(CAO) Làm nghề này bụi than lúc nào cũng bao vây quanh mình, ngứa lắm. Mấy chị em trang bị đủ thứ nào là ủng, bao tay, mặc những bộ quần áo dài, đội cả mũ vào mà người cứ lem nhem một màu đen nhẻm.
Chúng tôi trở lại xóm hầm than thuộc ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trong một ngày mưa như trút nước. Con đường dẫn vào bên trong xóm trơn trượt khó đi bởi vết bánh xe tải đã cày nát mặt đường nơi đây. Thỉnh thoảng xuất hiện những “ao nước” nhỏ bên đường, nước mưa đổ xuống cuốn trôi theo bụi than khiến cho đất ở đây có thêm màu đen giống như những cây than.
Mặc dù công việc vất vả nhưng những người phụ nữ làm than vẫn vô tư lạc quan
Xóm hầm than ở ấp 5 xã Tân Hiệp hiện nay còn khoảng 200 hầm than lụp sụp nằm rải rác bên khu vườn tràm, trong số đó có khoảng hơn chục hầm vẫn còn đang âm ỉ hoạt động với gần chục công nhân.
Cuộc sống của công nhân làm hầm than phải mất sức lực nhiều
Cuộc sống của công nhân làm hầm than phải mất sức lực nhiều, ngày nắng cũng như ngày mưa họ đều làm quần quật. Đàn ông thì người trần, chân đất, có người vừa cưa củi vừa xếp củi, đốt hầm và khơi than từ trong hầm nóng hừng hực.
Sau khi than đã được hầm xong lấy ra khỏi hầm là công đoạn phân loại và đóng bao than, công việc này chủ yếu dành cho phụ nữ trong xóm làm.
Bụi bặm bám vào người rất ngứa
Chị K.L (21 tuổi, quê ở Tiền Giang) theo chồng con lên đây làm hầm than chia sẻ: “Làm nghề này bụi than lúc nào cũng bao vây quanh mình, ngứa lắm. Mấy chị em tui trang bị đủ thứ nào là ủng, bao tay, mặc những bộ quần áo dài, đội cả mũ vào mà người cứ lem nhem một màu đen như vậy đó các chú. Các chú thấy cũng vui mắt nhưng thật ra có lần tui còn bị miểng than đen đâm trúng tay rồi bị nhiễm khuẩn mấy ngày phải đi mổ trong bệnh viện. Những lúc về tắm giặt mới thấy cực, khổ nhất là vào những ngày trời mưa, chị em nào không chịu được có khi cả đêm nằm gãi như khỉ".
Thu nhập của công nhân làm than củi cũng bấp bênh
Thu nhập của công nhân làm than củi cũng bấp bênh, vì vậy thời gian gần đây một số hầm than cũng đang lụi dần, hoạt động sản xuất cũng chậm lại.
Một số người ngao ngán kiếm việc làm khác, ngày càng có nhiều hộ dân chuyển đổi công việc, đã có người xây móng làm nhà mới, không còn cảnh tá túc ở nhà mái lá lụp sụp như trước nữa.