Nhọc nhằn nghề cải lương nơi quán nhậu

Thứ Hai, 17/04/2017 14:55  | Lâm Vi

|

(CAO) Tầm 12 giờ trưa, những quán nhậu dưới chân cầu Phú Mỹ (Q.7, TP. HCM) lại bắt đầu đông đúc. Đối với họ, sân khấu là quán nhậu và khán giả là những vị khách đang ngà ngà say.

Mưu sinh bằng tiếng hát

Tiếng đàn ghi ta đệm theo giọng hát ngọt ngào của chị Kim Thảo vang lên khi phục vụ ca nhạc cải lương cho một bàn khách ở quán nhậu dưới chân cầu Phú Mỹ (Quận 7). Chị là đào hát của một nhóm nghệ sĩ không chuyên gồm 5 - 6 người.

Những người trong nhóm đều có khả năng đàn, hát và họ lấy đó làm niềm vui để mưu sinh, kiếm sống qua ngày. Trưởng nhóm nhạc là nhạc sĩ Văn Hiển, người gốc miền Tây. Lúc còn ở quê, anh cũng mê cải lương, ca cổ nhưng chỉ đi đàn cho những đám hát gần nhà chứ không nghĩ đây là một nghề để mưu sinh.

Thành viên Ngọc Nhi hiện là người trẻ nhất nhóm

Sau này khi rời quê lên thành phố, nhờ cái duyên dắt díu với người vợ mới tên Kim Hà. Anh mới bắt đầu sử dụng năng khiếu của mình để kiếm sống và tập họp lại một nhóm nhạc phục vụ cải lương, ca cổ. Chị Hà không giỏi về ca hát nhưng chủ yếu đi “tiếp thị” để kiếm khách hàng cho nhóm.

Chị nói: “Tôi hay mời khách nghe đờn ca cho vui. Có nhiều người hứng thú, mê cải lương thì họ đồng ý ngay. Nhưng cũng có nhiều người không thích nghe, tôi cũng vui vẻ và hẹn họ lần khác. Nhiều lần rồi nhiều người quý cách mời khách của tôi nên vui vẻ gọi nhóm vào hát”.

Chị Hà không giỏi về ca hát nhưng chủ yếu đi “tiếp thị” để kiếm khách hàng cho nhóm

Trong nhóm hát cải lương, các thành viên thường không cố định. Họ đến và đi có hẹn trước nhưng thường ở đoàn hát vẫn có thường trực từ 4 đến 5 người. Chị Hà nói: “Cũng chính vì có anh Hiển làm đàn chính nên chị mới dám lập nhóm và đi kiếm tiền bằng nghề này. Chứ nhiều khi các thành viên cũng bị thiếu hụt đi nhiều”.

Với một đào hát và một người chơi đàn thì phải hát trong một giờ để nhận tiền công 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, cũng có không ít khách trả giá và chê đắt. “Nhiều khi, khách nói 300 nghìn một giờ là quá đắt rồi đòi thấp xuống nữa. Nghĩ mà cũng thấy chút thiệt thòi. Nhưng thôi, mình nói với khách có thể không trả tiền mà tặng bông cho đào hát cũng được nhưng kèm cho chị đào ít tiền thưởng cho đủ bù lại giờ. Khách cũng vui vẻ và đồng ý”.

Nghệ sĩ Văn Hiển

Tuy nhiên, chị Hà cũng nói thêm, nghe 300 nghìn đồng/giờ thì cao đấy, nhưng trung bình một ngày chúng tôi chỉ phục vụ được vài bàn khách. Số tiền ấy được cộng lại rồi chia đều ra cho tất cả thành viên trong nhóm. Hôm vắng thì chỉ hát được một bàn, hôm nhiều thì được 3 đến 5 bàn. Bù qua trút lại cho đều thì chỉ dư chút đỉnh hoặc vừa đủ chứ không được nhiều.

Chị Hà kể, mỗi người trong nhóm hát đều có một cuộc đời và một hoàn cảnh khác nhau. Có người vào buổi sáng thì đi làm thợ sơn nước, buổi chiều đi hát cải lương. Cũng có người đã ly dị chồng, làm nghề này để kiếm tiền chăm lo cho bản thân và con cái.

Những đào hát phục vụ ở quán nhậu

Người cao tuổi nhất và có giọng hát ngọt ngào, được nhiều khách khen là ông Năm Thêm. Năm nay, ông đã ngót nghét 80 tuổi, với cái biệt tài vừa đàn, vừa hát. Ông luôn làm say lòng người ở những câu ngân nga cao vút. Người trẻ nhất nhóm là Ngọc Nhi, đã hơn 20 tuổi. Sau một thời gian hoạt động ở nhóm, Ngọc Nhi đã về Vũng Tàu để làm việc.

Phận đào hát quán nhậu "nặng" ở... cái tình

Chị Hà tự hào khoe: “Những người đến đây rồi đi, tôi luôn quý họ và xem họ là bạn. Có nhiều người đã đi làm nơi khác nhưng thỉnh thoảng vẫn quay về đây để thăm chúng tôi. Như Ngọc Nhi làm ở Vũng Tàu, khi nào có dịp lên Sài Gòn cũng quay lại đây thăm lại mọi người”.

Nhóm cải lương của nhạc sĩ Văn Hiển đã từng bôn ba nhiều nơi rồi mới “tạm dừng” ở dưới chân cầu Phú Mỹ. Anh Hiển thở dài nói: “Chúng tôi chỉ là những người đi hát không chuyên. Lúc trước cũng hát ở các nhà hàng quận 1, quận trung tâm nhưng sau dần thấy làm ăn không bền, họ mở rồi dẹp, những người trong nhóm phải bon chen đi kiếm nơi khác để sinh nhai. Sau nhiều lần đổi chỗ và tìm quán, chúng tôi qua đến đây”.

“Biển quảng cáo” của nhóm được đóng ở các quán nhậu

Chị Hà bộc bạch: “Thật ra đi quán nào, hát cho quán nào còn phụ thuộc vào tôi nữa. Tôi thấy không gian hợp, quán làm ăn theo kiểu gia đình, đàng hoàng tôi mới gọi mọi người đến. Đi qua nhiều quán, có vài chủ quán họ thương thì cho chúng tôi phục vụ âm nhạc nhưng nhiều chủ quán thẳng thừng lắc đầu từ chối” .

Chị Hà cũng nói thêm, hầu hết những người muốn được nghe hát đờn ca tài tử đều ở độ tuổi trung niên và hiện nay còn rất nhiều nhóm nhạc phục vụ loại hình này ở các quán nhậu. Chị nói: “Thật ra chúng tôi cũng thích đàn hát và nương vào tài lẻ của mình kể mưu sinh. Nhưng ai cũng có thời, cứ làm qua ngày rồi khi nào không được nữa thì tính tiếp”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang