Những cô tiên mùa "cô-vít"

Thứ Năm, 10/09/2020 21:54

|

(CATP) Đại dịch Covid-19 (còn được người dân gọi nôm na là "cô-vít") từ đầu năm đến nay đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế đất nước lẫn cuộc sống dân sinh. Nhưng trong khó khăn, tình người luôn tỏa sáng. TPHCM - một đô thị năng động, đầy ắp nghĩa tình, luôn xuất hiện những "cô tiên" mang theo lòng nhân hậu dựng xây cuộc sống. Họ có thể là một nữ bác sĩ, một nữ phóng viên hoặc có khi chỉ là những bà nội trợ bình thường nhất, nhưng hành động thì rất đáng được ngợi ca.

SỨ MỆNH CỦA "NỮ CHIẾN BINH"

4 tiếng đồng hồ - quỹ thời gian mà dược sĩ (DS) Hoàng Thùy Linh - Viện Pasteur TPHCM - có được để chuẩn bị hành lý trước khi lên đường. Nhận lệnh đột xuất từ Viện trưởng, cô gấp rút chuẩn bị cho chuyến công tác mà có lẽ sẽ là đặc biệt nhất trong cuộc đời làm nghề của mình: tiếp viện cho TP.Đà Nẵng vượt qua cuộc chiến chống Covid-19.

"Em phải đi Đà Nẵng gấp, có lệnh tiếp viện rồi. Anh ở nhà lo 2 đứa nhỏ phụ em nhé!" - DS Linh chỉ kịp gửi 2 dòng tin ngắn gọn cho chồng. Trong phòng chờ máy bay cất cánh, nhiều dòng cảm xúc tiếp tục chi phối tâm trạng cô, có gì đó rất khó tả: một nửa của sự lo lắng và nửa còn lại là nỗi ngóng trông. "Bình yên nhé! Anh và các con đợi em về" - chỉ đến khi chiếc điện thoại DS Linh báo lại dòng tin, lúc đó cả đoàn tiếp viện mới thấy nụ cười nở trên môi của "nữ chiến binh" đang xung kích vào trận chiến dù không có tiếng súng, nhưng cũng không kém phần hiểm nguy, khốc liệt.

Ngày bình yên của vợ chồng dược sĩ Linh khi cô hoàn thành nhiệm vụ trở về

Do thời điểm này TP.Đà Nẵng thực hiện lệnh giãn cách xã hội nên đoàn tiếp viện của Viện Pasteur TPHCM phải đáp máy bay xuống TP.Huế. 16 giờ 30 chiều 29-7, các thành viên trong đoàn được xe công vụ của chính quyền TP.Huế chở vào Đà Nẵng để bước ngay vào tâm dịch, chẳng một phút nghỉ ngơi. Nhiệm vụ của đoàn là cùng Bộ Y tế (YT) giúp Đà Nẵng "giải áp" (giảm tải áp lực) về xét nghiệm (XN). Sự xuất hiện của những chuyên gia hàng đầu trong dịch tễ và XN của cả nước mà Viện Pasteur TPHCM cắt cử vào tâm dịch miền Trung lần này cũng là để triển khai nhanh nhất có thể các phòng XN Covid-19 đạt chuẩn, phát hiện được chính xác 100% ca dương tính.

"Thời điểm ấy, tình hình dịch ở Đà Nẵng rất căng thẳng. Chúng tôi không còn thời gian khởi động mà phải bức tốc ngay. Trong vòng 4 ngày đêm, hệ thống XN đã kích hoạt, vận hành thành công, được Đoàn công tác Bộ YT đánh giá đạt chuẩn, công nhận đủ năng lực triển khai XN" - DS Linh thông tin và chia sẻ thêm, phải nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ YT Nguyễn Trường Sơn (trực tiếp chỉ huy tại Đà Nẵng) và cả Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, các chuyên gia XN mới có đủ sức lực và sự vững tin để chạy đua với thời gian trong cuộc chiến chống dịch.

"Nữ chiến binh" Hoàng Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng

Dược sĩ Linh kể, dù trước đó cô từng tham gia rất nhiều chuyến khám bệnh từ thiện từ miền núi đến vùng biên giới, nhưng chuyến đi này có lẽ là đặc biệt nhất, bởi đó không chỉ là một cuộc trải nghiệm hay thử thách, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng, được đất nước đặt trên vai.

CÔ TIÊN CỦA BỆNH NHI UNG BƯỚU

Vừa chốt xong đơn hàng cuối cùng cho buổi livestream (phát trực tiếp) trên Facebook, chị Trương Đan Thủy liền bắt xe ôm, đội mưa chạy đến Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM để thực hiện một điều... đặc biệt. Bên trong các phòng điều trị, một số bệnh nhi ngơ ngác nhìn về phía người phụ nữ trong bộ dạng ướt như chuột lột. "Cô tiên tới, cô tiên tới rồi!", những tiếng reo vang lên khi các cháu nhận ra người mới đến.

"Cô tiên" Trương Đan Thủy mang niềm vui đến cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

"Cô tiên" là biệt danh thân thương mà các bệnh nhi đặt cho chị Trương Đan Thủy. Ở khoa Nhi của BV Ung bướu TPHCM, chị Thủy là Mạnh thường quân "ruột" của nhiều bé đang điều trị tại đây. Đều đặn mỗi tháng một lần, hễ gom được ít đồng lời từ việc bán chân gà trên mạng xã hội là chị lại tìm đến BV, phát tâm giúp đời. Cộng đồng mạng có lẽ không lạ gì cái tên Trương Đan Thủy - một "streamer" nổi tiếng chuyên bán đồ ăn vặt với nickname "Bà Su". Ít ai ngờ khi thoát ra khỏi thế giới ảo, chị lại trở thành "cô tiên" dịu hiền trong mắt các bệnh nhi đang từng ngày chống chọi với căn bệnh quái ác.

Có những ca bệnh nặng nhưng gia đình đã hết đường xoay xở, xem như phó thác số phận con mình vào may rủi thì bỗng một ngày, "phép màu" tìm đến, giúp cháu bé có tiền chữa chạy, thêm cơ may giành lại sự sống. Khoảnh khắc ấy, phụ huynh bệnh nhi chỉ biết thầm cảm ơn ông Trời đã mang đến một "cô tiên" mà có trong mơ, họ cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

"Cô tiên" Trương Đan Thủy mang niềm vui đến cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Hôm ấy, chị Thủy chuẩn bị 232 phần quà (mỗi phần trị giá 100 ngàn đồng) tặng cho các bệnh nhi đang điều trị tại BV; đồng thời gửi riêng 4 triệu cho 1 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn là chị Phạm Thị Hồng (SN 1983, điều trị tại khoa Nội 1). Chứng kiến tấm chân tình ấy, nhiều người đã không kềm được xúc động. "Sài Gòn luôn nghĩa tình và bao dung với những hình ảnh nhân văn như thế!" - chị Thảo, phụ huynh một bệnh nhi xúc động bày tỏ.

NGƯỜI NGHĨA TÌNH, ĐẤT DỰNG XÂY!

Không riêng gì những đóng góp thầm lặng bao năm qua tại các BV, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu nhen nhóm vào đầu năm, người dân thành phố đã tò mò khi hàng ngày chứng kiến một phụ nữ đội nắng đứng giữa các ngã tư phát khẩu trang cho người đi đường. Thời điểm ấy nhiều tờ báo đã đăng clip về hành động đẹp của "streamer" Trương Đan Thủy. "Khi đó, tôi xem thời sự nhiều và phần nào lường được tác hại rất lớn của dịch bệnh nên phát tâm gửi tặng khẩu trang cho mọi người. Không ngờ những việc làm nhỏ bé này lại được cộng đồng quan tâm đến vậy, nên rất mong sẽ tiếp tục được xã hội lan tỏa để góp phần đẩy lùi dịch bệnh" - chị chia sẻ.

Cũng với tinh thần như thế mà mới đây, khi biết một nữ phóng viên đăng tin về hoàn cảnh của 2 cháu bé (là chị em trong một gia đình) cùng mắc bệnh hiểm nghèo, nhà không có tiền và cha mẹ bắt buộc phải chọn cứu sống một trong hai em, chị Thủy lập tức kêu gọi sự chung sức của cộng đồng mạng. Chỉ sau một ngày, hai cháu bé đã được cư dân mạng quyên góp hơn 93 triệu đồng; trong đó, chị Thủy tự vận động và bỏ tiền túi được 50 triệu, phần còn lại thông qua nguồn vận động của nữ phóng viên. Hai cháu bé xem như có thêm cơ hội sống. Tấm lòng của cả chị Thủy lẫn nữ phóng viên ấy xứng đáng được ngợi ca, vì họ chính là những người thầm lặng hàng ngày làm đẹp cho thành phố nghĩa tình của chúng ta.

Lòng tốt được nhân lên, đó không chỉ là mong mỏi riêng của chị Thủy hay chúng tôi - những người thực hiện bài viết này, mà chắc chắn cũng chính là nguyện vọng chung của hầu hết người dân sống trên mảnh đất nghĩa tình mang tên Bác. Tính đến nay, đại dịch Covid-19 đã diễn ra hơn nửa năm, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước cũng như cuộc sống dân sinh. Chính vì vậy, trong thời điểm này, hơn lúc nào hết, xã hội rất cần sự đùm bọc, sẻ chia, để tất cả cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn trong dịch dã.

Và như thế, câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những "cô tiên" trong mùa dịch sẽ mãi là những hình ảnh đẹp, góp phần lan tỏa Sài Gòn nhân văn với bất kỳ ai.

Phía sau tấm huy hiệu vinh quang

Nhờ sự góp sức trong công cuộc chống dịch, DS Hoàng Thùy Linh đã được trao tặng Huy hiệu Công dân vinh dự của TP.Đà Nẵng. Có được vinh quang này, chắc chắn không thể thiếu sự hy sinh thầm lặng của chồng cô, cũng là một bác sĩ có nhiều đóng góp cho ngành Y TPHCM. Dược sĩ Linh tâm sự: "Những ngày căng mình chống dịch, tôi nhớ nhà, nhớ chồng con lắm, nhưng khi đã nhận sứ mệnh thì nhất quyết phải hoàn thành, vì đó là trách nhiệm của một công dân. May cho tôi, có chồng cũng là một bác sĩ, anh ấy hiểu và thông cảm cho vợ, chưa bao giờ gây áp lực, mà chỉ động viên với câu nói quen thuộc "Nhà ổn hết có gì đâu mà lo", mộc mạc vậy mà lòng cảm thấy luôn nợ anh lời cám ơn vì "cái ổn" nhẹ nhàng ấy!".

Bình luận (0)

Lên đầu trang