(CAO) Một người đàn ông 50 tuổi (ở Phan Thiết, Bình Thuận) bị ung thư hạch vùng cổ đã được chữa khỏi nhờ kỹ thuật ghép tế bào gốc.
Ông Dương Văn Q. (50 tuổi, công nhân viên tại công ty chế biến gỗ tại Phan Thiết, Bình Thuận) tìm đến BV Chợ Rẫy TP.HCM thăm khám vì bị hạch vùng cổ và toàn thân hành hạ đau nhức, khó thở.
Ông cho biết, trước đó 6 tháng, ông phát hiện ở vùng cổ của mình có một cục hạch, điều trị tại địa phương nhưng không giảm; sau đó ông hay bị sốt, sụt cân, hạch nổi toàn thân. Gần đây ông cảm thấy khó thở do cục hạch hành hạ nên mới tìm đến BV Chợ Rẫy cầu cứu các bác sĩ.
Tại BV Chợ Rẫy, các kết quả xét nghiệm, sinh thiết cho thấy ông Q. bị ung thư hạch, thuộc nhóm nguy cơ cao.
BS Thanh Thanh, Phó khoa Huyết học thuộc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Khi đến BV Chợ Rẫy thăm khám, cơ thể bệnh nhân Q. đã xuất hiện nhiều hạch không chỉ ở vùng cổ mà còn có ở vùng nách, bẹn,... nhiều cục hạch rất to, có hạch bằng đầu ngón tay cái, kèm theo sốt, sụt cân,... Các kết quả xét nghiệm, sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư hạch Lymphoma không Hodgkin (ung thư hệ lympho) giai đoạn IVB dòng tế bào T, nhóm nguy cơ cao".
BS Thanh Thanh, Phó khoa Huyết học thuộc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy TP.HCM chúc mừng bệnh nhân khỏi bệnh
Sau quá trình hội chẩn, cân nhắc toàn diện, các chuyên gia thuộc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy quyết định ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc mới để tiến hành điều trị cho bệnh nhân.
Cụ thể, các bác sĩ đã tiến hành tách tế bào gốc ngoại vi chưa bị “dính” ung thư và lưu trữ ở nhiệt độ âm 80oC trong dung dịch HES 12%/DMSO 10%/Albumin 8%. Đây là kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc mới du nhập từ Nhật Bản, lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam. Sau đó, bệnh nhân được hóa trị liều cao liên tục 8 đợt nhằm “đánh lui” toàn bộ tế bào ung thư. Tiếp đến, tế bào gốc lưu trữ được ghép trở lại thông qua kỹ thuật tiêm vào tĩnh mạch. Toàn bộ quá trình điều trị diễn ra trong vòng 30 ngày.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của ông Q. rất tốt. Ông Q. vui mừng chia sẻ: “Tôi chuẩn bị đi làm trở lại trong tuần tới. Toàn bộ quá trình điều trị tôi chỉ đồng chi trả 20%, trên dưới 50 triệu đồng, 80% chi phí còn lại BHYT chi trả.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của ông Q. rất tốt
Các bác sĩ Khoa Huyết học thuộc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy cho hay, cách đây 3 năm lãnh đạo BV đã cử một số BS sang Nhật Bản tiếp cận, học hỏi kỹ thuật bảo quản tế bào gốc mới mẻ này trong ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị ung thư hạch và đa u tủy xương.
BS Lê Phước Đậm, Khoa Huyết học, người trực tiếp học hỏi kỹ thuật mới tại Nhật Bản cho hay, tại Việt Nam lâu nay chỉ bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm 196oC và BV Chợ Rẫy phải “ký gửi” bảo quản tại BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM vì thiết bị rất đắt, hơn 10 tỷ đồng nếu đầu tư.
“Thiết bị mới phục vụ kỹ thuật bảo quản TBG âm 80oC chỉ 150 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều. Nhờ vậy, toàn bộ chi phí điều trị cũng kéo giảm 50% so với kỹ thuật cũ hiện đang sử dụng tại Việt Nam”, BS Đậm thông tin thêm.
TS BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho hay, BV rất tâm huyết với tiến bộ y học này, không chỉ giảm chi phí điều trị giúp bệnh nhân mà còn mở ra cánh cửa nhân rộng đến tuyến dưới bởi đòi hỏi về chi phí đầu tư thấp, nhân lực thực hiện không nhiều so với kỹ thuật cũ đang dùng.
Một bệnh nhân đang chờ ghép tế bào gốc nhờ kỹ thuật bảo quản mới
Được biết, tại Việt Nam những nghiên cứu, ứng dụng việc ghép tế bào gốc đã bắt đầu từ những năm 1995, được đặc biệt đẩy mạnh từ sau năm 2007 bởi hiệu quả điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến ung thư tạng đặc, chỉnh hình, tim mạch, nội tiết… Hiện trên cả nước có 10 viện, bệnh viện chuyên ngành thực hiện ghép tế bào gốc ngoại vi tự thân trong điều trị các bệnh lý về huyết học đối với hơn 500 bệnh nhân. Tuy nhiên, kỹ thuật mới bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80oC hiện chỉ có tại BV Chợ Rẫy.
(CAO) Sỏi thận là căn bệnh phổ biến trong xã hội ngày nay, gồm cả bệnh nhân trẻ và người cao tuổi. Sỏi thận gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống của những bệnh nhân. Người bị sỏi thận lâu năm còn có nguy cơ mắc ung thư thận.