá rung (điều chỉnh lại nhịp tim khi lên cơn loạn nhịp) vào người bệnh nhân vĩnh viễn để điều chỉnh nhịp tim, dự phòng những bất trắc sức khỏe có thể xảy đến. Hiện bệnh nhân đã hồi phục, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, chị sẽ phải đeo máy phá rung suốt đời và thường xuyên phải tái khám để các bác sĩ kiểm tra, cài đặt thông số.

Các bác sĩ đã xử trí, điều trị nội khoa kèm cấy máy phá rung (điều chỉnh lại nhịp tim khi lên cơn loạn nhịp) vào người bệnh nhân vĩnh viễn để điều chỉnh nhịp tim

Theo BS Đặng Quý Đức, Phó trưởng Khoa điều trị Rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh cơ tim thất phải gây rối loạn nhịp là do tế bào cơ tim bị thay thế bởi tế bào sợi và tế bào mỡ gây yếu cơ tim. Bệnh vô cùng hiếm gặp, đây là ca bệnh lần đầu tiên được xử trí tại BV Chợ Rẫy.

BS Đặng Quý Đức, Phó trưởng Khoa điều trị Rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thông tin về ca bệnh hiếm gặp. Ảnh: NĐ

BS Đức cho biết thêm, hơn 50% số bệnh nhân biểu hiện bệnh lần đầu với triệu chứng choáng ngất hoặc đột tử nên rất nguy hiểm.

BS Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh cơ tim thất phải được thế giới phát hiện ca đầu tiên vào năm 1997. Ở miền bắc nước Ý, cứ 10 bệnh nhân đột tử thì có 1 bệnh nhân mắc bệnh lý này. Một thống kê khác, trong số những vận động viên bị đột tử thì có đến 22% do bệnh lý này.

Nguyên nhân chưa có nghiên cứu chính xác nhưng có ghi nhận thiên về di truyền nhiều hơn. Theo thống kê, 35% bệnh nhân mắc bệnh cơ tim thất phải có người thân mắc bệnh.

Cách điều trị là gắn máy phá rung (điều chỉnh lại nhịp tim khi lên cơn loạn nhịp) và dùng thuốc ngăn ngừa suốt đời. Theo BS Nguyễn Tri Thức, khi người bệnh gặp bất trắc, chiếc máy này tự kích hoạt để đưa nhịp tim họ trở lại bình thường. Máy được cấy vào người có thể sử dụng khoảng 7-8 năm mới thay pin và thủ thuật thay chỉ mất chừng 20 phút. Hiện nay, máy tạo nhịp này có giá trị từ 200-250 triệu đồng/chiếc, tuy nhiên người bệnh sẽ được BHYT chi trả khoảng hơn 50 triệu đồng.

BS Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp tim Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thông tin về căn bệnh khiến nhiều vận động viên đột tử. Ảnh: NĐ

"Bệnh lý giống như cái chết được báo trước bởi bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào. Do đó, vấn đề tầm soát bệnh là vô cùng quan trọng. Đối tượng có nguy cơ bị loạn sản thất phải là những người có người thân trong gia đình từng mắc bệnh hoặc hay cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, dọa ngất hoặc ngất thì cần phải đi tầm soát", BS Thức khuyến cáo.

Chị Ka Hữu là người dân tộc K’Ho, gia đình thuộc diện hộ nghèo, để lắp máy phá rung (khoảng 200 – 250 triệu đồng) điều trị cho vợ, chồng chị đã vay mượn khắp nơi, bán hết ruộng đất và hiện vẫn còn nợ 200 triệu. Hàng ngày anh đi làm thuê, phụ hồ, đánh giày để kiếm tiền nuôi vợ và 2 đứa con nhỏ, một đứa 8 tuổi, một đứa gần 2 tuổi.

Chị Ka Hữu cho biết, trước khi phát hiện bệnh, chị sống và lao động, đi làm rẫy làm cỏ mướn bình thường, chưa bao giờ có biểu hiện bất thường gì về tim. Tuy nhiên, gia đình chị có 8 anh chị em thì có 1 người em út đột tử năm 17 tuổi không rõ nguyên nhân.

BS Thức hỏi thăm tình hình sức khỏe của bệnh nhân sau khi được đặt máy tạo nhịp. Ảnh: NĐ

Anh K' Bái (chồng chị Ka Hữu) kể lại: "Cô em gái út 17 tuổi cách đó 3 năm đang đào đất san nhà thì cũng thấy chóng mặt, khó thở rồi ngất luôn, đưa đến bệnh viện thì tim đã không còn đập nữa”.

Khai thác bệnh sử gia đình và sau khi chị Ka Hữu được phát hiện bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên anh em của chị nên đi khám, tầm soát bệnh thì cũng phát hiện thêm 2 người anh có bất thường ở tim phải.

BS Thức cho biết, gia đình bệnh nhân rất khó khăn, do không có tiền nên không thể xuống bệnh viện khám được. Ngay cả lần tái khám này, các bác sĩ cũng hỗ trợ tiền cho bệnh nhân xuống khám. Các bác sĩ cũng đang tìm cách kêu gọi hỗ trợ để cứu chữa cho 2 bệnh nhân này trước căn bệnh đột tử đã được báo trước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang