TP.HCM có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước

Thứ Bảy, 17/10/2015 15:03  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TP.HCM hiện đang là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước, với hơn 10.000 ca mắc ghi nhận được từ đầu năm đến nay.

Chiều 16-10, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc tại TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp.

Theo PGS TS Trần Đắc Phu, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 46.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 54 tỉnh thành, trong đó có 30 trường hợp tử vong, tập trung tại một số tỉnh thành khu vực phía Nam và miền Trung.

Đáng lưu ý, TP.HCM là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước, với hơn 10.000 trường hợp. Tiếp theo là Đồng Nai, với hơn 6.000 ca, Bình Dương với hơn 3.600 ca,…

TP.HCM là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước, với hơn 10.000 trường hợp

PGS TS Trần Đắc Phu nhận định, sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng so với năm 2014, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều số mắc cùng kỳ của tất cả các năm trong giai đoạn 2009 – 2013.

Về bệnh ta chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 36.778 trường hợp mắc tại 62 tỉnh thành, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kì năm 2014, số ca mắc giảm 37,5%, tử vong tương đương. Các số ca mắc tăng cao tập trung tại một số tỉnh miền Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh hô hấp khác cũng được ghi nhận, nhưng đáng mừng là số ca mắc đều có xu hướng giảm so với cùng kì 2014. Cụ thể, bệnh sốt rét, ghi nhận hơn 2.800 ca (3 trường hợp tử vong, giản 12,6% so với cùng kì); bệnh dại: ghi nhận 52 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp so với cùng kì); bệnh viêm não: 764 trường hợp, 21 ca tử vong (giảm 18,2% số ca mắc so với cùng kì và 47,5% số ca tử vong so với cùng kì).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định tình hình dịch bệnh năm 2015 tuy có giảm nhưng không được chủ quan, nhất là sốt xuất huyết. Các địa phương cần quyết liệt phòng chống dịch bệnh.

Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện phải chú ý các biện pháp phòng chống lây chéo trong bệnh viện trong bối cảnh đang quá tải điều trị. Các bệnh viện nên phân loại bệnh nhân để tránh tình trạng nhiễm chéo. Mặt khác, cần giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, các trường hợp nhẹ nên điều trị ở tuyến dưới, nặng mới lên tuyến trên và các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên gia cho tuyến dưới.

Về công tác phòng bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngoài các biện pháp phun xịt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng thì cần tuyên truyền cho người dân ý thức phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cần có chiến dịch loại bỏ vật phế thải trong nhà dân, khu dân cư, công cộng để không còn chỗ sinh sôi, trú ẩn cho muỗi,...

Bộ Y tế triển khai diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh

Sáng 16-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bình Dương, đồng thời kiểm tra tình hình triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng bệnh.

Bộ Trưởng Bộ Y tế đã đích thân đến các khu dân cư là điểm nóng và phát hiện rất nhiều lăng quăng trong các lốp xe, chậu kiểng, hòn non bộ và vật phế thải được người dân bỏ ngoài vườn.

Bộ Trưởng Bộ Y tế đã đích thân đến các khu dân cư kiểm tra và triển khai diệt lăng quăng

Thậm chí, nơi tưởng như sạch sẽ hơn cả là cửa hàng bán chậu cảnh, bình gốm ngay cạnh đường cái, bên trong các bình nước cũng chứa đầy nước mưa và lăng quăng.

Tỉnh Bình Dương đã được Bộ Y tế lựa chọn là nơi đầu tiên triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại khu vực Đông Nam bộ. Đây là tỉnh nằm ngay sát TP.HCM, đang có dịch sốt xuất huyết tăng rất cao và lượng bệnh nhân đổ về các bệnh viện ở TP.HCM khá nhiều, góp phần khiến bệnh viện ở TP.HCM quá tải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang