Nhức nhối tình trạng hành hạ trẻ em

Thứ Ba, 09/08/2022 10:48

|

(CATP) Tình trạng bạo hành, bóc lột, hành hạ trẻ em tiếp tục diễn ra nhiều nơi, càng đáng lo hơn khi nước ta đã thông qua Công ước về quyền trẻ em từ năm 1990. Hiện nay tại TPHCM, tình trạng hành hạ trẻ em theo kiểu chăn dắt nhóm trẻ ăn xin liên tục tái diễn. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi ngược đãi, bóc lột trẻ em hiện nay chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng trên chưa thể ngăn chặn triệt để.

Sang chấn tâm lý do bị bạo hành

Liên tục các vụ bạo hành trẻ em xảy ra vừa qua, mới đây lại xuất hiện vụ việc chính người cha của bé gái N.T.N.N (10 tuổi, ở thôn Nam Mới, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bắt con cởi bỏ hết quần áo, treo tay lên trần nhà, dùng roi đánh. Dù vết thương bé N. phải chịu chưa nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sang chấn tâm lý gây ra trong tâm hồn cháu bé, đặc biệt là bé gái, khi bị cha đẻ hành hạ mới nặng nề, bởi kiểu dạy dỗ này chắc chắn không ai chấp nhận được.

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng của Sở LĐ-TB&XH TPHCM: Phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH, ĐT: 028.38.292.491 - 028.38.231.757 (giờ hành chính), Trung tâm hỗ trợ xã hội: 028.35.533.258 (hoạt động 24/24h).

Vẫn chưa dừng lại, khi mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn video clip dài 2 phút quay lại cảnh một nữ giáo viên Trường mầm non tư thục Hoa Mặt Trời (thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đưa cùi chỏ tay vào mặt bé trai 3 tuổi đã khiến dư luận dậy sóng, bởi hành vi này khiến cháu bé bị sang chấn tâm lý rất nặng nề, ngủ hay giật mình, hoảng loạn...

Khi trẻ ăn xin… xuống đường!

Thời gian gần đây, nhiều em nhỏ tiếp tục xuất hiện tại các giao lộ từ trung tâm TPHCM đến ngoại thành, nơi nào có mật độ người qua lại đông, thường thấy các em túa ra cầm ca xin ăn. Mặc dù luật pháp quy định rất rõ ràng, cụ thể: trường hợp sử dụng trẻ em, người già, người tàn tật để trục lợi cá nhân, kiếm tiền, ăn xin đều bị xử lý nghiêm theo quy định.

Luật trẻ em cũng nêu rõ trẻ không phải lao động trước tuổi, chính vì thế việc bắt các em đi ăn xin, bán vé số, đánh giày là vi phạm pháp luật, ngay cả việc trục lợi trẻ lang thang cũng là vi phạm. Người nào lợi dụng trẻ em để ăn xin, có hành vi hành hạ, đánh đập các em sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội "Hành hạ người khác", "Làm nhục người khác" hay "Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi".

Nguyễn Văn Thắng - bố đẻ bé N. ở Hà Tĩnh - tại cơ quan công an

Hiện tình trạng trẻ xuống đường (đa số vào chiều và tối mỗi ngày) ăn xin diễn ra nhiều nơi, vì thế rất cần cơ quan chức năng xem xét xử lý, để giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị, cũng như sớm giải cứu các em đang nằm trong đường dây chăn dắt, o ép đi ăn xin của người lớn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM đã có quy chế phối hợp cùng các cơ quan chức năng TPHCM về xử lý nghiêm các trường hợp lang thang, ăn xin, đặc biệt là các đối tượng chăn dắt.

Trong quá trình xử lý tình trạng này, trường hợp nào không có nơi cư trú sẽ đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM để chăm sóc, nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng giao cho chủ tịch các phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng ăn xin trên địa bàn.

Liên lạc đường dây nóng bảo trợ xã hội

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trước đây đã ban hành Văn bản 23696/SLĐTBXH-XH về tập trung thực hiện quản lý người xin ăn, người không có nơi cư trú ổn định. Sở đã đề nghị Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, TP.Thủ Đức tham mưu UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, giải quyết những trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng, đặc biệt các đối tượng là người cao tuổi, để bảo vệ tốt cho người dân, đảm bảo giải quyết triệt để tình trạng người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng, chú trọng khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn trên địa bàn.

Một trẻ ăn xin tại giao lộ Mai Chí Thọ và đường dẫn vào khu đô thị Sala, TP.Thủ Đức, TPHCM (ảnh chụp lúc 21 giờ 30 ngày 07-8-2022)

Bên cạnh đó, chủ động xác định, lập danh sách các địa điểm thường xuyên có người xin ăn, sinh sống nơi công cộng nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tổ chức đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội các đối tượng ăn xin nơi công cộng và khu vực cửa ngõ, bến xe, khu dân cư... Tăng cường thông tin vận động người dân TPHCM không cho tiền các đối tượng xin ăn trên đường phố, mà hướng dẫn họ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa... thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - từ thiện TPHCM để hỗ trợ các cơ sở bảo trợ xã hội.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức chủ động rà soát những khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú, đặc biệt là đối tượng cao tuổi, trẻ em không có người thân đi cùng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi. Khi phát hiện, đề nghị thông báo cho CA địa phương xử lý theo quy định pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang