Hàng chục hộ dân sống cảnh lênh đênh giữa lòng thành phố

Thứ Bảy, 17/10/2015 14:29  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Được tạo điều kiện, ba trăm ngoài hộ “mẹ” đã lên định cư trên bờ để bắt đầu cuộc sống mới, còn lại mấy mươi hộ “con” không tấm giấy lộn lưng đành phải ở lại tiếp tục cuộc sống nổi trôi theo con sóng dập dềnh. Xót xa hơn là tương lai của những đứa trẻ khi không một ngày đến trường và có lẽ lại chịu một kiếp đời lênh đênh như bố mẹ.

Lấy chồng từ thuở 15

“Xóm ghe” ở khóm Đông Thịnh I (phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, An Giang) hình thành và tồn tại đã gần 20 năm nay. Công việc chính của họ là: Chạy đò, bán vé số, phụ hồ, làm công nhân cho các nhà máy… Do cuộc sống khó khăn, con cái đa phần là mù chữ, rất nhiều gia đình ở xóm ghe đã đành để con gái lấy chồng khi chưa đủ tuổi. Minh chứng cụ thể là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, dù mới 23 tuổi nhưng đã là mẹ của 4 đứa trẻ.

Người phụ nữ này mới tròn 23 tuổi mà đã là mẹ của 4 trẻ nheo nhóc

Ngồi cùng đàn con nheo nhóc trong chiếc ghe cũ mua lại cách nay gần chục năm đợi chồng làm về, chị Hạnh tâm sự: “Gia đình khó khăn, bố mẹ lo miếng ăn đã khó nên mấy anh chị em trong nhà không ai được đi học. Vì thế đã lập gia đình sớm hết, riêng em thì vừa tròn 15. Đứa con lớn nhất nay đã 8 tuổi và đứa nhỏ nhất đã được 12 tháng”.

Đường về xóm ghe Đông Thịnh I

Không “cục đất chọi chim”, mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào nghề bán dừa dạo của chồng, nhưng cũng không thấm thía vào đâu. Để con gái lớn được đi học, vợ chồng chị Hạnh đã nhờ đến bố mẹ hỗ trợ và không biết việc học sẽ kéo dài được bao lâu khi ai cũng gặp cảnh túng thiếu.

Mưa gió mấy ngày liền không kéo được xe dừa và dưa hấu đi bán đành ngồi quán nước để đợi người đến thuê, chị Nguyễn Thị Thị (30 tuổi) cho biết: “Ngoài bố mẹ, nhà tôi đến 6 anh chị em. Giờ đây, chỉ có ba mẹ là được lên bờ, còn lại đều ở lại ghe. Anh em người nào người nấy cũng 3 – 4 đứa con mà chưa đứa nào được học quá cấp 1. Với việc kéo dừa, cả 2 vợ chồng có nguồn thu nhập trên 100.000 đồng/ngày. Nghề này cũng bấp bênh khi gặp trời mưa hay bán ế dừa bị rụng cùi là coi như lỗ vốn, vì thế bình nước 12.000 đồng mà chẳng dám mua”.

Không được di dời, mấy chục hộ con tiếp tục sống cảnh lênh đênh

Xóm ghe nằm dọc bên sông Hậu được xếp dãy thành hàng. Mỗi ghe đậu mỗi kiểu. Có chiếc diện tích tàm tạm thì dành hẳn mũi và lái làm không gia sinh hoạt. Ghe nhỏ lụp xụp thì chỉ che tạm bợ vài tấm bạt sau lái để nấu nướng. Nhiều ghe được thiết kế như trên đất liền, chỉ có điều nền gỗ, nổi trên mặt sông là những chiếc phao làm bằng thùng phuy hoặc thùng xốp.

Những chiếc ghe nổi bằng xốp dễ bị sóng đánh vỡ

Như lời chị Thị, mỗi tháng phải chi trả tiền điện trên 300.000 đồng, 50.000 đồng tiền gửi xe, tiền gạo... nên việc mua nước uống là ngoài khả năng của gia đình. Vì thế, cứ đến con nước lớn, lấy thùng ra sông múc về lắng phèn vừa để uống và nấu ăn dù biết nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng từ nước thải của trung tâm thành phố. Có lẽ vì thế mà những đứa trẻ hay bị dị ứng, ngứa…

“Chữ chưa đầy lá mít”

Đấy là lời của người mẹ 3 con ngồi trên chiếc ghe hàng tạp hóa đậu cạnh chợ nổi Long Xuyên nói với tôi như thế. Chị là Hứa Thị Gấm (33 tuổi). Chiếc ghe được đậu liền kề với những ghe khác, nhưng đối với gia đình chị vẫn là nỗi ám ảnh mỗi khi mưa gió về.

Chị Gấm kể: “22 tuổi tôi lập gia đình nhưng vì gặp khó khăn trong chuyện buôn bán nên đã trôi nổi về xứ này. Về đây sinh sống đã 7 năm, trước sau đã có với nhau 3 cô con gái (lớn 13 tuổi, 2 đứa nhỏ 8 tuổi) tất cả đều không được đi học do cả gia đình không ai có hộ khẩu, giấy khai sinh. Vì thế biết chữ nào thì dạy con chữ ấy, nhưng ngặc nỗi cả 2 vợ chồng “chữ chưa đầy lá mít”. Điều chúng tôi mong mỏi là những đứa con được đến trường cũng như gia đình được lên bờ sống, chứ ở giữa “biển” nước mênh mông mỗi lần giông lớn cả nhà ai cũng thức trắng niệm Phật để cầu qua cơn hoạn nạn và mong ghe không bị sóng đánh vỡ”.

Không đất vườn, tài sản người dân xóm ghe sống bằng nghề buôn bán

Ôm đứa con nhỏ vào lòng với nét mặt buồn ra vẻ, ông Phạm Văn Tiến Dũng (50 tuổi) ngao ngán: “Đã quá chán kiếp sống lênh đênh trên ghe lắm rồi. Mỗi lần trời nổi cơn giông là không thể nào mà yên giấc được. Rất muốn lên bờ nhưng cũng đợi chờ mòn mỏi vì lấy đâu ra một lúc cả trăm triệu đồng để mua đất cất nhà. Dù biết sống trên ghe là thua thiệt trăm bề. Con cháu đi học phải lội sông, lụy đò hàng ngày vừa tốn tiền, vừa nguy hiểm. Nước sinh hoạt, ăn uống đều dùng đến nước sông dù biết rằng nó ô nhiễm nhưng nghèo biết tránh sao cho được”.

Dân xóm ghe không chỉ khó khăn về điện, nước mà môi trường sống rất ô nhiễm bởi nước trong cống cầu Cái Sơn, Tầm Bót đổ thẳng ra sông rất hôi thối. Muốn giặt quần áo hoặc tắm thì họ phải chờ đến con nước lớn.

Lên xuống “nhà” mỗi lượt người dân phải trả từ 3.000 – 5.000 đồng

Theo lời ông Dũng, ông Tâm, bà Nguyệt… dân xóm ghe rất sợ mỗi khi mưa gió vì nhiều chiếc ghe đã bị sóng đánh vỡ. Mong muốn của họ là được hỗ trợ chỗ ở ổn định, con cái được đi học, mũi không phải hít hơi sông ô nhiễm mỗi ngày. Sống trên ghe họ đã từng chứng kiến mấy chục trường hợp bị đuối nước do say rượu, leo rào và vui đùa của trẻ em khi bố mẹ vắng nhà. Cái sự bị thương đó năm nào cũng diễn ra và lặp lại khi nước lũ tràn về. Bởi bậc cha mẹ còn bộn bề với chuyện mưu sinh. Có lẽ cuộc sống của những người dân nơi đây như con sông Hậu vẫn đều đặn lớn, ròng mỗi ngày và như một điệp khúc buồn, lẩn quẩn chẳng hồi kết.

Nhiều trường hợp trẻ em đuối nước do bố mẹ đi làm

Theo bà Lý Thùy Giang, Chánh Văn phòng HĐND – UBND thành phố Long Xuyên, tổng số dân sống trên ghe đã di dời lên bờ là 327 hộ. Đối với hộ này sẽ được hỗ trợ di dời là 5 triệu đồng/hộ, vay vốn xây nhà 20 triệu đồng, mua nền giá ưu đãi từ 30 – 35 triệu đồng/nền và được trả chậm trong vòng 10 năm. Xóm ghe còn lại trên 30 hộ chưa được di dời. Nguyên nhân là do khi thành phố có chủ trương và tiến hành khảo sát lập danh sách thì các hộ này không có mặt tại địa phương nên không được giải quyết cho tới nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang